Khẳng định đây là tin vui nhưng GS Võ Tòng Xuân cũng khuyên doanh nghiệp Việt thận trọng vì trong tương lai Philippines có thể cạnh tranh khách hàng của Việt Nam.
Theo báo Manila Time của Philippines, Bộ Nông nghiệp nước này đang tính chuyện nhập khẩu công nghệ trồng hành củ của Việt Nam nhằm chấm dứt phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.
Bộ Nông nghiệp Philippines cho rằng, với công nghệ trồng hành của người dân ở ĐBSCL, nông dân Philippines có thể thu hoạch được 3 vụ/năm.
Hiện giới chức nước này đã cho phép một công ty chuyên về sản xuất hạt giống rau tại Việt Nam và đối tác Philippines lập trang trại trồng hành thử nghiệm tại một số vùng của Philippines.
Bình luận về thông tin này, chuyên gia nông nghiệp - GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, nói bà con nông dân ĐBSCL trồng hành nhưng thực ra chỉ có vùng Vĩnh Châu, Sóc Trăng là có nghề trồng hành tím lâu đời và nổi tiếng nhất. Những kinh nghiệm từ việc để giống hành, làm liếp như thế nào để trồng... đều được bà con làm rất tốt và truyền từ đời này sang đời khác.
"Nếu Philippines muốn học hỏi và nắm được phương pháp trồng hành củ của Việt Nam thì nên ủng hộ vì Việt Nam cũng lấy rất nhiều giống nông sản của Philippines làm giống bố mẹ để lai tạo. Đây cũng là tin vui cho Việt Nam, nó cho thấy các chuyên gia Việt Nam, nhất là chuyên gia nông dân chân đất còn có kinh nghiệm hơn mấy ông kỹ sư", GS.TS Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Tuy nhiên, GS Xuân cũng lưu ý, một khi Việt Nam xuất khẩu kỹ thuật, công nghệ trồng hành thì cơ hội xuất khẩu sản phẩm sẽ ít hơn.
"Nhu cầu về hành của Indonesia, Malaysia rất lớn do người dân Hồi giáo ở các quốc gia này ăn rất nhiều hành, hầu như món ăn nào của họ cũng sử dụng loại gia vị này. Bởi thế, khi xuất khẩu công nghệ, kỹ thuật trồng hành tím sang Philippines cũng cần hết sức thận trọng bởi một khi nắm được kỹ thuật trồng hành, chấm dứt phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu, họ hoàn toàn có thể trồng hành để xuất khẩu sang các quốc gia vốn là khách hàng của Việt Nam", GS.TS Võ Tòng Xuân cảnh báo.
Không chỉ Indonesia, Malaysia, theo GS Xuân, còn nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng nhập khẩu hành của Việt Nam, như Brunei, một phần Singapore... Chính vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu hành của Việt Nam có khách hàng tại những nước này cần chú ý hơn đến cách làm ăn.
Theo đó, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt phải nghe ngóng giá xuất khẩu hành của một số nước khác để từ đó có mức giá cạnh tranh hơn.
Một thực tế cho thấy, trong khi chất lượng hành củ của Việt Nam được đánh giá khá cao và đã xuất đi nhiều nước trong khu vực thì Việt Nam lại vẫn nhập khẩu chính mặt hàng này từ Trung Quốc.
Lý giải nghịch lý Việt Nam nhập khẩu ngay sản phẩm mà mình có thế mạnh sản xuất, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, đó là do hàng Trung Quốc kích cỡ to, đều, muốn mua bao nhiêu cũng có, đặc biệt giá rất rẻ, trong khi hàng trong nước giá cao hơn.
"Tới đây doanh nghiệp phải tính toán lại, bên cạnh chất lượng, phải bớt giá thành sản phẩm thì mới cạnh tranh được", GS Xuân nói.
Gấp rút đăng ký bản quyền giống
Trước khi thông tin Philippines muốn nhập khẩu kỹ thuật trồng hành của Việt Nam được đưa ra, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, Philippines cũng từng muốn trồng cây bưởi năm roi của Việt Nam nhưng chúng ta chưa cho. Ngoài ra, giống ổi của Việt Nam cũng đã được sang Philippines từ lâu.
Để bảo vệ sản phẩm của Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng điều gấp rút cần làm là Việt Nam cần đăng ký bản quyền giống một số cây đặc sản.
"Từ xưa đến nay, nói là xuất khẩu kỹ thuật trồng cây nọ cây kia nhưng hầu như chỉ là người Việt Nam qua nước họ dạy chứ không thông qua ai.
Còn hành của Việt Nam không đăng ký thương hiệu, giống, ngay cả thanh long cũng vậy, trong khi đây là nhiệm vụ của Nhà nước
Trước đây chúng ta đã nói nhiều về chuyện thanh long phải đăng ký là giống của Việt Nam mà không ai làm, ngay cả Nhà nước cũng không đứng ra làm việc này. Hệ quả là bây giờ giống thanh long đã được Trung Quốc đem về nước họ trồng. Ngoài ra Thái Lan, Indonesia, Australia cũng đã trồng được rất nhiều nhưng chúng ta không kiện được.
Trong khi đó, sầu riêng hạt nhỏ đã được Thái Lan đăng ký bản quyền của họ, khi Việt Nam đem giống của Thái Lan về trồng rồi bán ra thì Trung Quốc không chịu, nói phải đem qua Thái Lan, lấy tên của Thái Lan họ mới mua.
Lâu nay, kỹ thuật, công nghệ trồng trọt thường được tuyên truyền, trao đổi với nhau, không ai đăng ký bao giờ. Chỉ có về giống, Việt Nam phải gấp rút đăng ký để bảo vệ quyền lợi của mình", GS Xuân nói.
Nguồn Báo đất việt