Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu cao su đạt 4,36 tỷ USD
11/12/2016
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn ngành cao su có khả năng đóng góp 4,36 tỉ USD và chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016.

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cho biết ngành sản xuất cao su thiên nhiên của Việt Nam và thế giới còn gặp nhiều khó khăn do giá tiếp tục giảm mạnh từ năm 2012 kéo dài sang năm 2016. Khi nền kinh tế thế giới phục hồi yếu, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên tăng chậm trong khi sản lượng tăng nhanh làm cung vượt cầu, lượng cao su tồn kho tăng cao gây áp lực đẩy giá sụt giảm liên tục.

Bên cạnh đó, giá dầu thô giảm mạnh làm cho giá cao su tổng hợp rẻ hơn cũng tăng thêm áp lực kéo giá cao su thiên nhiên giảm theo. Có những thời điểm giá cao su xuống thấp dưới cả giá thành sản xuất làm ảnh hưởng lớn tới đời sống của người sản xuất, một số diện tích trồng cao su chuyển sang cây trồng khác.

 Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt 1,66 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu 1,5 tỷ USD các sản phẩm từ cao su như lốp xe, linh kiện cao su, băng tải và 1,2 tỷ USD các sản phẩm từ gỗ cao su.

 Với nỗ lực của toàn ngành cao su, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 về năng suất vườn cây, thứ 3 về sản lượng và xuất khẩu trên thế giới. Năm 2015, diện tích cao su của cả nước đã đạt trên 981.000 ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn, triển vọng đạt trên 1,2 triệu tấn cao su trong năm 2016.

 Năm 2016 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành cao su Việt Nam. Lần đầu tiên, nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (Viet Nam Rubber) được công bố chính thức sau hai năm thực hiện các thủ tục cấp phép và xây dựng hồ sơ pháp lý liên quan.

 Tại hội nghị Quốc tế về ngành hàng cao su xuất khẩu, 6 doanh nghiệp đầu tiên được nhận chứng nhận “Cao su Việt Nam” là công ty cao su Phước Hòa, Đồng Nai, Hàng Gòn, Dầu Tiếng, Đăk Lăk và Phú Riềng.

 Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu cao su trở nên gay gắt, ngành cao su Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa có thương hiệu chung cho ngành. Vì vậy, việc đưa vào sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” được xem là một trong những bước đi cần thiết để xây dựng thương hiệu chung cho cao su Việt Nam nhằm tạo được độ tin cậy cho đối tác nước ngoài và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên trường, tạo độ tin cậy cho đối tác nước ngoài khi chọn cao su nhập khẩu từ Việt Nam.

 Hiện nay, với tỷ lệ xuất khẩu nguyên liệu thô trên 80%, ngành cao su Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào giá cao su của thị trường thế giới thường xuyên biến động. Để hỗ trợ ngành cao su tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Việt Nam đã có quy hoạch đẩy mạnh việc tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước trên 30% và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su cũng như đồ gỗ cao su.

 
 Nguồn: Báo Công Luận 
Ý kiến bạn đọc