Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản: Tăng lượng, cần tăng cả chất
12/11/2016

Theo đánh giá của Bộ Công Thương đầu tháng 11/2016, trong tất cả các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực từ đầu năm đến nay, nông - lâm - thủy sản được coi là điểm sáng tích cực khi thoát khỏi đà giảm của năm trước và liên tục tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng này mới chỉ dừng lại ở số lượng.

Lượng tăng, giá giảm

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 10 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD, gồm: Thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều và 7 mặt hàng khác đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Vượt khỏi đà giảm của năm trước, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản liên tục tăng trưởng từ đầu năm đến nay và sau 10 tháng đã đạt mức 6,3%. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng khá nếu so với cùng kỳ năm trước (10 tháng năm 2015, xuất khẩu của nhóm giảm 9,7%). Đáng chú ý, một số mặt hàng như cà phê và hạt tiêu có khối lượng tăng rất cao với mức trên 35%.

Dù có sự tăng trưởng tương đối khả quan nhưng nhóm hàng này không được lợi về giá. Theo Bộ Công Thương, giá xuất khẩu bình quân trong 10 tháng của hầu hết các mặt hàng đều giảm tương đối sâu làm ảnh hưởng đến mức tăng kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm.

Ngoài việc chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ, nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, tỷ lệ chế biến thấp. Đây chính là nguyên nhân khiến sức cạnh tranh của nông sản Việt chưa cao, thua thiệt về giá khi xuất khẩu.

Đơn cử, trong khi giá gạo xuất khẩu trung bình của nước ta hiện dao động ở mức 400 USD/tấn tùy thời điểm, gạo xuất khẩu của Campuchia luôn được bán với giá khoảng 700 USD/tấn, cao gần gấp đôi giá gạo xuất khẩu của nước ta. Lý do, trong khi gạo Việt chất lượng không đồng đều, dễ bị trộn lẫn nhiều loại với nhau và không có thương hiệu, gạo Campuchia có chất lượng rất cao và thương hiệu đã được khẳng định trên thế giới.

Tăng chất cho nông sản xuất khẩu

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản xuất khẩu, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Đơn cử, với mặt hàng rau quả, Bộ đang tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ xem xét các báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và quy định kiểm dịch thực vật (PRA) để mở cửa xuất khẩu chính thức một số loại trái cây. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, định hướng các địa phương hình thành những vùng trồng cây ăn quả chủ lực, tập trung nâng cao chất lượng để xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ...

Bộ Công Thương cũng đang lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số ngành chủ lực như: Dệt may, thủy sản, trái cây, gạo... Ví dụ, với mặt hàng gạo, trong tháng 11, bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo sẽ được hoàn thiện và đầu năm 2017 sẽ thi thiết kế logo thương hiệu gạo quốc gia.

Đặc biệt, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký Bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông - lâm - thủy sản giai đoạn 2016-2020 với nội dung 2 Bộ sẽ tăng cường phối hợp trong các hoạt động phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng...

Nguồn:baocongthuong.com.vn

Ý kiến bạn đọc