Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ có thể tăng vào cuối năm
26/10/2016
Trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ đạt 354,6 triệu USD, tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm cá ngừ tươi sống, đông lạnh (thuộc mã HS 03) chiếm 57,8% tổng giá trị xuất khẩu.

Thị trường Mỹ:


Tính đến hết tháng 9/2016, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 40,8% tổng xuất khẩu với giá trị đạt 144,5 triệu USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, nhu cầu nhập khẩu cá ngừ hộp của Mỹ giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Trong khi giá cá ngừ hộp thế giới giảm nhưng không tạo sức hút cho thị trường này. Hiện nay, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia là 3 nguồn cung lớn nhất cá ngừ cho thị trường Mỹ, trong đó riêng Thái Lan đã chiếm 25,5-28% tổng nhập khẩu của nước này. 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ chưa thực sự ổn định, hai quý đầu năm, xuất khẩu giảm từ 7,3-20,6% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ tháng 5/2016, xuất khẩu sang thị trường này dần đi vào ổn định và có khả năng tăng mạnh hơn trong quý cuối năm.

EU

Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của cá ngừ Việt Nam, 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 73,9 triệu USD, bằng 50% giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, 3 thị trường đơn lẻ lớn nhất là: Italy, Đức và Bỉ có giá trị xuất khẩu tăng trưởng không đồng đều, Italy tăng 116,3%; Đức lại giảm 41,2% và Bỉ tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2016 có thể coi là năm xuất khẩu thủy sản nói chung sang thị trường EU ở mức trung bình hoặc yếu, trong đó, cá ngừ là sản phẩm hải sản cao cấp giá cao cũng bị giảm.

ASEAN, Israel, Trung Quốc

Xuất khẩu cá ngừ tính đến hết tháng 9/2016 sang 3 thị trường tiềm năng ASEAN, Israel và Trung Quốc khá ổn định. Giá trị xuất khẩu sang Thái Lan chiếm đến gần 7% tổng xuất khẩu cá ngừ, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Thái Lan vừa là thị trường xuất khẩu nhưng vừa là thị trường nguồn cung cá ngừ cho Việt Nam.

Israel là thị trường tiềm năng trong 9 tháng xuất khẩu qua. Đây là “điểm ngắm” của nhiều nguồn cung lớn ASEAN và Trung Quốc trong nửa đầu năm 2016. Theo thống kê của ITC, tính đến hết tháng 6/2016, tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ của Israel đạt trên 37 triệu USD, trong đó, riêng nhập khẩu từ Thái Lan đạt 10,8 triệu USD, từ Philipines đạt hơn 8 triệu USD và nhập khẩu từ Việt Nam đạt gần 7 triệu USD. Tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Israel còn khá lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam lưu ý tập trung đầu tư công nghệ hấp, sấy khô, đóng hộp các sản phẩm cá ngừ, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến mã HS4160414.

Tính đến hết tháng 9/2016, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Trung Quốc đạt 15 triệu USD, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm trước. Với giá trị nhập khẩu này, Trung Quốc có vị trí xuất khẩu lớn hơn cả thị trường Nhật Bản. Năm năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản liên tục giảm. Điều này khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam buộc phải chuyển hướng đẩy mạnh sang một số thị trường thay thế để đảm bảo doanh số bán. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa hẳn là thị trường xuất khẩu bền vững. Canada hay Mexico là thị trường gợi ý có thể gia tăng giá trị trong thời gian tới.

 Nguồn: vasep.com.vn
Ý kiến bạn đọc