Nông, lâm thủy sản
Gỡ khó cho xuất khẩu tôm
24/10/2016
Dù có thuận lợi về thị trường tiêu thụ, song các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vẫn phải đối mặt với việc kiểm tra nghiêm ngặt hơn về chất lượng.

Thị trường rộng và tiềm năng lớn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt giá trị trên 1,9 tỷ USD; tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 10%, chiếm 60,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Trong tất cả các sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến (HS 16) tăng mạnh nhất, trên 12%.

Theo Vasep, sau đợt hạn mặn vừa qua, nhiều hộ nuôi tôm sú đã chuyển đổi sang thả nuôi tôm chân trắng do thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao, tỷ lệ nuôi thành công cao. Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, tỷ trọng tôm chân trắng xuất khẩu tăng do diện tích thả nuôi và sản lượng tăng. Tỷ trọng xuất khẩu tôm sú và tôm biển giảm.

Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu tôm nhờ nhu cầu ổn định từ các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và giá tôm thế giới có xu hướng tăng trong bối cảnh nguồn cung thế giới sụt giảm. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang top 5 thị trường chính đều tăng trừ Nhật Bản giảm 6,4%. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh nhất 36,9%, sang Mỹ tăng 16,4%, sang Hàn Quốc tăng 13,5% và EU tăng 7,1%.

Trong một hội thảo về ngành tôm tại Ninh Thuận mới đây, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, con tôm có thị trường rất rộng tới cả 7 tỷ người trên thế giới do có rất ít người kiêng ăn tôm.

Đang gặp “hạn”

Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi về thị trường tiêu thụ song các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải đối mặt với việc kiểm tra nghiêm ngặt hơn về chất lượng. Những năm trước, nếu như con tôm chỉ bị kiểm tra các loại kháng sinh cấm thì năm nay, trong danh mục kiểm tra của các nước có thêm các loại kim loại nặng, độc tố sinh học, đồng nghĩa với đó là việc xuất khẩu tôm của Việt Nam đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Mới đây, Hàn Quốc thông báo sẽ kiểm tra 10% những lô hàng tôm nhập từ Việt Nam từ ngày 5/9 đến hết năm nay để xem trong mỗi con tôm có hóa chất kháng sinh Nitrofurans hay không. Đây không phải lần đầu tôm xuất sang Hàn Quốc bị cảnh báo có kháng sinh cấm. Năm 2013, tôm xuất sang Hàn Quốc cũng bị kiểm tra chất ethoxyquin, thời gian kiểm tra đúng 1 năm (từ 1/1/2013 đến ngày 31/12/2013).
Nhật Bản cũng thường xuyên thông báo kiểm tra 30% rồi lên 100% lô hàng tôm nhập từ Việt Nam. Theo thời gian, danh sách các loại kháng sinh cấm bị Nhật Bản kiểm tra ngày càng nhiều. Trước đây, chỉ có một chất Enrofloxacin thì nay trong danh mục kiểm tra đã có thêm bốn chất nữa là Chloramphenicol (CAP), Sulfadiazine, Sulfamethoxazole, Furazolidone.

Còn ở EU đưa con tôm nói chung, thủy sản Việt Nam nói riêng vào danh mục kiểm tra kim loại nặng. Úc cũng có thông báo sẽ kiểm tra 100% lô hàng để kiểm tra độc tố sinh học và vi sinh trong sản phẩm tôm và một số sản phẩm thủy sản khác.

Trước đó, Hiệp hội Vasep đã bày tỏ lo ngại về nạn tiêm tạp chất, bơm tôm chỉ diễn ra ở một số địa phương nhưng nếu không sớm ngăn chặn triệt để sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu chung của cả nước.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia trong ngành, vấn đề bất cập nhất hiện nay ảnh hưởng đến thị trường hoạt động xuất khẩu tôm chính là chất lượng không đáp ứng thị trường. Tình trạng tôm bẩn đang trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”.

Gỡ “khó”

Trước thông tin “tôm bẩn” có nguy cơ gây khó cho thị trường xuất khẩu, Bộ Công thương đã khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tìm giải pháp tháp gỡ cho doanh nghiệp. Chương trình tôm sạch cần có hướng tiếp cận bền vững vì nếu không đảm bảo quy chuẩn sản xuất sạch sẽ không đủ tiêu chuẩn tiếp cận thị trường thế giới. Trong đó, nhiều thị trường tiềm năng sắp mở ra khi hiệp định thương mại song phương và đa phương có hiệu lực.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, phải có sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đảm bảo quy trình nuôi trồng đến chế biến sạch. Dự kiến sẽ đưa ra quy chế phối hợp với giữa các Bộ liên quan cùng hiệp hội cùng thực hiện một cách tốt nhất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thì cần đưa tôm thành mặt hàng chiến lược quốc gia để có chính sách tạo động lực để phát triển thương hiệu tôm Việt Nam lớn mạnh trên thị trường thế giới.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đã đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó có tôm, xuất khẩu vào EU rà soát chương trình quản lý chất lượng, thiết lập, thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát mối nguy kim loại nặng. Trong số đó đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy hải sản nhập về nhà máy để chế biến.

Bên cạnh những khuyến cáo đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Mục tiêu nhằm xây dựng thành công các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm của Việt Nam đi các nước trên thế giới.

Mục tiêu, kết thúc năm 2017, có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm post (tôm giống hậu ấu trùng) đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, nghiên cứu, tổng hợp, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp nuôi tôm về các quy định của OIE và các nước, nhất là các nước có quy định nghiêm ngặt về thú y đối với tôm nhập khẩu.

 Nguồn: Báo Người tiêu dùng
Ý kiến bạn đọc