Thị trường xuất khẩu gạo hiện nay, nước ta đã bị Thái Lan và Ấn Độ qua mặt, thậm chí Campuchia cũng gần ngang bằng.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (IPSARD), nhận xét: “Ngành lúa gạo của nước ta có chi phí sản xuất cao nhưng lợi nhuận mang lại thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Ấn Độ, thậm chí là Campuchia. Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao, cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành như cảng, đường… còn yếu khiến chi phí vận chuyển cao. Đây là nút thắt cổ chai làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam”.
Gần 30 năm xuất khẩu gạo, nước ta chỉ loay hoay tập trung vào thị trường châu Á. Thời gian gần đây có xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu nhưng vừa qua nhiều container gạo bị trả về do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức cho phép. “Campuchia mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo nhưng 71% tổng lượng gạo xuất khẩu của họ xuất sang thị trường châu Âu với giá cao. Trong khi 76% lượng gạo xuất khẩu của nước ta lại xuất sang thị trường châu Á với giá giá thấp nên xuất nhiều nhưng lợi nhuận không nhiều” - ông Kiên nói.
Trong khi xuất khẩu khối lượng gạo lớn nhưng giá trị mang về thấp, nên thu nhập người nông dân bèo bọt.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng những vướng mắt trong ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng là đầu tư khoa học công nghệ thấp nhất trong khu vực, liên kết trong ngành kém, nhân lực ít được đào tạo nên tạo ra năng suất thấp…
“Đất nông nghiệp đang bị thu hẹp và trong tương lai còn bị thu hẹp do nhu cầu đô thị hoá, nước sẽ càng khan hiếm vì tiêu xài hoang phí. Đầu tư vào nông nghiệp thấp, thậm chí sau khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chúng ta được phép lấy 10% tổng giá trị sản lượng nông nghiệp đầu tư lại cho ngành nông nghiệp nhưng chưa bao giờ chúng ta xài 10% này” - bà Lan cho biết.
Trước những thách thức đặt ra như trên, ông Kiên khuyến nghị: “Cần thay đổi cách tiếp cận, đừng coi lúa gạo là ngành đảm bảo an ninh lương thực và chuyển đổi theo nghĩa tăng thu nhập, cải thiện dinh dưỡng. Thay vì bảo vệ đất lúa thì chuyển sang bảo vệ đất nông nghiệp, từ sản xuất quy mô nhỏ thì tập trung vào khâu thương mại và sau thu hoạch…”. Theo nghiên cứu của một trường ĐH ở Australia, về việc tính toán mức chuyển đổi đất lúa tác động đến GDP Việt Nam thì nếu chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác là 19% (mức tối ưu) sẽ giúp Việt Nam tăng GDP khoảng 5,5 tỉ USD trong vòng 20 năm tới.
Tăng 1 độ C, sản lượng nông nghiệp giảm 10%
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu- Trường ĐH Cần Thơ, dự báo nếu nhiệt độ tăng 1 độ C, sản lượng nông nghiệp sẽ giảm 10%. Vì vậy, không nên duy trì tập trung quá nhiều diện tích nông nghiệp cho canh tác lúa như hiện nay vì hiệu quả không cao. Thay vào đó, cần hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến, an toàn, tiết kiệm nước, giảm giao động và gia tăng giá trị; nên xem xét mức gia tăng hạn điền, công nhận quyền tư hữu ruộng đất cho nông dân.
Philippines sẽ mua thêm hơn 293.000 tấn gạo từ Việt Nam
Các doanh nghiệp Philippines đã được Cơ quan Lương thực nước này cho phép nhập khẩu 293.100 tấn gạo từ Việt Nam để bảo đảm nhu cầu lương thực cho mùa giáp hạt năm 2017.
Đây là thông tin vừa được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA được TTXVN dẫn lời cho biết, mặc dù lượng nhu cầu này từ Philippines là không nhiều nhưng đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước thúc đẩy tình hình tiêu thụ lúa gạo đang ảm đạm hiện nay. Tuy nhiên, thông tin này mới được phía Philippines công bố, chưa giao chỉ tiêu cụ thể nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2016, Việt Nam cũng đã trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo loại 25% tấm cho Philippines với mức giá khá tốt (424,85 USD/tấn). Việc trúng thầu này đã không tác động đến thị trường lúa gạo trong nước, do lượng gạo trúng thầu quá nhỏ so với nguồn cung dự trữ hiện tại. Theo dự báo của các chuyên gia, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục khó khăn trong 3 tháng cuối năm, do nguồn cung gạo vẫn lấn át triển vọng nhu cầu gạo trên thị trường.
Nguồn Tổng hợp