Phần vào mảng màu tươi sáng của bức tranh xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay phải kể đến sự hồi phục đáng kể của mặt hàng cá ngừ. Sau hơn 3 năm liên tiếp sụt giảm, đến đầu tháng 9/2016, xuất khẩu cá ngừ đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ.
Con số mới nhất được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) công bố cho thấy, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 8 đạt 43,8 triệu USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2015; lũy kế 8 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu cá ngừ đạt 309,8 triệu USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ do sự phục hồi của các thị trường nhập khẩu, quy trình đánh bắt, bảo quản cá ngừ và nỗ lực mở rộng thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã giúp kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng trở lại. Theo Vasep, từ tháng 1 - 5/2016, xuất khẩu cá ngừ liên tục trồi sụt, có lúc giảm tới 20,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi, đà phục hồi đã quay trở lại và giữ mức tăng trưởng ổn định, liên tục so với các tháng cùng kỳ năm 2015.
Cơ cấu mặt hàng có nhiều chuyển dịch với sự tăng trưởng của các mặt hàng có giá trị cao như cá ngừ tươi, cá ngừ đông lạnh đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản quan trọng này. Số liệu của ngành hải quan cho thấy, xuất khẩu cá ngừ tươi/sống/đông lạnh (mã HS 03) chiếm tới 58,3% tổng sản lượng xuất khẩu cá ngừ Việt Nam, trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến chiếm 41,7%. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cá ngừ tươi/sống/đông lạnh tăng 9,5% đạt 180,7 triệu USD. Đáng chú ý, xuất khẩu thăn cá ngừ đông lạnh và cá ngừ chế biến khác tăng lần lượt 14,3% và 11% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cá ngừ tươi sống, đông lạnh và cá ngừ đóng hộp giảm lần lượt 13% và 13,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Cá ngừ Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 87 thị trường với các mặt hàng chính là cá ngừ tươi, đông lạnh, chế biến và đóng hộp. Nhưng có 8 thị trường lớn nhất chiếm 88,2% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này, bao gồm: Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Israel, Nhật Bản, Canada, Mexico Dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm và đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2016 sau hơn 3 năm liên tiếp sụt giảm
Theo dự báo của Vasep, trong thời gian tới, xuất khẩu cá ngừ vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan và sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Bên cạnh việc tăng trưởng tốt tại thị trường Hoa Kỳ do tác động của TPP thì các thị trường lớn như ASEAN, Trung Quốc và Israel vẫn sẽ là “điểm đến” nhiều hứa hẹn của cá ngừ Việt Nam. Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) - nhận định: Tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Israel còn khá lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý tập trung đầu tư công nghệ hấp, sấy khô, đóng hộp, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến (gồm cá ngừ đại dương, cá ngừ vằn và cá ngừ sọc dưa đóng hộp kín khí, mã HS4160414).
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cần tập trung khai thác tại một số thị trường thuộc khối EU có nhu cầu nhập khẩu lớn như Italia, Bỉ, bởi chỉ tính riêng tháng 8/2016, tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang Italia đã vượt 207% và trong 8 tháng, mức tăng là 120%, đạt 16,7 triệu USD; xuất khẩu cá ngừ sang Bỉ cũng đã tăng 16,3% trong 8 tháng qua.
Nguồn:baocongthuong