Nông, lâm thủy sản
Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững
05/10/2016

 Với hàng loạt các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang ký kết sẽ là cơ hội lớn cho hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới. Để nắm bắt cơ hội này, việc kiểm soát chất lượng đang là bài toán cần lời giải.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2014, Việt Nam đạt con số xuất khẩu kỷ lục: 156.396 tấn. Năm 2015, sản lượng xuất khẩu giảm khoảng 15% so với năm trước, đạt 133.570 tấn, nhưng có giá trị 1.276,2 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay. Tốc độ tăng hàng năm của ngành Hồ tiêu đạt 15-20%/năm, vượt xa nhiều nước có truyền thống sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu lâu đời. Hiện nay, Việt Nam đang nắm khoảng 56% lượng cung hồ tiêu toàn cầu.

Với nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu toàn cầu được dự báo ngày một tăng (khoảng 5%/năm), trong khi nguồn cung toàn cầu có hạn, khiến tình hình xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam được dự báo là khá tốt nếu tiêu sản xuất ra bảo đảm chất lượng sạch, an toàn và duy trì ở mức sản lượng khoảng 130.000-150.000 tấn/năm.

Tuy vậy, hiện nay giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 9 tháng chỉ đạt 7.726 USD/tấn, tiêu trắng đạt 11.329 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, giá XK[11]  tiêu đen giảm 1.232 USD, tiêu trắng giảm 1.533 USD/tấn. Theo bà Nguyễn Mai Oanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam - giá giảm là xu hướng chung toàn thế giới do nguồn cung của Việt Nam dồi dào. Bên cạnh đó, một số thị trường tạm nhập tái xuất như Australia, Đức, Singapore những năm trước nhập rất lớn tiêu các loại từ Việt Nam…, nhưng hiện đã giảm, một số thị trường ở châu Âu khá tiềm năng (Đức, Nga, Tây Ban Nha) nhưng lượng nhập không tăng.

Bà Oanh phân tích thêm, với tất cả các thị trường, hàng rào thuế quan đã đem đến cho Việt Nam những lợi thế chưa từng có, tuy vậy, hàng loạt hàng rào kỹ thuật lại đang dựng lên ngày một cao ở tất cả các châu lục. Nhiều doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đã đầu tư công nghệ hiện đại trị giá hàng triệu USD vào khâu xử lý, chế biến để có sản phẩm theo yêu cầu đa dạng và khắt khe của khách hàng, nhất là những thị trường cao cấp. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là nguyên liệu phải tốt. Bởi vậy, nếu thời gian tới, chất lượng nguyên liệu không được cải thiện thì sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đi xuống. Đăc biệt, khi Cục Quản lý thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang chuẩn bị ban hành một số quy định mới về Tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản vào Mỹ, trong đó có hồ tiêu Việt Nam. Lúc đó, với diện tích mở rộng ồ ạt, lại thiếu kiểm soát chất lượng như hiện nay, nguồn cung hồ tiêu của nước ta sẽ dư thừa, gây rủi ro lớn cho hàng ngàn hộ nông dân trồng hồ tiêu.

Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững, bà Oanh cho rằng, thời gian tới, nông dân, Nhà nước và doanh nghiệp - 3 đối tượng chính tham gia chuỗi giá trị sản xuất - thương mại hồ tiêu cần thay đổi cung cách hoạt động, cụ thể: Ngành Nông nghiệp và các địa phương cần gấp rút thay đổi cách quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón, giống, quy trình canh tác... Các DN sản xuất, thương mại cần làm tốt kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi mua/bán, xây dựng vùng nguyên liệu bằng việc liên kết với nông dân, tổ chức sản xuất hồ tiêu theo chuỗi giá trị, làm tốt việc xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, người nông dân có vai trò quyết định trong việc tạo ra sản phẩm hạt tiêu có chất lượng.

Nguồn:baocongthuong

 

Ý kiến bạn đọc