Thị trường cà phê trong nước thời gian vừa qua đã có sự biến động tăng mạnh cùng xu hướng thị trường cà phê thế giới.
Trong khi đó, giao dịch cà phê Việt Nam đã bị đình trệ do thời tiết xấu, mặc dù giá trong nước chạm gần mức quan trọng, được cho là tối ưu để nông dân bán ra. Việc ít mưa trong thời gian gần đây có thể khiến vụ thu hoạch tới sẽ chậm hơn thường lệ. Tín hiệu sản lượng vụ 2016/2017 thấp và chưa chắc chắn về lượng cà phê tươi khiến các nhà xuất khẩu thận trọng trong việc cung cấp cà phê vụ mới.
Theo đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9.2016 được dự đoán đạt 100.000 - 110.000 tấn (tương đương với 1,67 - 1,83 triệu bao), thấp hơn so với 140.000 tấn ước tính của tháng 8.2016. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2015-2016 sẽ đạt ít nhất 1,71 triệu tấn.
Giới thương nhân ước tính, lượng cà phê tồn trữ của Việt Nam hiện nay đạt ít nhất 500.000 tấn (tương đương với 8,33 triệu bao), kể cả 150.000 tấn lưu kho của nông dân và tại các kho của nhà xuất khẩu và hãng thương mại nước ngoài. Theo kết quả khảo sát của Reuters, con số trên tương đương 30% sản lượng niên vụ 2015-2016, khoảng 28 triệu bao.
Thị trường cà phê thế giới thời gian qua cũng biến động tăng mạnh, giá cà phê Robusta giao ngay tháng 9.2016 tăng 61 USD/tấn lên 1.902 USD/tấn. Giá cà phê Arabica giao ngay tháng 9.2016 tăng 3,75 UScent/pound lên 153,85 Uscent/pound.
Theo giới thương nhân, giá cà phê tăng là do thời tiết xấu ở Brazil và Indonesia khiến kiềm hãm sản xuất, cùng với đó là sự suy yếu của đồng USD. Giá Robusta đã tăng 7% từ mức thấp gần 4 tuần hồi giữa tháng 8 và bây giờ đã tăng 23,5% khi thời tiết khô hơn tại các khu vực trồng cà phê Robusta của Brazil làm giảm sản lượng.
Trong khi đó, giá tăng trên thị trường cà phê Arabica gần đây chủ yếu do những lo ngại về tình trạng ra hoa sớm có thể làm giảm sản lượng cà phê Brazil trong năm 2017. Sự sụt giảm trở lại của đồng USD trong rổ tiền tệ cũng góp phần đẩy nhu cầu mua cà phê tăng.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt dự báo
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 8 đạt 2,54 triệu bao (152.678 tấn), tăng 9,2% so với tháng 7.
Con số này cũng cao hơn đáng kể so với dự báo 100.000-120.000 tấn mà thị trường đưa ra cũng như 140.000 tấn ước tính của chính phủ.
Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam từ đầu niên vụ 2015-2016 đến nay đạt 1,61 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 tăng đã phần nào giúp cân bằng thị trường trong bối cảnh nguồn cung từ Brazil giảm.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê Robusta của nước này trong tháng 8 giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 39.327 bao.
Sản lượng cà phê Robusta của Brazil bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán tại bang Espirito Santo - vùng trồng cà phê Robusta chủ chốt của Brazil.
Xuất khẩu cà phê (cả Arabica và Robusta) của Brazil trong tháng 8 đạt 2,4 triệu bao, chỉ giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ xuất khẩu Arabica tăng. Tuy nhiên, so với tháng 7, xuất khẩu cà phê vẫn tăng 46% - mức tăng nhỏ nhất trong vòng một năm qua.
Xuất khẩu cà phê của Brazil trong 8 tháng đầu năm 2016 đạt 18,49 triệu bao, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch Cecafe Nelson Carvalhaes dự báo xuất khẩu cà phê của Brazil sẽ tiếp tục hồi phục.
Nguồn: Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư và Một Thế Giới