Nằm trong “top” đầu xuất khẩu gạo trên thế giới, song giá trị xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đang khá chênh vênh theo đà ngày một sụt giảm. Trong khi đó mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để NK ngô phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo Bộ NN&PTNT, cả năm 2015, khối lượng xuất khẩu gạo đạt gần 6,7 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, tăng 5,8% về khối lượng nhưng giảm 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Bước sang 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK gạo vẫn đi theo đà sụt giảm, với tổng lượng gạo xuất khẩu đạt 3,37 triệu tấn và 1,51 tỷ USD, giảm 16,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Dự kiến, xuất khẩu cả năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 5,65 triệu tấn.
Như vậy, lần đầu tiên trong suốt 8 năm qua xuất khẩu gạo cả năm không đạt mức 6 triệu tấn.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, khó khăn trong xuất khẩu gạo sẽ còn tiếp diễn dài lâu. Đó là bởi cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu gạo đã và đang ngày càng mạnh mẽ hơn khi một số khách hàng chính của Việt Nam cũng đã phát triển sản xuất và tự cung ứng được một phần lương thực. Bên cạnh đó, một số nước trong khu vực có lợi thế cũng đã tham gia thị trường xuất khẩu lúa gạo. Dự kiến, thu nhập từ nghề trồng lúa của nông dân sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Trong khi giá trị đem về từ hạt gạo ngày càng “teo tóp” thì đối với mặt hàng nông sản khác là ngô, mỗi năm Việt Nam lại chi tiền tỷ để nhập khẩu về phục vụ cho mục đích sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bằng chứng là, năm 2015, tổng lượng ngô nhập khẩu lên tới 7,6 triệu tấn với giá trị nhập khẩu đạt 1,6 tỷ USD, tăng 58,5% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với năm 2014. 8 tháng đầu năm nay, dù giá trị nhập khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị nhập khẩu cũng lên tới 822 triệu USD.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Hiện nay, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, dư thừa 7-8 triệu tấn. Đây là khối lượng dư thừa rất là lớn cho nên phải giảm đi. Trong khi đó, mặc dù có khoảng 1,2 triệu ha ngô song mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn ngô để sản xuất các loại thức ăn gia súc. Nguyên nhân là sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Giá thành ngô làm ra cao hơn giá thành nhập khoảng 1.000 đồng/kg.
Dễ thấy, dường như trong cơ cấu cây trồng của Việt Nam, lúa gạo đang dư thừa mà ngô lại còn thiếu vắng. Sự chênh lệch đó đặt ra nhu cầu cấp bách phát triển ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế dần nhập khẩu, tiến tới tự đáp ứng được nhu cầu ngô trong nước.
Bớt lúa trồng ngô
Ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích: Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, diện tích đất trồng lúa trên toàn quốc là 3,8 triệu ha. Diện tích này nhằm mục tiêu luôn đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới.
Hiện nay, xuất khẩu lúa gạo còn nhiều vấn đề, nhất là về chất lượng, giá cả, việc duy trì 3,8 triệu ha trồng lúa là điều không cần thiết. Theo ông Vinh, Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, câu chuyện an ninh lương thực không cần quá lo lắng. Ở nhiều nơi nên để nông dân lựa chọn sản xuất cái gì cho phù hợp, hiệu quả.
Các chuyên gia cho rằng cần chuyển đổi cây trồng từ lúa sang ngô để giảm việc nhập khẩu ngô
Theo ông Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm: Ở Việt Nam, ruộng đất manh mún là nguyên nhân mấu chốt khiến sản xuất lúa gạo kém hiệu quả. Để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực thì diện tích trồng lúa ở Việt Nam duy trì 3-3,2 triệu ha là đủ. Do đó, câu chuyện giảm bớt diện tích trồng lúa để thay bằng cây trồng khác là hợp lý. Tuy nhiên, không cần giảm diện tích ở tất cả các vùng. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là phải xem xét cụ thể đối với từng vùng, chuyển từ cây lúa sang trồng cây gì hoặc làm khác để có lợi hơn thì mới làm chứ không phải đặt ra bài toán chuyển đổi.
Cũng nhìn nhận chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang cây trồng khác nhất là cây ngô khá cần thiết, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phân tích: Ở Việt Nam cây ngô có vị trí quan trọng thứ hai sau cây lúa. Xét về mặt cơ cấu sản xuất nông nghiệp toàn cầu thì ngô là một trong những cây lương thực chính, có tốc độ tăng trưởng cao nhất về năng suất cũng như sản lượng.
Về câu chuyện thừa lúa, thiếu ngô, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam góp ý thêm: Trong khi sản xuất, xuất khẩu gạo kém hiệu quả, là đất nước nông nghiệp song Việt Nam lại phải chi nhiều tiền để nhập khẩu ngô về làm thức ăn chăn nuôi là điều khá bức xúc. “Chúng ta nên thúc đẩy phát triển cây ngô dưới nhiều hình thức, đặc biệt là đối với loại ngô biến đổi gen. Năng suất ngô Việt Nam mới đạt 4,5 tấn/năm. Trong khi các loại ngô biến đổi gen cho hiệu quả, năng suất tốt hơn. Phát triển ngô biến đổi gen cũng là cách các nước như Mỹ, Argentina đã làm. Họ không chỉ sử dụng sản phẩm ngô biến đổi gen mà thậm chí còn xuất khẩu sang Việt Nam”, ông Lịch nhấn mạnh.
Theo Bộ NN & PTNT, sản lượng ngô của Việt Nam trong năm 2015 đạt 5,28 triệu tấn, giảm 34.000 tấn so với dự báo ban đầu do diện tích gieo trồng hạn chế, năng suất thấp do thời tiết bất lợi ở miền Bắc và giá ngô quốc tế thấp.
Diện tích thu hoạch trong năm 2016 ước đạt 1,3 triệu ha. Đây là kết quả của chính sách chuyển đổi sang trồng ngô tại những vùng mà việc trồng lúa cho năng suất thấp. Tuy nhiên, do giá ngô trên thị trường quốc tế thấp nên diện tích thu hoạch ngô trong năm 2017 của Việt Nam sẽ vẫn giữ nguyên ở mức 1,3 triệu ha.
Với việc các giống ngô biến đổi gen dần dần được sử dụng, năng suất ngô trung bình trong năm 2016 và 2017 được dự kiến lần lượt đạt khoảng 4,6 và 4,8 tấn/ha.
Nguồn cafef