Nhiều khả năng, trong năm nay, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả không chỉ chắc chắn vượt qua mốc 2 tỷ USD mà quan trọng hơn sẽ còn tăng trưởng tốt trong những năm tới.
Sẽ vượt qua gạo
Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 8, xuất khẩu rau quả của nước ta đã đạt 1,457 tỷ USD, tăng 34,88% so với cùng kỳ năm ngoái. So với các nông sản chủ lực khác, rau quả đang là nhóm hàng có sự tăng trưởng tốt nhất về giá trị xuất khẩu.
Không những thế, tăng trưởng xuất khẩu của rau quả còn bỏ xa mức tăng trưởng của nhiều nông sản chủ lực khác (7 tháng đầu năm: cà phê tăng 17,7%; hạt điều tăng 10,2%; hạt tiêu tăng 8,9%; thủy sản tăng 4,4%…). Thậm chí nhiều nông sản chủ lực tiếp tục tăng trưởng âm như sắn giảm 28,6%, gạo giảm 14,1%, cao su giảm 3,7%… Điều đó, càng cho thấy sự ấn tượng về tăng trưởng giá trị XK của rau quả trong bối cảnh xuất khẩu nông sản nói chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện CĂQ Miền Nam, có nhiều nguyên nhân tác động tới sự tăng trưởng rất tốt của xuất khẩu rau quả. Trước hết là việc Bộ NN-PTNT đã nỗ lực để mở thêm nhiều thị trường cho nhiều loại trái cây ngon của Việt Nam, như chôm chôm, vú sữa… vào Mỹ; vải và xoài vào Úc; xoài vào Nhật…...
Đây là điều mà cách đây mấy năm ngành rau quả còn chưa dám nghĩ tới. Đội ngũ doanh nghiệp tham gia vào chế biến, xuất khẩu rau quả đã tăng lên nhiều so với mấy năm trước cũng góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả. Nhưng quan trọng hơn là các DN có trang bị hệ thống xử lý hơi nóng, hệ thống xử lý phóng xạ, đáp ứng được yêu cầu kiểm dịch thực vật của những thị trường khó tính. Nhiều doanh nghiệp đã liên kết với các cơ quan khoa học để kéo dài hơn thời gian bảo quản rau quả, để có thể xuất khẩu tới những thị trường xa.
Nhiều nông dân sản xuất rau quả như nông dân trồng nhãn ở Đồng Tháp, trồng chanh dây ở Đăk Nông, nông dân trồng chuối già XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tham gia sản xuất theo các tiêu chuẩn ATTP, góp phần quan trọng vào xuất khẩu rau quả. Nông dân cũng đã phòng trị tốt các sâu, bệnh chính trên nhiều loại rau quả. Cơ quan khoa học đã gắn bó với nông dân trong việc xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau quả an toàn.
Nhờ đó, khi Cục BVTV mời chuyên gia Bộ Nông nghiệp Mỹ đến giám sát, thì nhà vườn Việt Nam đã chứng minh rằng họ đã sản xuất được theo các tiêu chuẩn an toàn, được chứng nhận VietGAP/GlobalGAP, qua đó tăng thêm tính thuyết phục, sự tin tưởng để Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép nhiều loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu vào nước này.
Mặt khác, Việt Nam ở ngay sát thị trường có mức tiêu thụ rau quả lớn và tăng trưởng mạnh về nhu cầu qua từng năm là Trung Quốc, cũng là yếu tố quan trọng để rau quả Việt Nam ngày càng gia tăng mạnh về giá trị xuất khẩu. Với những cơ sở như trên, xuất khẩu rau quả Việt Nam không chỉ thuận lợi trong những tháng đầu năm mà sẽ còn tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng còn lại của năm.
Với những cơ sở như trên, xuất khẩu rau quả Việt Nam không chỉ thuận lợi trong những tháng đầu năm mà sẽ còn tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng còn lại của năm. Theo nhận định của các chuyên gia thương mại, xuất khẩu rau quả trong năm nay không chỉ chắc chắn lần đầu tiên vượt mốc 2 tỷ USD, mà hoàn toàn có thể đạt 2,5 tỷ USD.
Một điều rất đáng chú ý là xuất khẩu rau quả năm nay có thể lần đầu tiên vượt qua gạo về giá trị xuất khẩu. Nhìn lại xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay đã có thể tin vào điều này. Vào thời điểm này của những năm trước, xuất khẩu gạo luôn cao hơn nhiều so với rau quả. Nhưng đến giữa tháng 8 năm nay, xuất khẩu rau quả đã cao hơn gạo tới vài chục triệu USD.
Còn tăng trưởng mạnh
Trong những năm tới, xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trước hết là nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trên thế giới.
Trong bản báo cáo tháng 5/2016 về thị trường rau quả toàn cầu, Zion Research (một Cty chuyên đánh giá, dự báo thị trường nông sản thế giới) cho biết: Thị trường rau quả chế biến toàn cầu năm 2014 đã đạt khoảng 203,3 tỷ USD. Thị trường này đang có mức tăng trưởng 7,9%/năm và sẽ đạt 319,9 tỷ USD vào 2020. Như vậy, có thể thấy giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam dù đang tăng trưởng mạnh nhưng còn khá khiêm tốn, do đó, tiềm năng mở rộng và tăng trưởng còn rất lớn. "Cần bắt đầu xây dựng thương hiệu rau quả Việt Nam. Nên xây dựng thương hiệu quốc gia như xoài Việt Nam, bưởi Việt Nam…
Việc xây dựng thương hiệu mất đến trên 10 năm. Vì vậy, cần bắt đầu sớm với một số loại trái cây có tiềm năng và đã xuất khẩu như thanh long, vải, nhãn, xoài, chuối già…" - GS.TS Nguyễn Minh Châu.
Một yếu tố rất quan trọng là nhiều loại trái cây Việt Nam sẽ tiếp tục mở được cửa vào các thị trường lớn. Như ở thị trường Mỹ, đầu tháng 8 này, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đăng công báo Liên bang đề xuất ý kiến công chúng, đóng góp và bổ sung, sửa đổi các quy định để cho phép xoài tươi Việt Nam được nhập khẩu vào nước này. Đây là một động thái, một bước đệm quan trọng để sản phẩm xoài tươi Việt Nam được thâm nhập vào Mỹ trong thời gian ngắn sắp tới. Do sản lượng xoài tươi nội địa rất thấp, chỉ vài ngàn tấn, nên mỗi năm Mỹ có nhu cầu nhập khẩu tới 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các nước Mexico, Peru, Ecuador, Brazil, Guatemala.
Những giải pháp giữ đà tăng trưởng Tuy nhiên, để xuất khẩu rau quả giữ được sự tăng trưởng tốt và bền vững, ngành rau quả vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo GS.TS Nguyễn Minh Châu, phải làm tốt ATTP, rau quả cần phải được sản xuất theo mô hình những HTX kiểu mới. Sản xuất theo mô hình này thì ATTP sẽ luôn được theo dõi, giám sát bởi những người trong HTX với nhau. Do đó, cần quan tâm xây dựng, mở rộng những mô hình HTX kiểu mới như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Không chỉ liên kết với nhau để sản xuất, các HTX rau quả còn phải liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp để hình thành những chuỗi giá trị tiêu thụ rau quả trong nước và xuất khẩu. Sản xuất rau quả hữu cơ hướng tới xuất khẩu cũng cần phải được chú trọng ngay từ bây giờ để mở thêm thị trường cho rau quả Việt Nam. Sản xuất hữu cơ có thể bắt đầu từ những loại trái cây ít sâu bệnh như chuối già, thanh long, dứa…
Đồng thời, chú trọng hỗ trợ kỹ thuật để phát triển những loại cây mà nông dân Việt Nam còn lạc hậu về kỹ thuật nhưng lại có tiềm năng lớn về thị trường như chanh dây, bơ…
Riêng với thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc, để tiếp tục giữ vững và tăng trưởng tốt về xuất khẩu rau quả vào nước này, GS.TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, cần có những tính toán lại về cơ cấu của một số loại cây ăn trái. Trong đó, quan trọng nhất là cây thanh long. Hiện nay, thanh long vẫn đang là loại trái cây xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, và cũng là trái cây chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc. Nhưng nước này đã bắt tay trồng thanh long trên diện tích lớn. Do đó, để tiếp tục cạnh tranh được ở Trung Quốc, cần phải gia tăng diện tích thanh long ruột đỏ và sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Các loại cây ăn trái như cam, quýt, bưởi đã được sản xuất trái vụ với những loại cây tương tự bên Trung Quốc, nhằm bán vào thị trường này. Nhưng cần phải tổ chức những mô hình sản xuất bền vững để giữ được thị trường.
Còn theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cần phải đầu tư sâu vào chế biến rau quả để đa dạng sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam còn khá đơn điệu. Trong khi đó, ở nhiều nước xuất khẩu rau quả, với mỗi loại trái cây, họ đã chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường nội địa và xuất khẩu, như Chile có tới 5 - 6 sản phẩm từ trái xoài và rất nhiều sản phẩm từ trái thanh long.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp