Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo có vẻ phú quý giật lùi. So sánh với cùng kỳ năm 2015, quý I/2016 tăng 30,1%, 6 tháng xoay sang hụt 6,8%. Theo đà ấy sụt thêm, 7 tháng giảm 16,2%, đến 8 tháng giảm 17,4%. 8 tháng 2016 mới xuất bán được 3,3 triệu tấn, bằng 48% kế hoạch năm 2015.
Trước tình hình này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hạ dự báo mức xuất khẩu gạo năm 2016 từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,7 triệu tấn - mức thấp nhất trong 8 năm năm gần đây. Vậy mà vẫn chưa dừng lại, nghe nói sẽ hạ tiếp. Dự báo đó có nguyên do.
Bên ngoài là sự giảm nhu cầu cùng với việc thay đổi chính sách kiềm chế nhập khẩu ở các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam và không loại trừ áp lực từ việc Thái Lan xả kho gạo tồn kho. Châu Á là thị trường chính xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm, riêng thị phần của khách hàng Trung Quốc tới 35%, mấy tháng qua giảm lưu lượng vào Trung Quốc, Philippin, Indonexia giảm. Thị trường Malyaxia có tăng nhưng không bù lại sự thiếu hụt từ các khách hàng bự nói trên. Tình hình tương tự lặp lại ở Châu Phi, dù có hai khách hàng mua tăng cao là Ghana (tăng 41%), Bờ biển ngà (tăng31%), song cũng không bù được sa sút từ các thị trường khác thuộc Châu lục này, kết cục là Khu vực được kỳ vọng là khách hàng tiềm năng, song nhãn tiền thì đang hụt. Cho đến nay các đơn hàng lớn đã tất toán, đơn hàng mới chờ mở thầu, nghĩa là nhu cầu chưa lộ diện hết.
Còn bên trong thì hiện tượng thời tiết cực đoan hạn, mặn trên diện rộng đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất lúa gạo, nhất là vựa lúa đồng bằng Châu thổ Cửu long giang. Cơn bão số 1, miền Bắc bị ảnh hưởng mấy trăm ngàn ha lúa, một số phải gieo sạ lại. Cơn bão số 3 bồi thêm, nhiều trà lúa đang hơ hớ ràn rạt đổ gục …, báo hiệu sản lượng thóc năm nay sẽ khó khăn, nhu cầu gạo trong nước sẽ tăng
Cũng phải kể đến tác động của “hiện tượng Campuchia”. Quốc gia này mới tham gia thương trường gạo quốc tế vài năm, chậm hơn ta khoảng hai thập kỷ, song hiệu quả không hề chậm. Trong khi gạo ta vẫn quê mùa, phải qua mối lái, thị trường trung gian thì gạo Campuchia đã 3 năm liên tiếp giành được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới và có tới 8 thương hiệu được trưng bày tại Hội chợ thương mại lương thực tổ chức ở Băng Kok (Thái Lan), trở thành “võ sĩ mới toanh” dám so găng với võ sĩ gạo cội láng giềng trên võ đài Gạo quốc tế. Và không phải đâu xa, gạo Campuchia đang tấn công gạo Việt ngay trên “thánh địa gạo” - Đồng Bằng sông Cửu Long, đấy là chưa kể ăn gạo Thái đã thành quen đối với giới thương lưu.
Các nhóm giải pháp của bài toán mới
Thực sự không vui khi phải đón nhận những tin trên rồi phải hạ dự báo chỉ tiêu xuất khẩu mặt hàng chủ lực này khi trên vĩ mô giữ nguyên mục tiêu năm 2016 về kinh tế - xã hội nói chung và thương mại nói riêng. Trong khi đó, diện tích trồng lúa giữ nguyên như hiện nay đã là may, vì bao dự án đang âm thầm gậm nhấm đất lúa, năng suất thì đã tới đỉnh. Vậy, lời giải cho bài toán xuất khẩu gạo năm 2016 phải lấy “chất” để bù “lượng”. Đó không chỉ là định hướng cho năm nay mà về Chiến lược phải vậy. Ngược lại, thì không chỉ báo hại năm nay mà sẽ hệ luỵ dài dài. Những lời giải đó là:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa gạo theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững. Ưu tiên phát triển giống gạo chất lượng cao, hợp thị hiếu. Đổi mới quy trình bảo quản sau thu hoạch; nâng cao công suất, kỹ thuật chế biến để gạo thành phẩm tỷ lệ gãy vỡ thấp, độ bóng cao; có nhiều thành phẩm chế tác từ gạo đưa thẳng vào hệ thống siêu thị. Với tỷ trọng áp đảo gạo chất lương cao, đảm bảo về vệ sinh an toàn sẽ là lời giải thuyết phục với bài toán giảm số lượng nhưng không giảm kim ngạch cho hiện nay và mai sau.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng thượng hiệu gạo Việt Nam theo Đề án “Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/5/2015. Đây là đề án mang tầm quốc gia đầu tiên của Việt Nam đối với xây dựng thương hiệu nông sản, là tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực khác. Mục tiêu của Đề án là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thứ ba, làm tốt công tác thị trường theo phương châm đa dạng hoá, tận dụng tối da các ưu đãi theo những hiệp định FTA vừa ký có liên quan tới mặt hàng này. Tiếp tục củng cố các khách hàng quen, yêu cầu chất lượng trung bình; mở rộng các thị trường yêu cầu gạo cao cấp, khắt khe về an toàn vệ sinh. Tại mỗi thị trường cố gắng tiếp cận các kênh phân phối, bỏ qua mối lái trung gian.
Thứ tư, Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, bằng các phương tiện, trong mọi cơ hội, với sự phối hợp của các lực lượng trong và ngoài nước để nhiều bạn bè quốc tế biết tới vị hương thơm thảo của “Hạt gạo làng ta” trong bữa ăn và miếng bánh làm từ hạt ngọc trời - gạo Việt Nam.
Bốn nhóm giải pháp trên cần được triển khai đồng bộ, mỗi giải pháp vừa là tiền đề vừa là hệ quả lẫn nhau.
Nguồn: Báo Lao Động