Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu thủy sản 8 tháng tăng 5%
08/09/2016

Theo Thống kê của Hải quan, tính đến giữa tháng 8/2016, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ước tính tổng xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 4,36 tỷ USD, tăng 4%. Còn tính đến hết tháng 7/2016, tổng giá trị xuất khẩu đạt 3,76 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hầu hết sản phẩm chủ lực đều tăng trưởng nhẹ: xuất khẩu tôm tăng 4,6%; cá tra tăng 4,1%; cá ngừ tăng 0,9%; cá các loại khác tăng 7,2%, nhuyễn thể giảm 5,3% và cua ghẹ, giáp xác khác giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tôm tăng nhờ nhu cầu và giá

Giá trị xuất khẩu tôm tăng dần và đạt mức cao nhất trong tháng 7 với 274 triệu USD, tăng 4% so với tháng 7 năm trước. Như vậy tính đến hết tháng 7, tổng xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015. Sở dĩ xuất khẩu tôm trong hơn nửa đầu năm vẫn đi lên là nhờ nhu cầu tăng khá và giá tôm trên thị trường thế giới tăng do nguồn cung giảm.

Trong cơ cấu xuất khẩu tôm 7 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 7,3%, chiếm 59,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm; tôm sú tăng không đáng kể 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, nửa đầu năm nay, diễn biến thời tiết phức tạp không thuận lợi cho sản xuất tôm nước lợ do nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm ngập mặn ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm với nhiều loại bệnh như: hoại tử gan tụy, phân trăng… Do đó, sản lượng nuôi tôm lước lợi của ĐBSCL giảm, nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu bị ảnh hưởng, giá tôm nguyên liệu cao.

Tại thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm đến 22,4% tổng giá trị xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng khá tốt: 16,3% so với cùng kỳ 7 tháng đầu năm 2015. Giá nhập khẩu tôm của Mỹ tăng do một số nguồn cung cho thị trường Mỹ như: Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan gặp khó khăn. Nhu cầu nhập khẩu tôm sú của Mỹ tăng trong khi sản lượng tôm sú tại Ấn Độ, Indonesia giảm.

Ấn Độ là nguồn cung lớn nhất tôm cho Mỹ đang gặp khó khăn do sản lượng tôm nuôi sụt xuống còn khoảng 400.000 tấn do dịch bệnh hơn thế, Mỹ tăng thuế CBPG đối với tôm Ấn Độ làm tăng giá tôm của Ấn Độ và giảm sức cạnh tranh tại Mỹ. Trong khi đó, một số nguồn cung khác như: sản lượng tôm nuôi Ecuador không đạt được mức tăng trưởng do ảnh hưởng của động đất. Theo dự báo của chuyên gia, có thể năm nay, sản lượng tôm Indonesia đạt 350.000 - 400.000 tấn do dịch bệnh.

Sản lượng tồn kho tại EU đã bắt đầu giảm tạo cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường này. Tính đến hết tháng 7, giá trị xuất khẩu tôm sang EU đạt 315,9 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, XK tôm sang thị trường Trung Quốc cũng đạt 249,2 triệu USD tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.

Với mức tăng trưởng hiện nay, ước kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam 8 tháng đầu năm đạt 1,90 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra tăng trưởng tại Mỹ và Trung Quốc

Tính đến hết tháng 7/2016, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước đạt 927,8 triệu USD, tăng nhẹ 4,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, hai thị trường nổi bất nhất trong nửa đầu năm nay là Mỹ và Trung Quốc.

7 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 213,7 triệu USD, chiếm 23% tổng xuất khẩu cá tra, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, nửa đầu năm 2016, khối lượng nhập khẩu cá tra tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị nhập khẩu lại giảm. Điều này dẫn tới giá cá tra nhập khẩu trung bình cũng giảm chỉ còn từ 2,5-2,7 USD/kg (so với mức từ 2,8-3,2 USD/kg) của cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, giá cá tra phile đông lạnh nhập khẩu vẫn đang ở mức thấp hơn so với một số sản phẩm cá thịt trắng khác như: cá rô phi phile đông lạnh từ 4,3-4,6 USD/kg; cá Haddock đông lạnh từ 6,3-6,6 USD/kg, cá rô phi tươi, ướp lạnh từ 7,1-7,8 USD/kg.

Ước xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu năm đạt 1,09 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng trưởng chậm tại các thị trường xuất khẩu lớn và nhu cầu tiêu thụ đang dừng lại ở mức độ vừa phải, tới cuối năm nay, dự báo giá trị xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu cá ngừ chưa hồi phục

7 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 266 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. xuất khẩu cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu mặt hàng này giảm 9,6%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến mã HS16 tăng gần 12%. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ tươi sống, đông lạnh (trừ thăn cá ngừ đông lạnh mã HS0304) và cá ngừ đóng hộp trong 7 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ. Nhìn chung tính đến hết tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính đã khả quan hơn. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng 0,5%; sang ASEAN tăng 24,9%, sang Trung Quốc tăng 81,9%, Israel tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi giá trị xuất khẩu 3 sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ tăng trưởng chậm, xuất khẩu cá biển khác tăng 7,2%, giá trị xuất khẩu hai nhóm sản phẩm thủy sản khác lại giảm: nhuyễn thể (mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ) giảm 5,3% và cua ghẹ, giáp xác khác giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2015 khiến tổng xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm nay tăng không nhiều.

Ươc giá trị xuất khẩu cá ngừ 8 tháng đầu năm đạt khoảng 306 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Khó khăn về thị trường tiêu thụ, sản xuất trong nước dự báo tiếp tục kéo dài đến hết năm nên giá trị xuất khẩu năm 2016 không vượt quá 10% so với năm 2015.

Nguồn: Vasep

Ý kiến bạn đọc