Nông sản là một trong những nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, tại một số thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… nông sản Việt vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, làm thế nào để nông sản Việt có cơ hội “xuất ngoại” nhiều hơn nữa vẫn là câu chuyện “nóng” trên nhiều diễn đàn.
Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Nước của chính phủ Australia vừa hoàn thành báo cáo dự thảo đánh giá cho quả thanh long tươi Việt Nam trong kế hoạch xuất khẩu vào thị trường Australia. Đây thực sự là tin vui cho nông sản Việt.
Bản báo cáo đề xuất cấp giấy phép nhập khẩu quả thanh long tươi từ tất cả các vùng trồng loại cây này cho mục đích thương mại của Việt Nam. vào thị trường Australia, với điều kiện phải đáp ứng được các điều kiện về an toàn sinh học. Bản báo cáo này được xây dựng dựa trên tổng hợp của đánh giá các kiến thức khoa học hiện nay về dịch hại và bệnh trên quả, qua thảo luận kỹ thuật với Cục Bảo vệ Thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Việt Nam), và dựa trên kết quả của một đợt khảo sát đánh giá trực tiếp các vùng trồng thanh long tại Việt Nam do các chuyên gia của chính phủ Australia thực hiện trong tháng 6 vừa qua.
Thanh long tươi là một trong những mặt hàng nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu để tiếp cận thị trường Australia. Trước đây phía Australia đã thực hiện xong phần đánh giá sơ bộ, bao gồm đánh giá dịch hại và bệnh trên quả, thông qua một quá trình hợp tác trao đổi giữa hai chính phủ Australia và Việt Nam. Australia cũng đang đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho các loại quả tươi khác của Việt Nam vào thị trường Australia. Năm ngoái, đã có 28 tấn vải tươi đầu tiên đã được xuất khẩu sang Australia. Australia cũng đã hoàn tất đánh giá rủi ro cho quả xoài Việt Nam vào tháng 11/2015 và công việc còn lại hiện nay là hoàn thiện các thỏa thuận sắp xếp thương mại cho mặt hàng này.
“Đừng tham bát bỏ mâm”
Năm 2016, khi nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ tạo nhiều thuận lợi cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường nước ngoài. Tuy nhiên song hành với thuận lợi sẽ là những khó khăn thách thức.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho rằng, để mục tiêu xuất khẩu đạt được như kỳ vọng, thì bản thân người nông dân và doanh nghiệp cần nỗ lực và có chiến lược sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính nhất. “Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như TPP đã mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Về mặt cơ hội, Việt Nam sẽ có một thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn. Tuy nhiên để nắm bắt được cơ hội đó, Việt Nam phải nâng cấp chất lượng và quy mô sản xuất lên đạt các chuẩn mực mà thị trường đòi hỏi. Các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức, quy mô sản xuất, quan trọng nhất là điều chỉnh lại, đạt được các chuẩn mực về vệ sinh an toàn thực phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường nội địa cũng như tăng khả năng xuất khẩu”, ông Hòa cho biết.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, mỗi nước ASEAN đều có một lợi thế so sánh riêng. Để tạo được vị thế trên thương trường, các doanh nghiệp phải đi lên bằng nội lực, khẳng định được chất lượng và thương hiệu của chính mình.
Để nông sản của Việt Nam xuất khẩu được nhiều, ông Lương Thanh Nghị- Đại sứ Việt Nam tại Australia cho rằng: “Phải thay đổi căn bản cách hành xử theo kiểu “tham bát bỏ mâm”; cần có tầm nhìn dài hạn, đầu tư lâu dài, tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật mà các nhà khoa học và cơ quan chức năng hướng dẫn. Như thế sẽ tạo ra thương hiệu cho hàng hóa, tạo ra sức cạnh tranh”.
Theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng thời cơ từ quá trình hội nhập mang lại, công tác thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông – lâm – thủy sản cần được đặt lên hàng đầu; Tăng cường phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, trong đó có hệ thống Thương vụ tại nước ngoài; Xây dựng mạng lưới thông tin thông suốt, thúc đẩy quan hệ, kết nối xuất – nhập khẩu nông – lâm – thủy sản, kết nối giữa các thị trường với Việt Nam; nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu để đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2016 đạt từ 39- 40 tỷ USD, định hướng trước mắt và lâu dài vẫn là đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất và thương mại, đặc biệt là theo hướng bền vững, lâu dài. Việc thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các mặt hàng là yêu cầu tất yếu. Điều này được khẳng định trong Chiến lược xuất khẩu đến 2020, tầm nhìn 2025.
Nguồn: Báo Công Luận