Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu gạo: Bài học quá đắt khi để mất cạnh tranh
16/09/2016

Năm 2016 được đánh giá là một năm vô cùng khó khăn với xuất khẩu gạo khi mặt hàng này không giữ được đà tăng trưởng như kỳ vọng. Từ tháng 5, xuất khẩu gạo bắt đầu đà giảm cả về khối lượng và giá trị, đến nay đã xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Nhưng nguy cơ xuất khẩu gạo sẽ còn bết bát hơn trong thời gian tới khi chúng ta vẫn mải mê chạy theo số lượng, không có tính toán duy trì thị trường, chất lượng gạo không ổn định... Đây sẽ là một bài học đắt giá cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đối diện nhiều rào cản

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu 8 tháng qua ước đạt 3,37 triệu tấn với kim ngạch 1,51 tỷ USD, giảm 16,6% về lượng và 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự kiến năm 2016, xuất khẩu gạo cả nước đạt khoảng 5,7 triệu tấn… Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho biết, xuất khẩu gạo đang giảm mạnh tại hầu hết các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Đây là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36% thị phần. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường này liên tục giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị. Nguyên nhân do Trung Quốc vừa có Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, yêu cầu này đến nay vẫn chưa thực hiện được do chưa có một công ty khử trùng, giám định nào của Việt Nam được Trung Quốc công nhận để khử trùng gạo trước khi xuất. Ngoài ra, việc xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch giảm do Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới đất liền phía Bắc, khiến gạo xuất theo đường tiểu ngạch không thuận lợi.

Ngoài thị trường Trung Quốc, thì đáng tiếc là hầu hết các thị trường lớn nhập gạo của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Singapore và Mỹ đều giảm mạnh. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng: xuất khẩu gạo đang phải đối diện với nhiều hàng rào kỹ thuật, nhất là gạo chất lượng cao. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 70.000 tấn, thì năm 2015 con số này giảm còn 44.000 tấn và tiếp tục giảm trong năm nay. Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), các thị trường lớn nhập khẩu gạo của Việt Nam, đều giảm so với những năm trước đây. Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc Bùi Thị Thanh Tâm đánh giá, XK gạo giảm tại các thị trường truyền thống do giá cao, chất lượng, thương hiệu gạo của Việt Nam cũng không được duy trì phát triển, không đủ sức cạnh tranh. Ví dụ như tại thị trường Châu Phi, gạo Việt Nam không cạnh tranh được với Thái Lan, nơi có nguồn cung gạo từ phẩm cấp thấp tới cấp cao, chi phí vận chuyển lại rẻ hơn... 

Định vị lại xuất khẩu

Theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối Võ Thành Đô, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp. Gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo chưa đồng đều và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu yếu. Tại Diễn đàn “Thương hiệu Việt Nam lần thứ 9” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Sammir Dixit, Giám đốc vùng Châu Á - Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance cho rằng: “Việt Nam vẫn tự hào là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2, thứ 3 trên thế giới, nhưng gạo của Việt Nam không được đánh giá cao cả về giá trị dinh dưỡng lẫn kinh tế”… 

Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang Việt Nam Lê Thanh Khiêm cho rằng: Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lâu nay vẫn chạy theo số lượng, việc phát triển gạo chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới chưa được chú trọng. “Hiện Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Thực tế mặc dù Việt Nam đã trở thành một trong 3 quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu gạo, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu gạo quốc gia nào. Trong khi đó, hai quốc gia "đối thủ" là Thái Lan và Ấn Độ đã có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia của mình. Vì thế đã đến lúc xuất khẩu gạo Việt Nam nên tập trung đến chất lượng và tìm các cơ hội mở rộng thị trường”. 

Bàn về việc khai thác các thị trường xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho rằng: Việt Nam không nên tập trung cho số lượng nữa mà chuyển dần sang chất lượng để có thể tiến tới các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, vì những thị trường này đòi hỏi gạo phải có chất lượng cao. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA phân tích thêm, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ năm 2018, sẽ cho phép Việt Nam xuất khẩu 100.000 tấn gạo hằng năm sang EU hưởng thuế 0%, gấp 4 lần so với hạn ngạch hiện tại. “Nếu gạo Việt Nam không bảo đảm được tiêu chuẩn mà phía EU đưa ra thì cũng khó có thể xuất khẩu gạo sang thị trường này” - ông Huỳnh Thế Năng nói.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, trong tháng 11 tới, Bộ NN&PTNT sẽ cùng bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng xong thương hiệu gạo Việt Nam, làm tiền đề cho xuất khẩu gạo những năm sau. Thực tế, nếu ngành lúa gạo vẫn tiếp tục tập trung vào thị trường dễ tính như những năm qua thì sẽ khiến mặt hàng lúa gạo Việt Nam tự suy giảm các tiêu chuẩn về chất lượng trong sản xuất và xuất khẩu. Việc định vị lại ngành lúa gạo có thể khiến sản lượng gạo sụt giảm lớn, nhưng sẽ mang lại giá trị gia tăng và thương hiệu cho xuất khẩu gạo trong thời gian tới...

Nguồn: Báo Hànộimới

Ý kiến bạn đọc