Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc vẫn tăng mạnh
07/10/2016

Mặc dù có những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc – nhà tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, song từ đầu năm đến nay tiêu thụ cao su của nước này vẫn tăng trưởng đều đặn.

Thị trường cao su Ấn Độ

Với tình hình giá cao su thấp hiện nay, Tổng cục Cao su Ấn Độ (Indian Rubber Board: IRB) đã khuyến khích người trồng áp dụng chế độ cạo mủ hàng tuần, qua đó chi phí sản xuất có thể được giảm đáng kể.

Cạo mủ 1 tuần 1 lần cũng là giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lao động. Người lao động có thể cạo hai hàng ở chế độ cạo cách ngày, thì họ có thể cạo 7 hàng trong chế độ cạo hàng tuần.

Khi áp dụng chế độ cạo một tuần một lần, cần sử dụng chất kích thích để tăng năng suất. Ethephon (là hóa chất điều hòa sinh trưởng thực vật), giúp cây trồng sinh trưởng tương đối an toàn, được sử dụng như là chất kích thích tăng năng suất; với nồng độ 2,5% pha loãng. Việc sử dụng chế độ cạo với nhịp độ thấp kết hợp với dùng chất kích thích sẽ cho năng suất bằng hoặc cao hơn một chút so với cạo cách ngày.

Trước đó, IRB khuyến cáo chế độ cạo 3 ngày một lần cho giống cao su vô tính có năng suất cao phổ biến. Nếu áp dụng nhịp độ cạo cao hơn với những loại giống này, có khả năng cây gặp tình trạng khô mủ. Thậm chí sau đó, đa số người trồng cao su đang hướng tới việc cạo cách ngày, bỏ qua các khuyến cáo của Tổng cục Cao su Ấn Độ.

Giá cao su tại Ấn Độ hiện nay chịu ảnh hưởng lớn bởi nhiều yếu tố khác nhau trên thị trường quốc tế, nằm ngoài tầm kiểm soát của người nông dân. Nhưng người nông dân có thể áp dụng những phương pháp khoa học để giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất.

Theo Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp của nước này trong tháng 8/2016 đạt 470.000 tấn, tăng 9,3% so với tháng trước. Như vậy, tổng khối lượng cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp nhập khẩu của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2016 lên 3,58 triệu tấn, tăng mạnh 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

2. Thị trường cao su Ma-lai-xia:

Giá cao su thiên nhiên giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người trồng cao su tại Ma-lai-xia – nước sản xuất cao su đứng thứ 6 và xuất khẩu thứ 4 trên thế giới. Nhiều vườn cây cao su đã bị bỏ hoang tại bang Kedah, phía Bắc Ma-lai-xia do giá bán cao su quá thấp, vào khoảng 2 Ringgit (0,49 USD)/kg giá bán mủ chén. Chính phủ Ma-lai-xia được yêu cầu thiết lập giá cao su thiên nhiên ở mức 3 Ringgit (0,73 USD)/kg và không để giá quá biến động.

Tổng cục Cao su Ma-lai-xia (MRB) nhấn mạnh rằng nhiều chương trình đã được thực hiện để hỗ trợ người trồng cao su nhưng việc kiểm soát giá cao su thiên nhiên lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Tổng cục trưởng MRB giải thích rằng thị trường cao su thế giới đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như cung cầu, lượng tồn kho, giá dầu.

Thái Lan, In-đô-nê-xia và Ma-lai-xia nằm trong số những nước đã lập kế hoạch cắt giảm sản lượng cao su thiên nhiên (từ tháng 3 – 8/2016), đồng thời tăng lượng tiêu thụ cao su nội địa. Tuy nhiên, MRB cho rằng giá cao su chưa thế tăng trở lại nếu tăng trưởng kinh tế thế giới không có sự phục hồi đáng kể. MRB khuyến cáo những người trồng có quy mô nhỏ cần đa dạng hóa nguồn thu nhập và hướng đến chế biến các sản phẩm cao su như bao cao su, găng tay để nâng cao giá trị gia tăng.

2. Thị trường cao su Tocom, Nhật Bản:

Thị trường cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) diễn biến tăng trong 20 ngày đầu tháng 9/2016 nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ sự tăng giá cao su kỳ hạn Thượng Hải, đồng Yên suy yếu và giá dầu tăng. Trong đó, hợp đồng benchmark giao tháng 2/2017 tăng trong ba phiên liên tiếp, đạt mức cao nhất trong 3 tuần vào cuối phiên giao dịch 5/9, ở mức 158,5 yên/kg. Mức giá này cao hơn 4 yên so với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần trước (29/8). Đồng đô la Mỹ tăng trở lại lên mức 103,74 yên trong phiên giao dịch 5/9, sau khi giảm xuống mức 102,8 yên, được củng cố bởi số liệu bảng lương của Mỹ. Đồng yên suy yếu khiến tài sản mua bằng tiền Nhật Bản đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Kết thúc phiên giao dịch 12/9, thị trường cao su Tocom sụt giảm do giá dầu giảm khi số liệu của Mỹ cho biết dự trữ dầu thô tăng mạnh, bù đắp sự suy giảm bất ngờ do ảnh hưởng của bão nhiệt đới. Hợp đồng benchmark giao tháng 2/2017 cuối phiên 12/9 chỉ đạt 153 yên/kg, giảm 5,8 yên (tương đương 3,7%) so với phiên trước. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 2 tháng do chứng khoán Nhật Bản suy giảm.

Tuy nhiên, giá cao su đã hồi phục trở lại ngay sau đó, với hợp đồng benchmark tháng 2/2017 đạt mức cao trong 4 tháng vào cuối phiên 21/9, ở mức 168,4 yên/kg, nhờ hậu thuẫn từ sự tăng giá trên thị trường cao su Thượng Hải. Giá cao su giao kỳ hạn tháng 1/2017 tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 115 NDT, lên 13.250 NDT/tấn trong phiên giao dịch qua đêm.

Sở Giao dịch TOCOM tăng giờ giao dịch từ ngày 20/9 và bắt đầu sử dụng hệ thống giao dịch mới.

II. Việt Nam:

1. Tình hình trong nước:

Giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh diễn biến tăng tích cực trong tháng 9/2016, với mức tăng từ 1.400 – 1.500 đ/kg. Cụ thể: cao su SVR3L tăng từ 28.200 đ/kg (1/9) lên 29.700 đ/kg (21/9); cao su SVR10 tăng từ 26.500 đ/kg lên 27.900 đ/kg. Trái lại, giá mủ cao su dạng nước tại Bình Phước tháng này giảm 500 đ/kg, từ 7.520 đ/kg xuống chỉ còn 7.040 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ.

Tính trong 9 tháng năm nay, giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh vẫn tăng, song mức giá hiện nay thấp hơn so với 3 tháng trước. Cao su SVR3L tăng từ 23.900 đ/kg lên 29.700 đ/kg (mức cao hồi tháng 6 là 31.600 đ/kg); cao su SVR10 tăng từ 23.500 đ/kg lên 27.900 đ/kg.

Sau hơn một năm thực hiện xuất khẩu cao su thiên nhiên sang thị trường Trung Quốc hoàn toàn theo phương thức mậu dịch chính ngạch, hoạt động giao dịch đã ổn định. Sản lượng các mặt hàng xuất khẩu cũng như giá cả không còn hiện tượng biến động đột ngột gây ra những rủi ro, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của các công ty xuất khẩu. Khó khăn hiện nay còn tồn tại ở cao su tiểu điền, sản xuất với quy mô nhỏ, nằm rải rác ở phía Nam là việc thu gom hàng hóa và sơ chế sản phẩm đạt yêu cầu xuất khẩu mậu dịch chính ngạch.

Trong tháng 9/2016, sản lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu đạt từ 10.000 – 10.980 tấn, trong đó cao su tiểu điền đóng góp khoảng 3.000 tấn. Giá trung bình đối với sản phẩm SVR3L giảm nhẹ, từ 10.600 NDT/tấn xuống còn 10.300 NDT/tấn.

Cao su thiên nhiên Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cảng Thanh Đảo đang thu hút đáng kể các đối tác nhập khẩu của nước này. Hiện có khoảng 20 công ty, đơn vị và thương gia lớn trước đây có quan hệ giao dịch với bạn hàng Việt Nam ở cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng để nhập khẩu cao su, nay đều quay về cảng Thanh Đảo để giao dịch. Sản phẩm cao su sơ chế SVR 3L đóng bánh 93,3kg được các nhà nhập khẩu Trung Quốc đánh giá cao.

2. Tình hình xuất nhập khẩu:

Mặc dù có những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc – nhà tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, song từ đầu năm đến nay tiêu thụ cao su của nước này vẫn tăng trưởng đều đặn. Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm nay. Trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất ô tô Trung Quốc thường tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm, với nhu cầu cao su luôn ở mức cao, dự báo xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường sẽ tiếp tục khả quan trong các tháng tới.

Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ cũng có triển vọng tăng do nhu cầu cao của thị trường này. Mặt khác, các nhà nhập khẩu cao su Ấn Độ cũng đang chuyển hướng sang nguồn cao su nhập khẩu khi giá cao su trong nước cao hơn quốc tế và nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu cao su Việt Nam sang thị trường Ma-lai-xia nhiều khả năng vẫn ảm đạm do nhu cầu thấp và tồn kho cao.

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 9/2016 đạt 135 nghìn tấn với giá trị đạt 172 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 9 tháng đầu năm 2016 đạt 854 nghìn tấn và 1,1 tỷ USD, tăng 14,6% về khối lượng và tăng 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cao su xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2016 đạt 1.255 USD/tấn, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016, chiếm 64,6% thị phần. Tám tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu cao su sang hai thị trường này tăng lần lượt là 13,3% và 11,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 9/2016 đạt 38 nghìn tấn với giá trị đạt 59 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này 9 tháng đầu năm 2016 đạt 303 nghìn tấn với giá trị đạt 465 triệu USD, tăng 6,6% về khối lượng nhưng lại giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 8 tháng đầu năm 2016 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Đài Loan, chiếm 57% thị phần. Trong 8 tháng đầu năm 2016, hầu hết các thị trường nhập khẩu cao su đều tăng về khối lượng ngoại trừ 2 thị trường là Campuchia và Nga, trong đó thị trường Campuchia giảm 5,6% và thị trường Nga giảm 8,5%.

Còn về giá trị, có 4 thị trường có giá trị nhập khẩu cao su tăng trong 8 tháng đầu năm 2016 là Trung Quốc, Ma-lai-xia, In-đô-nê-xia và Thái Lan với giá trị tăng lần lượt là 24,7%, 7,8%, 6,1% và 2,9%. Các thị trường còn lại có giá trị nhập khẩu cao su trong 8 tháng đầu năm 2016 giảm, trong đó giá trị nhập khẩu cao su của Nga là giảm mạnh nhất, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Nguồn: Người Đồng Hành

Ý kiến bạn đọc