Nông, lâm thủy sản
Trung Quốc vẫn đứng số 1 về nhập gạo Việt
28/10/2016

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 10, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 368.000 tấn gạo, trị giá 164 triệu USD.

Luỹ kế, khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng ước đạt 4,2 triệu tấn với 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đạt 449 USD/tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu khẩu gạo của Việt Nam, với 35,4% thị phần. Trong 9 tháng, xuất khẩu gạo Việt sang thị trường Trung Quốc đạt 1,35 triệu tấn với 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị.

Nhiều thị trường cũng giảm mạnh nhập gạo Việt như Philippines, Malaysia, Singapore, Mỹ, Bờ Biển Ngà… Tuy nhiên, Gana - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai - đã có sự tăng trưởng mạnh (36%) với 11% thị phần.

Đáng chú ý là Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam, với 8,2% thị phần. Xuất khẩu gạo Việt trong 9 tháng sang Indonesia đạt 359.400 tấn với 142,5 triệu USD, tăng gấp 21,5 lần về khối lượng và gấp 22,5 lần về giá trị so với cùng kỳ.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, các doanh nghiệp Philippines đã được cơ quan lương thực nước này cho phép nhập khẩu 293.100 tấn gạo từ Việt Nam để đảm bảo nhu cầu lương thực cho mùa giáp hạt năm 2017.

Trước đó, giữa năm 2016, Ủy ban Chính sách lúa gạo Quốc gia Thái Lan đã tuyên bố bán ra 11,4 triệu tấn gạo tồn kho. Đây là đợt xả gạo tồn kho lớn nhất của Thái Lan và được cho là sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn lên thị trường gạo Việt.

Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới sau Ấn Độ với khoảng 10 triệu tấn một năm. Thị trường xuất khẩu trọng yếu của Thái Lan là Trung Quốc, Indonesia, Philippines - cũng là những nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam.

 

Bài học từ Campuchia về xuất khẩu gạo

Mặc dù mới bước chân vào thị trường cung ứng gạo khoảng 5 năm, nhưng nhanh chóng các thương hiệu gạo của Campuchia đã được thị trường thế giới biết đến.

Để có khả năng thăng hạng và định hướng xuất khẩu lâu dài, các cơ quan quản lý của Việt Nam ra sức nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm con đường đi riêng, mang dấu ấn Việt Nam cho hạt gạo của mình. Việc xây dựng thương hiệu Hạt gạo Việt Nam đã được xúc tiến từ một vài năm trở lại đây.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, mặc dù những thành quả mà hạt gạo Việt Nam đạt được là không thể phủ nhận, song nếu nhìn sang nước láng giềng Campuchia - là nước có xuất phát điểm chậm hơn chúng ta, thì còn nhiều điều cần cảnh tỉnh. Campuchia có những cách làm, biện pháp hiệu quả khiến thị phần gạo xuất khẩu của họ tăng nhanh, điều đáng nói là Campuchia đã khẳng định được những thương hiệu gạo đẳng cấp, trong khi Việt Nam còn khá loay hoay xây dựng thương hiệu.

Thị trường gạo thế giới như một chiếc bánh, mỗi nước xuất khẩu gạo chiếm một phần chiếc bánh. Càng nhiều người ăn bánh, miếng bánh càng bé dần. Điều này được chứng minh là mặc dù Việt Nam đã cố gắng, nhưng giá và lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn giảm mạnh, riêng 6 tháng đầu năm 2016, lượng và giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm tới lần lượt là 23% và 13%. Ngoài ra, gạo Việt Nam còn chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ gạo của Campuchia và Thái Lan.

Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam thì lượng gạo chúng ta bán vào thị trường Mỹ giảm từ 70.000 tấn (năm 2014) xuống còn 44.000 tấn (năm 2015) trong khi đó Thái Lan vẫn giữ được mức 400.000 tấn trong cả hai năm.

Mặc dù lượng xuất khẩu gạo của Campuchia không cao, nhưng lại đang được chính người dân Việt Nam nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước vì giá bán và chất lượng gạo khá hấp dẫn các thương lái.

Vậy là mấu chốt giống gạo lại được gợi mở, phải chăng giống gạo mà Campuchia chọn đảm bảo được yếu tố kháng bệnh, chất lượng ngon mà giá thành rẻ. Mặc dù mới bước chân vào thị trường cung ứng gạo khoảng 5 năm, nhưng nhanh chóng các thương hiệu gạo của nước này đã được thị trường thế giới biết đến. Chính vì bứt phá ngoạn mục nên nhiều chuyên gia cho rằng gạo Campuchia cạnh tranh không chỉ với Việt Nam, mà còn đe dọa cả cường quốc xuất khẩu gạo là Thái Lan.

Công bằng mà nói, theo nhận định của các chuyên gia, con đường phát triển gạo ấn tượng của Campuchia không có gì mới, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, nhưng vấn đề là chúng ta đang nhìn sự lấn lướt của Campuchia như là một hiện tượng, nếu chúng ta không hành động thì rất có thể “miếng bánh” thị phần sẽ rơi vào tay đối thủ mới nổi.

Dưới góc độ của người tiêu dùng, trong lúc gạo Việt Nam trải sức ganh đua với Thái Lan - nước có lịch sử lâu đời về xuất khẩu gạo thì đang bỏ trống thị trường trong nước cho hàng hóa nước ngoài tràn vào, điển hình là gạo Campuchia cũng qua mặt các doanh nghiệp trong nước để bán cho người Việt. Vì vậy, việc cần làm lúc này với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo là một mặt đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, cân bằng xuất khẩu, mặc khác tìm hướng tăng giá trị hạt gạo để đạt hiệu quả cao nhất. Bài học hạt gạo Campuchia vẫn còn nguyên giá trị để doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm ra hướng đi riêng cho mình, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.

Nguồn Tổng hợp

Ý kiến bạn đọc