Rào cản thương mại
Áp thuế nhập khẩu 3% trứng Artemia: Bộ NN&PTNT, VASEP lên tiếng, hàng loạt DN kêu cứu
01/08/2016
 Bộ NN&PTNT, Tổng Cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Tôm Bình Thuận cùng hàng loạt doanh nghiệp nuôi tôm, sản xuất thức ăn cho tôm đã có văn bản đề nghị, góp ý, kêu cứu gửi đến Bộ Tài chính về việc bị áp thuế nhập khẩu mặt hàng trứng Artemia dùng làm thức ăn cho con tôm. Việc Bộ Tài chính đã bỏ qua ý kiến đóng góp, ban hành thông tư sửa đổi để áp thuế nhập khẩu 3% mặt hàng này khiến cộng đồng doanh nghiệp nuôi tôm có nguy cơ phải “đóng cửa” vì bị truy thu thuế một số tiền rất lớn.

Người nuôi tôm cũng chịu thiệt

Việc khai báo mã hàng của mặt hàng trứng Artemia được nhiều doanh nghiệp khai báo theo đúng mã hàng quốc tế từ nước xuất khẩu là 2309.9013 tương ứng với thuế nhập khẩu tại Việt Nam là 0%, được hải quan chấp thuận từ nhiều năm nay. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thức ăn Artemia là loại trứng của con Artemia được sấy khô đóng hộp từ các nước, khi nhập khẩu về Việt Nam làm thức ăn chỉ phục vụ cho sản xuất tôm giống và cá giống. Trước khi cho tôm giống và cá giống ăn thì trứng Artemia sẽ phải được ấp nở từ 10 đến 15 tiếng đồng hồ.

Trong văn bản gửi đến Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Chi Cục Kiểm tra sau thông quan TP.HCM, ông Trương Hữu Thông - Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận - cho rằng, căn cứ vào mức thuế 0%, công ty tính toán giá thành để xác định giá bán con tôm giống đầu ra cho bà con nông dân với mức giá phù hợp với mức thuế này. Theo ông Trương Hữu Thông, từ năm 2011 đến nay, công ty nhập về Việt Nam mặt hàng trứng Artemia dùng làm thức ăn cho tôm dưới dạng sấy khô với số lượng lớn, công ty cũng đã nghiên cứu các mã hàng tương ứng được quy định trong danh mục hàng hóa nhập khẩu để khai báo, được hải quan kiểm tra, giám sát và đồng ý xác nhận cho thông quan trên các tờ khai hải quan đối với các lô hàng nhập khẩu áp mức thuế 0%.

Từ đó đến nay, công ty đã sử dụng mặt hàng trứng Artemia này phục vụ cho việc sản xuất tôm giống để bán hết cho bà con nông dân rồi. Giờ, đột nhiên Bộ Tài chính thay đổi thuế suất từ 0-5% để truy thu yêu cầu công ty nộp làm cho công ty hết sức khó khăn vì không lấy đâu ra nguồn nào để bù đắp cho khoản này vì đã tính toán giá thành bán cho nông dân, làm sao có thể đòi nông dân đưa thêm tiền được?

Chi cục Kiểm tra sau thông quan vừa có văn bản gửi doanh nghiệp liên quan yêu cầu cung cấp thông tin thu thập dữ liệu để phân loại danh mục mã hàng hóa và hải quan yêu cầu phải đưa vào mã số 0511.913000 và 0511.91.00 là hai mã hàng chịu thuế nhập khẩu 5% khiến doanh nghiệp vô cùng lo lắng bị truy thu thuế rất lớn. Đại diện Công ty TNHH TMDV Khai Nhật (TP.HCM) cũng bức xúc cho rằng, nếu hải quan truy thu thuế chắc chắn doanh nghiệp nuôi tôm sẽ phá sản, giá tôm giống sắp tới sẽ tăng lên rất cao và người nuôi tôm sẽ chịu thiệt.

Hàng loạt công ty nuôi tôm khác cũng có kiến nghị tương tự như Công ty TNHH Toàn Hưng (Nha Trang); Công ty TNHH Anh Việt (Bình Thuận)… đối với việc áp thuế mặt hàng trứng Artemia với mức thuế nhập khẩu tăng từ 0% lên 3% hoặc 5%. Công ty cổ phần giống thủy sản Hùng Vương Bến Tre nhập trứng Artemia cho ấu trùng tôm từ Thái Lan về Việt Nam với số lượng khá lớn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Các đối tác nước ngoài xuất bán cho các doanh nghiệp nuôi tôm ở Việt Nam đã có xác nhận mặt hàng trứng Artemia có mã hàng HS Code 2309.9013 là thức ăn dành cho tôm, không phải thức ăn dành cho người. Theo ông Nguyễn Huy Điền - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, mặt hàng này thuộc nhóm đối tượng hàng hóa được hưởng mức thuế suất 0% theo Thông tư 164/2013/TT-BTC ngày 15.11.2013 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) đã đề nghị áp mã HS 0511.91.00 đối với sản phẩm trứng Artemia và sẽ phải chịu mức thuế suất 5%. Đề nghị này vấp phải sự phản ứng của Hiệp hội Tôm Bình Thuận.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận - cho rằng, cần xem xét lại việc truy thu thuế nhập khẩu 5% đối với thức ăn tôm giống vì trứng Artemia chỉ sử dụng vào mục đích cho tôm giống, không sử dụng vào mục đích nào khác và không thể thiếu cho ấu trùng tôm ăn đồng thời các doanh nghiệp thành viên đã nhập về từ nhiều năm trước, hạch toán vào giá thành để bán hết cho nông dân, doanh nghiệp không thể truy thu lại từ nông dân được.

Bộ, hiệp hội bức xúc cùng doanh nghiệp

Ngay cả việc áp thuế 3% hay 5% đối với mặt hàng Artemia để truy thu thuế nhập khẩu cũng bất nhất, lúc thì 0%, lúc 5% và cuối cùng thì 3%. Bức xúc về việc thay đổi thuế suất nhập khẩu mặt hàng này, Công ty cổ phần Việt Úc Bạc Liêu đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế suất nhập khẩu 0% đối với sản phẩm trứng Artemia. Ngày 20.4.2016, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái đã có văn bản phúc đáp cho rằng mặt hàng trứng Artemia thuộc nhóm 0511.91.00 là “sản phẩm từ cá hoặc động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác, động vật đã chết”. Căn cứ biểu thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng cho các năm 2009 đến nay thì các mặt hàng thuộc mã số 0511.91.00 có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 5%. Về việc xem xét giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành về 0% cho mặt hàng này, theo ông Thái, Bộ Tài chính đang xin ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Mặc dù dự thảo thông tư sửa đổi, Bộ Tài chính sau khi đã xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất giảm thuế về 0% nhưng rốt cuộc khi ban hành Thông tư 98, các doanh nghiệp nuôi tôm rất bất ngờ khi Bộ Tài chính vẫn áp thuế nhập khẩu cho mặt hàng trứng Artemia là 3%, Thông tư số 98/2016/TT-BTC do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 13.8.2016. Nhiều doanh nghiệp chưa biết sắp tới sẽ bị truy thu thuế như thế nào, nhiều doanh nghiệp  tỏ ra lo lắng về nguy cơ đóng cửa vì không đủ tiền đóng thuế, khi chính sách thuế thay đổi liên tục như thế. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng trứng Artemia từ 5% xuống còn 0% cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống nhỏ tiếp cận, chủ động nhập khẩu trực tiếp theo nhu cầu mà không cần qua trung gian là các công ty lớn, có tiềm lực kinh tế. Từ đó sẽ giảm giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng con giống ổn định

Ngày 10.5.2016, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu mặt hàng trứng Artemia xuống còn 0%. Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay người nuôi tôm luôn đối mặt với nhiều rủi ro về thời tiết do biến đổi khí hậu, cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế, rào cản thương mại, giá đầu vào vẫn giữ ở mức cao, lợi nhuận người nuôi ngày càng giảm. Nếu được giảm thuế xuống còn 0% sẽ là chính sách vô cùng quan trọng làm giảm giá thành, tăng chất lượng con giống, giảm dịch bệnh, từ đó sẽ kích thích, tạo sự tin tưởng cho người nuôi tái sản xuất, gia tăng đầu tư bù lại sản lượng thiếu hụt trong thời gian qua, đảm bảo kế hoạch và kim ngạch xuất khẩu của năm 2016.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cũng bức xúc không kém khi cho rằng mặt hàng trứng Artemia là loại sản phẩm được nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu để phục vụ sản xuất tôm giống. Trong bối cảnh kinh tế đang có nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu trong nước đang không đủ phục vụ cho chế biến và việc sản xuất tôm giống để tự cung đang được khuyến khích nhằm giúp cho người nuôi và doanh nghiệp tự chủ về nguồn giống khỏe mạnh.

VASEP cũng đã chính thức có ý kiến bằng văn bản cho rằng đã nghiên cứu nội dung công văn và dự thảo thông tư của Bộ Tài chính về việc giảm thuế mặt hàng trứng Artemia từ 5% xuống còn 0% và đồng ý với đề nghị của Bộ NN&PTNT như đã đề cập. Thế nhưng, không hiểu vì sao dự thảo thông tư một đằng được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi, các bộ, hiệp hội đồng ý với mức thuế nhập khẩu trứng Artemia là 0% nhưng khi ký ban hành chính thức thì lại một nẻo, Bộ Tài chính áp thuế 3%. Mức thuế này đe dọa “giết chết” cộng đồng doanh nghiệp nuôi tôm và làm nông dân sẽ khốn đốn.

Nguồn: Báo điện tử Người lao động
Ý kiến bạn đọc