Rào cản thương mại
Huỷ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho Minh Phú, nhằm thực thi thoả thuận song phương giữa hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ trong khuôn khổ vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO (DS429)
25/07/2016

Ngày 18/7/2016, cùng ngày với việc thoả thuận song phương giải quyết tranh chấp trong vụ việc DS429 tại WTO giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết, cơ quan liên quan của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành quyết định để đăng trên Công báo liên bang về việc huỷ bỏ một phần lệnh áp thuế cho công ty Minh Phú nhằm thực thi thoả thuận nêu trên. Phù hợp với thoả thuận song phương, thông báo này đã: (1) chấm dứt đợt rà soát 10 và 11 và, ngoại trừ cho giai đoạn từ ½ đến 3/5/2016, quyết định rằng mức thanh khoản sẽ bằng 0; (2) dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho Minh Phú dựa trên kết quả của thủ tục Mục 129 và hướng dẫn từ USTR (Đại diện Thương mại Hoa Kỳ) thực thi kết quả của Mục 129; (3) chỉ ra rằng do việc dỡ bỏ lệnh áp thuế cho Minh Phú, nên Minh Phú sẽ không phải tham gia đợt rà soát hành chính lần thứ 12. Các hướng dẫn sẽ được gửi riêng cho cơ quan Hải quan Hoa Kỳ (CBP) phù hợp với các điều khoản trong thông báo này. Nội dung cụ thể như sau:

MÃ VỤ VIỆC: 3510-DS-P

BỘ THƯƠNG MẠI

Cục Quản lý Thương mại quốc tế

A-552-802

Một số sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Hủy bỏ một phần đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá (2014-2015; 2015-2016) và Thỏa thuận về các khiếu nại còn tồn đọng.

CƠ QUAN: Bộ phận Thực thi và tuân thủ, Cục Quản lý thương mại quốc tế, Bộ Thương mại.

TÓM TẮT: Bộ Thương mại (“Bộ”) sẽ hủy bỏ, một phần, đợt rà soát hành chính đối với lệnh áp thuế chống bán phá giá (“lệnh áp thuế”) đối với một số sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (“Việt Nam”) cho các giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2014, đến ngày 31 tháng 01 năm 2015, và từ ngày 01 tháng 02 năm 2015, đến ngày 31 tháng 01 năm 2016 đối với các chuyến hàng của Tập đoàn Minh Phú. Ngoài ra, Bộ đang thoả thuận về các yêu cầu của mình đối với thuế chống bán phá giá áp dụng cho các lô hàng của hàng hóa bị điều tra được xuất khẩu bởi Tập đoàn Minh Phú trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2014, đến ngày 17 tháng 7 năm 2016.

NGÀY: có hiệu lực từ ngày 18 tháng 7 năm 2016.

LIÊN HỆ ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN: Irene Gorelik, Phòng Nghiệp vụ chống bán phá giá/chống trợ cấp (AD/CVD), Bộ phận Thực thi và tuân thủ, Cục Quản lý thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, 14th Street và Constitution Avenue, NW, Washington, DC 20230; điện thoại: (202) 482-6905.

THÔNG TIN BỔ SUNG:

Huỷ bỏ đợt rà soát

Rà soát hành chính lần thứ 10 (2014-2015)

Ngày 27 tháng 02 năm 2015, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam (“VASEP”), Ủy ban Hành động về Thương mại ngành tôm (“AHSTAC”), và Hiệp hội Chế biến tôm Hoa Kỳ (“ASPA”) lần lượt yêu cầu rà soát Lệnh áp thuế cho giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2014, đến ngày 31 Tháng 01 năm 2015, đối với các chuyến hàng của Tập đoàn Minh Phú.[1]

Ngày 03 tháng 4 năm 2015, Bộ công bố trên Công báo Liên Bang thông báo khởi xướng đợt rà soát hành chính lần thứ 10 của Lệnh áp thuế, cho giai đoạn từ ngày 01 tháng 2 năm 2014, đến ngày 31 tháng 01 năm 2015.[2] Ngày 06 Tháng 7 năm 2016, VASEP, AHSTAC, và ASPA rút yêu cầu rà soát của họ đối với Tập đoàn Minh Phú và đề nghị Bộ thực hiện thẩm quyền của mình để kéo dài thời hạn 90 ngày để rút yêu cầu rà soát và hủy bỏ một phần đợt rà soát hành chính trong những trường hợp đặc biệt. Cụ thể, các bên đã giải thích rằng họ hiểu là tồn tại các hoàn cảnh đặc biệt bởi vì việc rút yêu cầu rà soát đối với Tập đoàn Minh Phú sẽ giúp chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam trong việc đạt được một giải pháp song phương liên quan tới vụ việc Hoa Kỳ - Các biện pháp Chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam (DS429) và vụ việc Hoa Kỳ - Các biện pháp Chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôm từ Việt Nam (DS404). Các bên giải thích thêm rằng giải pháp song phương cho những tranh chấp này sẽ không được thực hiện trong thời hạn 90 ngày, và, nếu không có giải pháp song phương này, các bên sẽ không rút yêu cầu của họ về việc rà soát đối với Tập đoàn Minh Phú.

Mục 351.213 (d)(1) của quy định của Bộ nêu rằng Bộ sẽ hủy bỏ một đợt rà soát hành chính nếu một bên yêu cầu rà soát rút yêu cầu trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố thông báo khởi xướng. Ngoài ra, Mục 19 CFR 351.213 (d) (1) cho phép Bộ gia hạn thời hạn 90 ngày nếu thấy hợp lý. Trong Thông báo khởi xướng đợt rà soát hành chính lần thứ 10, Bộ đã chỉ ra rằng một bên yêu cầu gia hạn thời gian 90 ngày phải chứng minh rằng một “hoàn cảnh đặc biệt” đã ngăn chặn họ nộp yêu cầu rút đơn kịp thời, và rằng quyết định gia hạn sẽ được thực hiện trên cơ sở từng vụ việc.[3] Mặc dù việc rút yêu cầu rà soát của các bên trong đợt rà soát hành chính lần thứ mười đã quá thời hạn 90 ngày, nhưng Bộ xác định rằng các bên đã chứng minh được hoàn cảnh đặc biệt tồn tại trong giai đoạn này của vụ việc, do đó Bộ cho rằng việc gia hạn theo điều 19 CFR 351.213 (d) (1) là hợp lý. Vì vậy, do tất cả các bên có yêu cầu rà soát đối với Tập đoàn Minh Phú đã rút yêu cầu của họ, Bộ sẽ hủy bỏ việc rà soát đối với Tập đoàn Minh Phú trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 2 năm 2014, đến ngày 31 tháng 01 năm 2015.

Rà soát hành chính lần thứ mười một (2015-2016)

Ngày 29 tháng 02 năm 2016, VASEP, AHSTAC, và ASPA lần lượt yêu cầu rà soát Lệnh áp thuế trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2015, đến ngày 31 tháng 01 năm 2016, đối với các chuyến hàng của Tập đoàn Minh Phú.[4]

Ngày 07 tháng 4 năm 2016, Bộ công bố trên Công báo Liên Bang thông báo khởi xướng điều tra rà soát hành chính lần thứ mười một đối với Lệnh áp thuế cho giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2015, đến ngày 31 tháng 01 năm 2016.[5] Ngày 06 tháng 7 năm 2016, VASEP, AHSTAC, và ASPA đã rút yêu cầu rà soát đối với Tập đoàn Minh Phú và yêu cầu Bộ hủy bỏ một phần đợt rà soát hành chính.

Bởi vì tất cả các bên yêu cầu rà soát đối với Tập đoàn Minh Phú đã kịp thời rút yêu cầu của họ, Bộ sẽ huỷ bỏ đợt rà soát hành chính đối với Tập đoàn Minh Phú trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2015, đến ngày 31 tháng 1 năm 2016, theo điều 19 CFR 351.213 (d)(1).

Thỏa thuận về yêu cầu thuế còn tồn tại

Ngày 18 tháng 7 năm 2016, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận về Lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (“Thỏa thuận”) để đạt được một giải pháp song phương cho các vụ việc tranh chấp tại WTO, Hoa Kỳ - Các biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam (DS429) và Hoa Kỳ - Các biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam (DS404), và để giải quyết một số vụ kiện tại tòa, và thoả thuận về một số khiếu nại phát sinh theo Lệnh áp thuế. Cùng với Thoả thuận, ngày 18 tháng 7 năm 2016, Bộ đã ban hành quyết định theo mục 129 của Đạo luật về Thực thi các Hiệp định của vòng đàm phán Uruguay (“URAA”) dẫn tới việc dỡ bỏ một phần Lệnh áp thuế đối với Tập đoàn Minh Phú.[6][7] Trong một lá thư đề ngày 18 tháng 07 năm 2016, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (“USTR”) đã thông báo với Bộ rằng, phù hợp với Mục 129 (b)(3) của URAA, việc tham vấn ​​với Bộ và các ủy ban thích hợp của Quốc hội về Kết luận cuối cùng theo Mục 129 đã hoàn thành, và chỉ đạo Bộ, phù hợp với mục 129 (b)(4) của URAA, thực hiện kết luận này.[8]

Có hiệu lực từ ngày 18 tháng 7 năm 2016, Thỏa thuận cũng giải quyết yêu cầu của Hoa Kỳ đối với một số khoản thuế còn tồn tại đối với các chuyến hàng của Tập đoàn Minh Phú được nhập vào, hoặc được xuất kho để tiêu thụ trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 năm 2014, đến ngày 17 tháng 7 năm 2016, căn cứ theo mục 617 của Đạo luật thuế quan năm 1930 (Đạo luật).[9] Theo các điều khoản của Hiệp định này, Bộ sẽ hướng dẫn Cơ quan Biên phòng và Hải quan Hoa Kỳ (“CBP”) thanh khoản các chuyến hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu bởi Tập đoàn Minh Phú[10] và nhập khẩu bởi Công ty Mseafood mà được nhập vào, hoặc xuất kho để tiêu thụ trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 năm 2014 đến ngày 17 tháng 7 năm 2016, mà không bị áp thuế chống bán phá giá, ngoại trừ các chuyến hàng được nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2016 đến ngày 03 tháng 5 năm 2016 thì sẽ được thanh khoản với mức đặt cọc bằng tiền mặt có hiệu lực tại thời điểm nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ sẽ hướng dẫn CBP thanh khoản tất cả các lô hàng tôm nước ấm đông lạnh khác xuất khẩu bởi Tập đoàn Minh Phú mà đã được nhập vào, hoặc xuất kho để tiêu thụ trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 năm 2014 đến ngày 17 tháng 7 năm 2016, với mức đặt cọc bằng tiền mặt có hiệu lực tại thời điểm nhập khẩu.

Do không có cơ sở nào hơn để tiến hành đợt rà soát hành chính Lệnh áp thuế đối với Tập đoàn Minh Phú cho giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2016 đến ngày 31 tháng 01 năm 2017, Bộ không có ý định khởi xướng đợt rà soát hành chính đối với Tập đoàn Minh Phú cho giai đoạn này.

Thông báo này được ban hành và công bố theo Mục 19 CFR 351.213 (d)(l) và (4).

Paul Piquado

Trợ lý Bộ trưởng về Thực thi và Tuân thủ

Ngày 18/7/2016

[1] Các yêu cầu rà soát này bao gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (và các công ty con là Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí, Công ty TNHH Hải sản Minh Phát, Minh Phú Hậu Giang, gọi chung là “Tập đoàn Minh Phú”), theo yêu cầu của VASEP; Công ty TNHH Hải sản Minh Phát, Tập đoàn Hải sản Minh Phú Hậu Giang, và Tập đoàn Hải sản Minh Phú, theo yêu cầu của AHSTAC; và Thủy sản Minh Phát, Công ty TNHH Thuỷ sản Minh Phát, Tập đoàn Hải sản Minh Phú, Minh Phu Seafood Pte, Thủy sản Minh Quí, và Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí, theo yêu cầu của ASPA.

[2] Xem Khởi xướng đợt rà soát hành chính Thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, 80 FR 18202 (ngày 03 tháng 4 năm 2015) (“Thông báo khởi xướng đợt rà soát hành chính lần thứ 10”). Thông báo khởi xướng này bao gồm, trong phần có liên quan: Thuỷ sản Minh Phát, Công ty TNHH Thủy sản Minh Phát, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, Minh Phu Seafood Pte, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (và các công ty con: Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí, Công ty TNHH Thuỷ sản Minh Phát, Minh Phú Hậu Giang, gọi chung là “Tập đoàn Minh Phú”), Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang, Thủy sản Minh Quí, và Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí.

[3] Như trên, 80 FR tại 18202.

[4] Các yêu cầu rà soát này bao gồm, đối với các phần có liên quan: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (và các công ty con: Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang và Công ty TNHH Thuỷ sản Minh Phát) (gọi chung là “Tập đoàn Minh Phú”), theo yêu cầu của VASEP; Công ty TNHH Thuỷ sản Minh Phát, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú và Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí, theo yêu cầu của AHSTAC; và Thủy sản Minh Phát, Công ty TNHH Thuỷ sản Minh Phát, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (và các công ty con: Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí, Công ty TNHH Thuỷ sản Minh Phát, Minh Phú Hậu Giang, gọi chung là “Tập đoàn Minh Phú”), Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang, Minh Phu Seafood Pte, Thủy sản Minh Quí, và Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí, theo yêu cầu của ASPA.

[5] Xem Khởi xướng điều tra rà soát hành chính đối với thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, 81 FR 20324 (ngày 07 tháng 4 năm 2016) (“Thông báo khởi xướng điều tra rà soát hành chính lần thứ 11”). Thông báo khởi xướng này bao gồm, trong các phần có liên quan: Thuỷ sản Minh Phát, Công ty TNHH Thủy sản Minh Phát, Minh Phu Seafood Corp, Minh Phu Seafood Pte, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Minh Phú Hậu Giang Seafood Corp, thủy sản Minh Quí, Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí, Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú (và các công ty con: Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí, Minh Phú Hậu Giang Seafood Corp và Công ty TNHH Thủy sản Minh Phát) (gọi chung là “Tập đoàn Minh Phú”).

[6] Xem: Bản ghi nhớ của Christian Marsh, Phó Trợ lý Bộ trưởng về thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp gửi tới ngài Paul Piquado, Trợ lý Bộ trưởng về thực thi và tuân thủ, về: “Kết luận cuối cùng theo Mục 129 Đạo luật về Thực thi các Hiệp định tại vòng đàm phán Uruguay: Các biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, ngày 18 tháng 7 năm 2016 (“Kết luận cuối cùng theo Mục 129”).

[7] Trong Kết luận cuối cùng theo Mục 129, Bộ đã chỉ ra ý định huỷ bỏ các công ty sau của Tập đoàn Minh Phú khỏi Lệnh áp thuế: Tập đoàn Xuất Nhập Khẩu Thuỷ sản Minh Phú (và các công ty con: Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí và Công ty TNHH Thủy sản Minh Phát), Minh Phu Seafood Corp, Công ty Cổ phần Thủy hải sản Minh Phú, Minh Phu Seafood Pte, Thủy sản Minh Quí, Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí, Minh Quí, Công ty TNHH Thủy sản Minh Phát, Minh Phát, Công ty cổ phần Thuỷ sản  Minh Phú Hậu Giang, Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, Thủy sản Minh Phát, Minh Phát Seafood Corp, Minh Phú Hậu Giang Seafood Corp, và Công ty TNHH chế biến Minh Phú Thủy sản Hậu Giang.

[8] Xem: Thư của USTR, về: “Yêu cầu thực hiện Kết luận cuối cùng”, ngày 18 tháng 7 năm 2016.

[9] Xem Phụ lục 6 của Hiệp định này, mang tên “Thỏa thuận giữa DOC, Tập đoàn Minh Phú, Mseafood Corporation, AHSTAC, và ASPA”.

[10] Những cái tên sau đây sẽ được liệt kê trong hướng dẫn của CBP: (1) Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Phú (và các công ty con: Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí và Công ty TNHH Thủy sản Minh Phát), hay còn gọi là (2) Thủy sản Minh Phú Corp., hay còn gọi là (3) Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, hay còn gọi là (4) Minh Phu Seafood Pte, hoặc (5) Thủy sản Minh Quí, hay còn gọi là (6) Công ty TNHH Thủy sản Minh Quí, hay còn gọi là (7) Minh Quí, hoặc (8) Công ty TNHH Thủy sản Minh Phát, hay còn gọi là (9) Minh Phát, hay còn gọi là (10) Thủy sản Minh Phát, hay còn gọi là (11) Minh Phát Seafood Corp, hoặc (12) Công ty Cổ phần Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang, hay còn gọi là (13) Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, hay còn gọi là (14) Minh Phú Hậu Giang Seafood Corp, hay còn gọi là (15) Công ty TNHH chế biến Thủy sản Minh Phú Hậu Giang.

Nguồn chongbanphagia.vn

Ý kiến bạn đọc