Rào cản thương mại
C/0 thủy sản Việt: Khỏe để...vượt rào
14/10/2016
 Mới đây, đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sau chuyến công tác tại Australia trở về mang theo tin vui: Nếu mọi chuyện xuôi thuận, tôm tươi nguyên con Việt Nam sẽ “bơi” sang thị trường Australia trong tương lai gần.

Tại Australia, nhu cầu tôm tươi rất lớn, mỗi năm tới 50.000- 60.000 tấn. Australia hàng năm phải nhập khẩu khoảng 30.000 tấn tôm. Tuy nhiên, do các quy định nghiêm ngặt về kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm, nên đến nay, chưa nước nào đưa được tôm tươi nguyên con đông lạnh vào Australia. Cơ hội cho tôm Việt sang thị trường Australia rất lớn.

Nhìn rộng ra các thị trường khác, không chỉ riêng con tôm, cơ hội cho thủy sản Việt cũng không nhỏ, tất cả tùy thuộc ở chữ “nếu”.

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng, nhưng thị trường thiếu ổn định. Một trong những thách thức lớn nhất với thủy sản Việt là tính minh bạch chưa cao và chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu thách thức này vẫn sừng sững như “Thái Sơn”, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2016 khó vượt qua “đỉnh” 7 tỷ USD.

Thực tế là minh chứng rõ nhất. Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ tháng 1 đến tháng 9/2016, có 11 lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng (thủy ngân, cadmium) vượt giới hạn tối đa cho phép, tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2015.

Với góc nhìn rộng hơn, tại Diễn đàn “An toàn thực phẩm: Câu hỏi về sự phối hợp và tin tưởng lẫn nhau” diễn ra cuối tháng 9/2016 đã vang lên những khuyến cáo: Tại thị trường EU, Việt Nam có tỷ lệ lô hàng thủy sản bị từ chối cao nhất, chiếm 11,6%, sau đó đến Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan. Còn ở Mỹ, Việt Nam có tỷ lệ lô hàng bị từ chối là 14,2%, đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Tại Úc, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 với tỷ lệ 11,5%. Ở Nhật Bản, Việt Nam cũng đứng sau Trung Quốc, với tỷ lệ 27,5%...

Nguyên nhân chính khiến nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị từ chối là do bị nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc thú y vượt ngưỡng cho phép, chứa chất gây ô nhiễm, dán nhãn hàng hóa chưa chuẩn…

Bởi thế mới nói, nếu chú trọng nâng cao tính minh bạch, nếu cải thiện đáng kể về an toàn vệ sinh thực phẩm, thủy sản Việt sẽ “khỏe mạnh”, dễ dàng vượt qua những rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

Nguồn: Báo điện tử Công Thương
Ý kiến bạn đọc