1. Một số thông tin chung về vụ việc
Ngày 29 tháng 8 năm 2013, Hàn Quốc yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ.
Ngày 22 tháng 01 năm 2014, Ban Hội thẩm vụ việc được thành lập.
Có 11 Thành viên WTO đã đăng ký tham gia bên thứ ba, bao gồm: Brazil, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Na uy, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Saudi và Việt Nam.
Ngày 11 tháng 3 năm 2016, Ban Hội thẩm đã ban hành báo cáo cuối cùng.
Ngày 19 tháng 4 năm 2016, Hoa Kỳ đã nộp đơn kháng cáo Báo cáo của Ban hội thẩm trong vụ việc.
Tiếp đó, ngày 25 tháng 4 năm 2016, Hàn Quốc cũng đã nộp đơn kháng cáo.
Trong vụ việc này, Hàn Quốc kiện Hoa Kỳ đối với hai nhóm vấn đề chính:
(i) Đối với biện pháp chống bán phá giá, Hàn Quốc khiếu kiện:
- Cách tiếp cận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khi sử dụng phép so sánh W - T (weighted average – transaction, so sánh bình quân gia quyền giá trị thông thường với giá xuất khẩu của từng giao dịch) để tính toán biên độ phá giá (theo câu thứ 2 của Điều 2.4.2 Hiệp định Chống bán phá giá - ADA). Đây là phép so sánh được Hoa Kỳ sử dụng trong trường hợp bán phá giá mục tiêu (targeted dumping) - phương pháp đã được DOC loại bỏ trước đây và trong phương pháp mới gần đây là định giá phân biệt (differential pricing- DFP); và
- Phương pháp quy về không (zeroing) sử dụng khi Hoa Kỳ áp dụng phương pháp định giá phân biệt để tính toán biên độ phá giá.
(ii) Đối với biện pháp chống trợ cấp, Hàn Quốc khiếu kiện kết luận của DOC về:
- Việc DOC xác định 2 chương trình trợ cấp tín dụng thuế mà Samsung được hưởng mang tính riêng biệt (chương trình thứ nhất liên quan đến các ưu đãi thuế dành cho hoạt động R&D: DOC xác định rằng Samsung đã nhận được khoản lợi ích lớn bất hợp lý so với các công ty tương tự khác trong ngành; chương trình thứ hai liên quan đến các ưu đãi thuế dành cho việc đầu tư vào tài sản kinh doanh: DOC xác định rằng chương trình này có tính riêng biệt về địa lý do chỉ áp dụng cho một số công ty ở một khu vực địa lý nhất định).
- Và cách DOC tính toán lượng trợ cấp đối với các chương trình trên.
2. Kết luận của Ban hội thẩm
Ngày 11 tháng 3 năm 2016, Ban Hội thẩm đã ban hành báo cáo cuối cùng, trong đó ủng hộ 10/16 khiếu kiện của Hàn Quốc. Cụ thể:
Đối với các khiếu kiện về phương pháp định giá phân biệt:
- Ban Hội thẩm đã ủng hộ Hàn Quốc rằng:
(i) DOC chỉ được áp dụng phương pháp này ở các giao dịch có đủ điều kiện, tức là thuộc mẫu xác định có sự khác biệt về giá, mà không được áp dụng đối với tất cả các giao dịch. Kết luận này của Ban Hội thẩm góp phần giới hạn việc áp dụng zeroing của DOC trong phương pháp định giá phân biệt;
(ii) Cơ quan điều tra phải xem xét lý do cho sự khác biệt về giá. Ban Hội thẩm đồng ý với Hàn Quốc rằng việc xem xét lý do là quan trọng vì phép so sánh W-T là trường hợp ngoại lệ, chỉ được sử dụng trong trường hợp có sự khác biệt về giá đặc biệt mà không phải là vì lý do thương mại thông thường. Kết luận này của Ban Hội thẩm sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp bị đơn chuẩn bị hồ sơ, lập luận đối với DOC về lý do khác biệt về giá; và
(iii) Đặc biệt, Ban Hội thẩm kết luận rằng phương pháp định giá phân biệt có thể bị khiếu kiện vi phạm về mặt pháp lý (as such). Đây là kết luận rất có lợi và quan trọng cho các nước như Việt Nam. Điều này có nghĩa các kết luận của Ban Hội thẩm ủng hộ Hàn Quốc nêu trên có thể được áp dụng cho tất cả các vụ việc khác.
- Tuy nhiên, Ban Hội thẩm không ủng hộ Hàn Quốc ở 3 vấn đề sau:
(i) Ban hội thẩm kết luận rằng câu thứ 2 của Điều 2.4.2 không yêu cầu cơ quan điều tra phải xem xét cả yếu tố định lượng và định tính. Hàn Quốc lập luận rằng cơ quan điều tra phải xem xét cả yếu tố định tính. Tuy nhiên, Ban Hội thẩm không ủng hộ điều này. Ban Hội thẩm cho rằng giá có thể khác biệt một cách “đáng kể” hoàn toàn về lượng.
(ii) Ban Hội thẩm không ủng hộ lập luận của Hàn Quốc rằng việc DOC không cân nhắc sử dụng phép so sánh T-T (transaction- transaction: so sánh từng giao dịch giá trị thông thường với giá xuất khẩu) trước khi sử dụng phép W-T là vi phạm câu thứ 2 của Điều 2.4.2. Ban Hội thẩm cho rằng khi cơ quan điều tra lựa chọn một trong hai phương pháp này (W-W và T-T) thì chỉ cần giải thích phương pháp mình chọn.
(iii) Ban Hội thẩm đã từ chối xem xét khiếu kiện của Hàn Quốc rằng phép thử Nails test (trong phương pháp định giá phân biệt trước đây) về cơ bản là thiếu sót do Hàn Quốc đã không nêu vấn đề này trong bản đệ trình lần thứ nhất mà chỉ đưa ra trong bài phát biểu của Hàn Quốc trong phiên tranh tụng lần thứ nhất.
Đối với các khiếu kiện về phương pháp zeroing:
Kết luận của Ban Hội thẩm khá cân bằng về phương pháp zeroing – sử dụng trong phương pháp DFP, tức là có khía cạnh ủng hộ Hàn Quốc và có khía cạnh ủng hộ Hoa Kỳ. Cụ thể:
- Ban Hội thẩm ủng hộ Hàn Quốc rằng zeroing không được sử dụng đối với tập hợp các giao dịch bị xác định có sự khác biệt về giá. Đây là kết luận mang tính quan trọng về mặt thực tiễn và hạn chế thẩm quyền của DOC. Kết luận này tương đối rộng vì (1) được áp dụng cho cả vụ việc của Hàn Quốc nói riêng và các vụ việc khác (khiếu kiện về mặt pháp lý – as such), và (2) áp dụng cho cả các cuộc điều tra ban đầu và rà soát hành chính.
- Ban Hội thẩm ủng hộ Hoa Kỳ rằng nếu câu thứ 2 của Điều 2.4.2 được áp dụng đúng thì cơ quan điều tra có thể phát hiện ra phá giá mục tiêu, do đó nếu cho phép bù trừ những giao dịch xuất khẩu không thuộc “mẫu” thì sẽ không hợp lý.
Đối với các khiếu kiện về các biện pháp trợ cấp
Ban Hội thẩm hầu như không ủng hộ các khiếu kiện của Hàn Quốc đối với các biện pháp trợ cấp. Cụ thể:
- Ban Hội thẩm ủng hộ Hàn Quốc rằng DOC đã không tính đến hai yếu tố được nêu tại Điều 2.1(c) Hiệp định Chống trợ cấp WTO (SCM) (gồm: mức độ của việc đa dạng hóa các hoạt động kinh tế trong phạm vi quyền hạn của cơ quan cấp trợ cấp và độ dài của chương trình trợ cấp) khi xác định rằng trợ cấp mà Samsung nhận được mang tính riêng biệt về mặt thực tế de facto.
- Ban Hội thẩm phản đối lập luận của Hàn Quốc về việc DOC vi phạm quy định Hiệp định SCM trong việc xác định chương trình tín dụng thuế với việc đầu tư vào các tài sản kinh doanh mang tính riêng biệt về mặt địa lý.
- Liên quan đến cách DOC tính toán lượng trợ cấp mà Samsung nhận được trong hai chương trình này, Hàn Quốc khiếu nại rằng lợi ích từ chương trình ưu đãi thuế được tính cho tất cả các sản phẩm Công nghệ (Digital Appliance), chứ không chỉ riêng sản phẩm bị điều tra, do đó việc DOC không phân bổ lợi ích trợ cấp dành cho sản phẩm bị điều tra, mà dùng tổng lợi ích của chương trình trợ cấp để xác định biên độ trợ cấp là không hợp lý. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng khiếu kiện việc DOC chỉ giới hạn mẫu số là doanh số bán sản phẩm của Samsung tại thị trường Hàn Quốc, mà không phỉa doanh số toàn cầu của Samsung. Ban Hội thẩm đã phản đối các cáo buộc này của Hàn Quốc.
3. Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm
Ngày 07 tháng 9 năm 2016, Cơ quan Phúc thẩm đã ban hành báo cáo về các kết luận cuối cùng tới các bên. Với các khiếu nại liên quan đến các biện pháp chống bán phá giá, trong tổng số 7 vấn đề được kháng cáo, Cơ quan Phúc thẩm đã ủng hộ Hàn Quốc 6 vấn đề. Đối với vấn đề thứ 7, Cơ quan Phúc thẩm không trực tiếp ủng hộ bên nào mà có cách tiếp cận khác so với cả hai bên. Với các khiếu nại liên quan đến các biện pháp chống trợ cấp, Cơ quan phúc thẩm ủng hộ 1 trong số 2 vấn đề khiếu kiện của Hàn Quốc. Cụ thể:
3.1. Các khiếu nại liên quan đến biện pháp chống bán phá giá
(i) Cơ quan Phúc thẩm đồng ý với Hàn Quốc theo Điều 2.4.2 Hiệp định ADA, cơ quan điều tra chỉ có thể sử dụng phương pháp ngoại lệ (W-T) khi một số giao dịch có tồn tại “mẫu” và “mẫu” chỉ có thể bao gồm các mức giá thấp hơn (tức là dưới mức giá bình quân hoặc giá trị thông thường). Hoa Kỳ lập luận rằng cả các giao dịch có mức giá cao hơn và thấp hơn đều có thể thuộc “mẫu”. Tuy nhiên, cả Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm đều đồng ý với Hàn Quốc rằng chỉ có mức giá thấp hơn mới cấu thành một “mẫu”.
(ii) Cơ quan Phúc thẩm đồng ý với Hàn Quốc rằng “mẫu” phải tập trung vào một số dạng cụ thể mà không được kết hợp các dạng khác nhau. Theo Điều 2.4.2 “mẫu” phải bao gồm các giao dịch tới các khách hàng cụ thể, hoặc khu vực cụ thể hoặc trong khoảng thời gian cụ thể. Hoa Kỳ lập luận rằng họ có thể kết hợp cả 3 dạng trên vào một “mẫu”. Tuy nhiên, Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm đồng ý với Hàn Quốc rằng mỗi dạng là riêng biệt và không thể được kết hợp chung vào một “mẫu”.
(iii) Cơ quan Phúc thẩm đồng ý với Hàn Quốc rằng phép so sánh ngoại lệ (W-T) chỉ có thể áp dụng đối với những giao dịch được xác định là thuộc “mẫu”. Theo Điều 2.4.2 của Hiệp định ADA, để áp dụng phép so sánh ngoại lệ này thì phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể nhất định. Hoa Kỳ lập luận rằng khi đã đáp ứng được trường hợp ngoại lệ, thì phép so sánh ngoại lệ có thể được áp dụng đối với tất cả các giao dịch xuất khẩu. Tuy nhiên, Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm đồng ý với Hàn Quốc rằng phép so sánh ngoại lệ chỉ có thể được áp dụng đối với những giao dịch xuất khẩu đáp ứng được các điều kiện để áp dụng trường hợp ngoại lệ.
(iv) Ban Hội thẩm đồng ý với Hàn Quốc rằng phép so sánh ngoại lệ (W-T) không thể áp dụng dựa trên các tiêu chí hạn hẹp về lượng. Theo Điều 2.4.2, “mẫu” phải bao gồm các mức giá khác nhau một cách “đáng kể”. Hoa Kỳ lập luận rằng “đáng kể” nghĩa là chỉ cần kiểm tra định lượng và Ban hội thẩm đồng ý với điều này. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã kháng cáo vấn đề này và Cơ quan Phúc thẩm đồng ý với Hàn Quốc rằng “đáng kể” yêu cầu cơ quan điều tra phải giải thích cả về định lượng và định tính rằng vì sao các mức giá khác nhau và phép so sánh ngoại lệ không nên áp dụng khi có các yếu tố thị trường khách quan cho thấy sự khác biệt về giá không thực sự đáng kể (ví dụ: thay đổi trong chi phí).
(v) Cơ quan Phúc thẩm đồng ý với Hàn Quốc rằng việc áp dụng phép so sánh ngoại lệ (W-T) yêu cầugiải thích đầy đủ vì sao không thể sử dụng các phép so sánh thông thường. Theo Điều 2.4.2 có hai phép so sánh thông thường là W-W và T-T. Hoa Kỳ lập luận rằng khi cơ quan điều tra đã giải thích vì sao một trong hai phép so sánh thông thường không thể sử dụng, thì cơ quan điều tra có thể sử dụng phép so sánh ngoại lệ và Ban hội thẩm đồng ý điều này. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã kháng cáo vấn đề này và Cơ quan phúc thẩm đồng ý với Hàn Quốc rằng cơ quan điều tra phải giải quyết cả hai phương pháp thông thường trước khi chuyển sang phép so sánh ngoại lệ.
(vi) Cơ quan Phúc thẩm đồng ý với Hàn Quốc rằng ngay cả khi phép so sánh ngoại lệ được sử dụng thì cơ quan điều tra cũng không thể áp dụng phương pháp zeroing. WTO đã nhiều lần kết luận về zeroing nhưng chưa bao giờ giải quyết vấn đề liệu zeroing có được cho phép khi áp dụng phép so sánh ngoại lệ (W-T) trong Điều 2.4.2 hay không. Hoa Kỳ lập luận rằng theo phép so sánh ngoại lệ, họ được phép sử dụng zeroing để tránh việc hành vi bán phá giá bị che dấu. Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm đồng ý với Hàn Quốc rằng zeroing là không được phép trong tất cả các trường hợp, bao gồm cả phép so sánh ngoại lệ của Điều 2.4.2.
(vii) Đối với vấn đề này, Cơ quan Phúc thẩm có cách tiếp cận khác với cả hai bên. Hoa Kỳ lập luận rằng khi kết hợp các giao dịch thuộc “mẫu” và các giao dịch không thuộc “mẫu”, thì có thể quy về 0 bất kỳ khoản chênh lệch nào của các giao dịch không thuộc mẫu. Hàn Quốc lập luận rằng việc không tính đến – không cho phép bù trừ khi kết hợp hai nhóm giao dịch trên – thực tế là một dạng khác của phương pháp zeroing. Cơ quan Phúc thẩm không ủng hộ kết luận của Ban hội thẩm (đồng ý với quan điểm của Hoa Kỳ) và cho rằng cơ quan điều tra không bắt buộc phải kết hợp 2 nhóm giao dịch. Do cơ quan điều tra chỉ có thể tập trung vào nhóm các giao dịch xuất khẩu thuộc “mẫu”, nên vấn đề phải làm thế nào khi kết hợp hai nhóm giao dịch trên không còn nữa. Do đó, Cơ quan Phúc thẩm bác bỏ kết luận của Ban hội thẩm.
3.2. Các khiếu nại liên quan đến biện pháp trợ cấp
- Cơ quan phúc thẩm ủng hộ kết luận của Ban Hội thẩm liên quan đến việc xác định tính riêng biệt của một số chương trình trợ cấp.
- Cơ quan phúc thẩm phản đối kết luận của Ban Hội thẩm liên quan đến việc tính toán lượng trợ cấp cho 02 chương trình nêu trên. Cụ thể, Cơ quan phúc thẩm cho rằng Ban Hội thẩm đã không xác minh một cách hợp lý phương pháp test mà DOC áp dụng để xác định xem trợ cấp này có gắn liền với một sản phẩm cụ thể không. Cơ quan phúc thẩm cũng kết luận rằng việc tính toán mức trợ cấp theo trị giá (ad valorem) của DOC không đảm bảo thuế chống trợ cấp được áp không vượt quá lượng trợ cấp thực tế được nhận.
Ngoài ra, liên quan đến việc DOC giới hạn mẫu để tính trợ cấp cho Samsung chỉ với việc sản xuất nội địa, Cơ quan phúc thẩm kết luận rằng Ban Hội thẩm đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm “đối tượng nhận được lợi ích) (recipient of the benefit) và “sản phẩm được trợ cấp” (subsidized product) và Ban Hội thẩm đã bỏ sót lỗi của DOC khi không xem xét đến lập luật của tất cả các bên có liên quan để xác định xem trợ cấp đó chỉ dành cho việc sản xuất nội địa của Samsung hay dành cho cả việc sản xuất của các chi nhánh ở nước ngoài nữa.
Do đó, việc tính toán của DOC vi phạm Điều 19.4 Hiệp định SCM và Điều VI:3 GATT 1994.
4. Một số đánh giá
Có thể thấy, các kết luận nêu trên của Cơ quan Phúc thẩm đã đem đến một thắng lợi lớn cho Hàn Quốc nói riêng và các doanh nghiệp bị đơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ nói chung (bao gồm cả Việt Nam). Hai kết luận quan trọng nhất của Cơ quan Phúc thẩm đó là: (i) cần phải có một quy tắc chặt chẽ về việc sử dụng phép so sánh ngoại lệ (W-T) trong Điều 2.4.2 trong trường hợp có sự khác biệt đáng kể về giá giữa các khách hàng, khu vực và thời gian khác nhau; và không nên sử dụng phương pháp quy về 0 mà đã nhiều lần bị kết luận vi phạm quy định của WTO.
Các quyết định trên thể hiện một sự tiến bộ đáng kể trong quy định của WTO về việc sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, ngăn chặn việc một bên áp dụng phép so sánh ngoại lệ trong Điều 2.4.2 (phương pháp W-T) một cách tùy ý từ đó tái áp dụng phương pháp zeroing. Nếu Hoa Kỳ thực thi các phán quyết này một cách thiện chí thì các kết luận của Cơ quan Phúc thẩm sẽ giới hạn trường hợp Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với các nhà xuất khẩu Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc thực thi của Hoa Kỳ trong các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO, đặc biệt là đối với những vấn đề phức tạp và nhạy cảm, luôn là một vấn đề cần sự kiên trì của các bên khiếu kiện.
Mặc dù vậy, các kết luận của Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm trong vụ việc này có thể tạo tiền lệ và cơ sở tốt cho các vụ điều tra hoặc rà soát trong tương lai của Hoa Kỳ đối với các nước khác trong đó có Việt Nam.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài – Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công Thương
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền – Hà Nội
Điện thoại: (04)222. 05012
Fax: (04)222.05003