Rào cản thương mại
Hoa Kỳ sửa đổi quy định liên quan đến cơ sở để xác định trị giá thông thường (normal value) trong tính toán biên độ phá giá
19/09/2016
 Ngày 19 tháng 8 năm 2016, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đăng Công báo liên bang về đề xuất dự thảo sửa đổi quy định liên quan đến việc sử dụng trị giá tự xây dựng (constructed value) hay giá bán ở nước thứ ba (third country sales) làm cơ sở để tính toán trị giá thông thường (normal value), trong trường hợp nước xuất khẩu không phải là nước có thị trường khả thi (viable market).

1. Thông tin chung

Theo quy định tại mục 731, Đạo luật thuế quan 1930 Hoa Kỳ, trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu được bán tại thị trường Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá trị thông thường, và Ủy ban thương mại quốc tế (ITC) kết luận rằng ngành sản xuất nội địa chịu thiệt hại hoặc bị đe dọa thiệt hại đáng kể do hàng hóa nhập khẩu đó gây ra, thì DOC sẽ áp thuế chống bán phá giá.

Để xác định được biên độ phá giá, DOC sẽ so sánh giữa giá xuất khẩu sản phẩm bị điều tra vào Hoa Kỳ với trị giá thông thường (thường là mức giá bán tại thị trường nước xuất khẩu). Tuy nhiên, trong trường hợp nước xuất khẩu được xác định là nước không có thị trường khả thi (viable market) thì DOC có quyền sử dụng các nguồn khác để tính toán trị giá thông thường.

Theo quy định tại Đạo luật liên bang mục 19 CFR 351.404(b), một nước xuất khẩu hay một nước thứ ba được coi là nước có thị trường khả thi nếu việc bán sản phẩm tương tự tại nước đó có đủ số lượng (sufficient quantity) để hình thành cơ sở xác định trị giá thông thường. Có đủ số lượng thường có nghĩa là số lượng tổng hợp (hoặc, nếu số lượng là không thích hợp, thì trị giá) của sản phẩm tương tự nước ngoài do nhà sản xuất/xuất khẩu bán ở nước đó lớn hơn hoặc bằng 5% tổng lượng (trị giá) của doanh số bán hàng hóa bị điều tra của nhà sản xuất/xuất khẩu đó vào Hoa Kỳ.

Các nguồn khác để làm cơ sở tính toán trị giá thông thường bao gồm: (i) giá bán của sản phẩm tương tự tại một nước thứ ba; (ii) trị giá tự xây dựng.

Theo đó việc sử dụng giá bán của sản phẩm tương tự tại một nước thứ ba được ưu tiên áp dụng hơn trong các trường hợp sau: (i) không có việc bán sản phẩm tương tự tại nước xuất khẩu, (ii) không có đủ số lượng bán hàng hóa tương tự tại nước xuất khẩu và do đó thị trường là không khả thi; hoặc (iii) DOC xác định rằng DOC không thể sử dụng giá bán tại thị trường nước xuất khẩu để làm cơ sở xác định trị giá thông thường.

2. Đề xuất sửa đổi quy định của DOC

Theo thông tin đăng tại Công báo liên bang, DOC dự định thay đổi thứ tự ưu tiên đối với các cơ sở mà DOC sử dụng để xác định trị giá thông thường trong trường hợp nước xuất khẩu được xác định là không có thị trường khả thi. Theo đó, DOC sẽ ưu tiên sử dụng trị giá tự xây dựng để làm cơ sở tính toán, thay vì ưu tiên sử dụng giá bán tại thị trường nước thứ ba như hiện nay.

Lý do DOC đưa ra là:

(i) việc thay đổi này là phù hợp với quy định của Đạo luật mở rộng ưu đãi thương mại 2015 (Trade Preferences Extension Act 2015 – TPEA), theo đó, TPEA yêu cầu DOC phải thu thập thông tin về chi phí từ các bị đơn bắt buộc trong các vụ điều tra chống bán phá giá (AD). Căn cứ trên quy định của TPEA, trong các vụ việc AD mà vào ngày 6/8/2015 chưa ban hành bản câu hỏi đầu tiên thì DOC sẽ yêu cầu các bên cung cấp thông tin về chi phí sản xuất (cost of production) cần thiết để hình thành nên trị giá tự xây dựng. Do đó, việc sử dụng trị giá tự xây dựng không tăng thêm gánh nặng quá nhiều cho cả DOC lẫn các bên bị đơn (DOC sẽ không cần phải thu thập các thông tin liên quan đến giá bán tại các nước thứ ba).

(ii) Thêm vào đó, dựa trên kinh nghiệm của DOC, việc sử dụng trị giá tự xây dựng sẽ cho kết quả hợp lý hơn về trị giá thông thường. Do đôi khi việc sử dụng giá bán sản phẩm tương tự (like product) tại các nước thứ ba gặp phải rủi ro là các sản phẩm tương tự này có thể chỉ ở mức tương tự (similar), chứ không phải là sản phẩm giống hệt (identical) với sản phẩm đang bị điều tra bán tại Hoa Kỳ.

(iii) Hơn nữa, trị giá tự xây dựng cũng phản ánh các chi phí thực tế gắn liền với việc sản xuất và bán hàng hóa bị điều tra.

Các thực thể có thể bị ảnh hưởng bởi quy định này bao gồm các nhà sản xuất/xuất khẩu (mà một số nhà sản xuất/xuất khẩu này có thể liên kết với các công ty và nhà nhập khẩu Hoa Kỳ).

DOC đánh giá quy định này sẽ không có ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ do bản thân trong bản câu hỏi đối với các bị đơn bắt buộc, DOC cũng đã yêu cầu các thông tin về chi phí để từ đó có thể xác định được trị giá tự xây dựng.

Quy định sửa đổi này dự định có hiệu lực 30 ngày sau khi quy định cuối cùng được ban hành.

3. Phương thức bình luận về đề xuất của DOC

- Các bên quan tâm có thể đưa ra bình luận trước ngày 26/9/2016.

- Tất cả các bình luận phải được nộp thông qua Cổng thương mại điện tử Federal eRulemakinghttp://www.regulations.gov.

- Trong trường hợp các bên bình luận không thể vào Internet, các bên này có thể nộp bản gốc và bản mềm bình luận trực tiếp hoặc qua bưu điện. Địa chỉ nhận như sau:

Paul Piquado, Assisstant Secretary for Enforcement&Compliance

Room 1870, Department of Commerce,

14th Street and Constitution Ave. NW., Washington, DC 20230

- Tất cả các bình luận sẽ được đăng tải trên Cổng thương mại điện tử Federal

DOC sẽ không chấp nhận bất cứ bình luận nào mà yêu cầu giữ bí mật một phần hoặc toàn bộ các thông tin nêu trong bình luận.

Nguồn: Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương
Ý kiến bạn đọc
TIN TỨC CŨ

Xuất nhập khẩu nông sản chủ lực sẽ thế nào khi hội nhập sâu AEC? (19/09/2016)

Xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ gặp khó sau phán quyết POR10 (18/09/2016)

Ấn Độ thông báo tổ chức phiên điều trần về vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm sợi spandex 15 (15/09/2016)

Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10) đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam (14/09/2016)

Các bước tiến hành xem xét việc nhập khẩu thanh long Việt Nam vào Úc (07/09/2016)

Bộ Công Thương gia hạn thời hạn ra quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép hình chữ H (05/09/2016)

Hải quan Hoa Kỳ đăng Công báo liên bang dự thảo quy định mới cho phép các bên liên quan khởi xướng điều tra đối với các nhà nhập khẩu bị cáo buộc trốn thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp (01/09/2016)

Thổ Nhĩ Kỳ ban hành kết luận điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam (01/09/2016)

Argentina khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm (tấm) gạch ốp lát nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam (26/08/2016)

Thông tin quan trọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mexico (25/08/2016)