Rào cản thương mại
Cơ hội cực lớn từ ASEAN
10/06/2015
 “Chúng ta đã chuẩn bị cho ASEAN 20 năm rồi nhưng giờ này chúng ta vẫn ngồi bàn ASEAN là gì, thách thức thời cơ ra sao?…”. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Vụ trưởng, Bộ phận thường trực Ban Thư ký APEC 2017, Bộ Ngoại giao - đã nói như vậy tại tọa đàm “Hội nhập quốc tế - Một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ 2015” do Bộ Ngoại giao và UBND TP HCM tổ chức sáng 6-2 tại TP HCM.
57 thị trường béo bở
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho biết Việt Nam đã ký 8 hiệp định thương mại (FTA) và sẽ ký 7 FTA trong vòng 5 năm tới. Với 15 FTA này, Việt Nam có tổng cộng 57 đối tác (trong đó có rất nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Nga, Ấn Độ…), chiếm 95% GDP toàn cầu, 84% thương mại thế giới và 65% dân số. Đây là cơ hội chưa từng có để doanh nghiệp (DN) trong nước mở rộng xuất khẩu với thuế suất 0% sang 57 thị trường này.
 
Vấn đề đặt ra là DN Việt Nam sẽ làm gì để xuất khẩu hàng hóa sang các nước? Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng trước nhu cầu mở rộng không gian kinh tế của các nước, nhất là những nước lớn, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh quan hệ hợp tác, tận dụng cơ hội để bắt tay làm ăn. “Trong thời gian bị EU bao vây cấm vận, Nga rất có nhu cầu nhập khẩu hàng từ các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây chính là thời cơ mà chúng ta phải nhanh chóng nắm bắt!” - bà Nga dẫn chứng.
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) trao đổi với các chuyên gia bên lề tọa đàm Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) trao đổi với các chuyên gia bên lề tọa đàm Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Cộng đồng kinh tế ASEAN có quy mô khoảng 600 triệu dân và tổng GDP 3.000 tỉ USD. Việt Nam đã sống trong cộng đồng ASEAN từ nhiều năm nay và 2015 là thời hạn phải hoàn tất những cam kết cuối cùng. Đại sứ Nguyễn Vũ Tú - Vụ trưởng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Bộ Ngoại giao - cho rằng các DN phải tận dụng các cơ hội kinh doanh ở khu vực này. Theo ông Tú, với việc xóa bỏ hàng rào thuế quan vào cuối năm 2015, Việt Nam sẽ phải tính toán tăng nhập khẩu từ ASEAN, sử dụng đầu vào từ ASEAN để xuất khẩu đi các thị trường khác mà Việt Nam có ký FTA và tăng xuất khẩu vào Campuchia, Lào, Myanmar. “Bước đầu, nhiều DN Việt Nam đã tìm hiểu, đặt quan hệ làm ăn và phát triển thị trường Myanmar. Trước đó là thị trường Lào và Campuchia” - Đại sứ Tú cho biết thêm.
Chúng ta có lợi thế lớn
Theo Bộ Ngoại giao, cái khó hiện nay là các DN, người dân chưa nắm được hết các cam kết chúng ta đã thực hiện trong khối ASEAN. Có những cơ hội rất lớn mà cộng đồng ASEAN đã đề ra, DN các nước ASEAN -  nhất là các nước đang phát triển - rất tích cực chủ động và tìm hướng đi cho họ thì DN Việt Nam dường như vẫn đứng ngoài. DN Việt Nam hướng ra thị trường bên ngoài nhiều hơn thị trường ASEAN và để các DN ASEAN nhảy vào “sân chơi” này.  Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga lưu ý thêm: Khi mở cửa, sức ép cạnh tranh đến lập tức, trực diện và đa chiều. Việt Nam sẽ phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh về hàng hóa, môi trường đầu tư, nguồn lực và cả những ngành đang được bảo hộ, nếu không chủ động tìm hướng đi thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
 
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, băn khoăn: “Liệu 20 năm tới, Việt Nam sẽ có được bao nhiêu DN lớn đủ sức chi phối được chuỗi giá trị sản xuất khu vực, toàn cầu hay chỉ toàn DN “li ti”? Theo ông Thành, trước mắt, DN phải học cách quản trị bất định và rủi ro để tồn tại. Bên cạnh đó, phát huy lợi thế để tiếp cận thị trường. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam có lợi thế lớn trong ASEAN vì ASEAN là cộng đồng mở. Chúng ta cũng mở cửa hơn so với các nước khác trong khu vực nên “chơi” với ASEAN thì phải nghĩ đến thị trường thế giới và khu vực, chơi với khu vực thì phải nghĩ về thị trường 600 triệu dân trong cộng đồng ASEAN. Rất nhiều lĩnh vực hấp dẫn sẽ mở ra cho DN, vấn đề là DN phải tuân thủ luật chơi chung”.
PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO PHẠM BÌNH MINH:
Doanh nghiệp phải chủ động hơn
Thời gian vừa qua, Chính phủ đưa ra rất nhiều chính sách, thể chế pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động. Chính sách đã có nhưng bản thân doanh nghiệp phải chủ động, tận dụng, nắm bắt cơ hội từ chính sách đó. Doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu, sử dụng các biện pháp bảo vệ hợp pháp trong ASEAN, hiểu rõ các quy định trong ASEAN để tận dụng vào hoạt động của mình. Vấn đề pháp lý cũng đặc biệt quan trọng. Chúng ta đã gia nhập WTO và tham gia các hiệp định thương mại thì bao giờ cũng có những biện pháp bảo vệ để tránh cạnh tranh không lành mạnh. Cái chính là doanh nghiệp phải hiểu được việc đó và có các tổ chức tư vấn về pháp lý.
Ý kiến bạn đọc