Rào cản thương mại
Xuất khẩu gạo: Chưa hết rớt giá đã lo rào cản
10/06/2015
 Theo ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) mới đây đã nhận được đơn của Hiệp hội Các nhà sản xuất gạo Mỹ (RPA) yêu cầu giúp đỡ do nghi ngờ gạo của Việt Nam chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất vào thị trường này.
 
Được biết, hiện FDA đã yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra chất lượng gạo Việt Nam nhằm đảm bảo tiêu chí và yêu cầu về các sản phẩm thực phẩm khi nhập khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, một mặt hàng gạo khác của Việt Nam cũng đang nhận được phản ứng từ đối tác Trung Mỹ về chất lượng gạo khi liên quan đến hàm lượng thuốc trừ sâu và hóa chất.
Vướng thêm rào cản chất lượng
Những thông tin mang tính bất lợi được đưa ra trong bối cảnh XK gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu (XK) gạo tăng 7,6% về lượng, nhưng kim ngạch giảm 0,2% khi chỉ đạt 1,04 tỷ USD.
 
Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá giảm mạnh so với các năm trước đã khiến cho giá gạo của Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực, thấp hơn giá gạo của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan từ 30 - 40 USD/tấn. Tuy nhiên, không chỉ là nỗi lo giá gạo giảm mạnh, ông Anh còn lo ngại những yêu cầu về kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng nông sản mà các nước đang đặt ra sẽ khiến cho ngành lúa gạo đứng trước nguy cơ bị thu hẹp, hoặc thậm chí là mất thị trường.
 
Sự sụt giảm mạnh mẽ của giá gạo XK là do cung cầu gạo của thế giới đang có sự dịch chuyển và nguồn cung gạo dồi dào hơn. Ông Chinh cho biết trước sức ép giải phóng hàng tồn kho, Thái Lan đã xuất ra 12 triệu tấn. Một số nước như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar cũng đẩy mạnh XK gạo đã tạo nên một nguồn cung lớn cho thị trường gạo thế giới, khiến cho giá gạo có xu hướng giảm. Tuy nhiên, điều đáng bàn là tại sao giá gạo Việt Nam lại giảm sâu hơn và thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới? Lý giải điều này, ông Chinh cho rằng: "Thực tế giá gạo của Việt Nam chưa bao giờ cao hơn của Thái Lan và các nước khác. Chưa kể, một số nước như Ấn Độ và Pakistan có lợi thế về cước phí vận tải do chủ yếu xuất đi châu Phi, bởi gần Đông Phi và Tây Phi hơn Việt Nam, nên cước phí có giá cạnh tranh hơn. Chúng ta xa địa điểm giao hàng hơn nên có chênh lệch mức giá lớn tới 30 - 40 USD. Chưa kể, nhiều nước công bố giá bán trên mạng thường cao hơn để việc đàm phán, chào hàng được thuận lợi, còn thực tế giá bán thấp hơn".
Sớm hoàn chỉnh định hướng XK
Hiện các DN và nông dân đang chịu sức ép về tiêu thụ do dư thừa nguồn cung và giá thế giới có biến động, trong khi đa số DN đều có quy mô vốn nhỏ. Do đó, ông Chinh cho biết mặc dù có chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ, nhưng lượng lúa hàng hóa quy gạo của vụ Đông Xuân đã lên tới 3,7 - 3,8 triệu tấn, khiến cho DN phải bỏ lượng vốn rất lớn chuẩn bị hàng hóa cho XK. Sức ép vốn cộng thêm sức ép giá cả, cung - cầu thế giới đã khiến cho DN có xu hướng đẩy mạnh XK, dẫn tới giá đàm phán thấp và không được như mong muốn.
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Toại - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, lại chỉ ra nghịch lý của ngành gạo Việt Nam - vốn được đánh giá là "ngon" nhưng lại có giá trị thấp, là do công tác điều hành. Hiện các chính sách, cách thức nhằm xây dựng chiến lược sản xuất, XK phù hợp vẫn chưa có, lại thêm yếu điểm về vốn, đã làm hạt gạo Việt Nam bị mất giá. Dẫn chứng về điều này, ông Toại cho biết 3 năm qua, mỗi năm giá lúa giảm 1.000 đồng/kg. Thu nhập từ trồng lúa giảm mạnh đã khiến cho người nông dân gặp khó khăn trong tái sản xuất, đầu tư thâm canh, đời sống của bà con giảm sút trầm trọng. Trong khi đó, ông Anh thì cho rằng thực tế là có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số DN trong ngành gạo. Ngoài ra, việc nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các bộ ngành liên quan nhằm đảm bảo phát triển bền vững cho hạt gạo vẫn đang là vấn đề được đặt ra.
 
Trước mắt, cần đánh giá lại hoạt động XK gạo nhằm tháo gỡ cho DN và nông dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, việc hướng tới xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam được ông Toại đặt ra như một yêu cầu cần thiết để nâng cao giá trị hạt gạo. Cũng bởi, việc tăng giá lúa gạo sẽ giúp đảm bảo an ninh lương thực và hướng tới XK bền vững. Trong khi đó, dự báo thời gian tới, tình hình XK gạo vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, tạo thêm áp lực cho DN và người nông dân. Ông Anh đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phối hợp cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá lại hoạt động XK trong 4 tháng đầu năm nhằm định hướng cho công tác điều hành thị trường của những tháng tiếp theo, liên quan đến giá sàn, thị trường tập trung, thị trường mới để đảm bảo vai trò điều hành. Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh định hướng XK gạo trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ ngành để quy hoạch lại thị trường và đầu mối XK gạo. Xây dựng chiến lược XK gạo và thương hiệu gạo cũng là yêu cầu cấp thiết được đưa ra nhằm nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.
 
Liên quan đến các tranh chấp thương mại và rào cản kỹ thuật đang đặt ra, ông Anh cũng đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phối hợp cùng Cục Quản lý cạnh tranh có định hướng thị trường từ nay đến cuối năm, đưa ra những cảnh báo và định hướng DN phát triển thị trường. Đồng thời có hỗ trợ tích cực, kịp thời những vụ việc tranh chấp thương mại và có hướng nghiên cứu để bảo vệ thị trường.
http://www.baomoi.com/
Ý kiến bạn đọc