Rào cản thương mại
Đa dạng thị trường, tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản
01/10/2014

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, trong thời gian tới tình hình xuất khẩu nông sản sẽ có khả quan hơn, trong đó có những mặt hàng quan trọng như gạo, thủy sản, lâm sản. Tuy nhiên, có những mặt hàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn và phải có những biện pháp quyết liệt như đối với cao su, thanh long, một số loại rau quả và những mặt hàng tươi sống.

Từ tháng 5/2014, do những căng thẳng trên biển Đông, trao đổi một số loại nông sản hàng hóa giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc gặp khó khăn và xuất khẩu có sự giảm sút. Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, Bộ đã rà soát lại về các thị trường và chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các bộ, ngành có liên quan làm việc với các nước để tháo gỡ những vướng mắc về kỹ thuật cũng như vận động các nước để mở cửa thị trường.“Ở trong nước, chúng tôi làm việc với các hiệp hội, các doanh nghiệp để làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng cố gắng cao nhất để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, chúng tôi cũng rà soát và thông tin cho các địa phương, nhân dân về tình hình thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp về quy mô sản xuất”, Bộ trưởng nói.

Tại cuộc họp báo chiều 27/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng nhận định, dù kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng nhưng đối với thị trường Trung Quốc cũng có sự suy giảm nhiều trong tháng 5 và 6. Khả năng thị trường này đang đứng trước nguy cơ không ổn định vì nông sản xuất nhập chủ yếu là qua đường tiểu ngạch. Phía Trung Quốc cũng đang muốn tăng cường giám sát tiểu ngạch, do đó cần cố gắng hạn chế thấp nhất những rủi ro.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuần, hiện có mấy mặt hàng nông sản phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc như gạo, cao su chiếm khoảng 40% tổng sản lượng xuất khẩu; một số loại như thanh long, vải, bột sắn chiếm tới 80% thị phần nên phải xử lý linh hoạt đối với thị trường này.“Chúng ta cũng đã cử nhiều đoàn công tác sang các nước nước để đàm phán mở rộng thị trường, với từng cây con cụ thể để tránh phụ thuộc vào một thị trường nào đó. Việc đa dạng hóa thị trường là cần thiết, tuy nhiên muốn vào được thị trường khó tính phải giải quyết được các rào cản kỹ thuật, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu từ các nước nhập khẩu”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,96% (so với 2,14% của năm 2013). Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại của ngành đạt 4,5 tỷ USD.

Để thích ứng với biển đổi của thị trường, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm trong toàn ngành nông nghiệp, với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành là khâu đột phá, cố gắng duy trì sự tăng trưởng GDP cả năm 2014 theo mục tiêu được giao là 3%.

Hiện ngành nông nghiệp đang triển khai quyết liệt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nhằm phục hồi tốc độ tăng trưởng toàn ngành. Đến nay, Bộ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu 6 lĩnh vực gồm: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2014, Bộ sẽ chỉ đạo chuyển đổi khoảng 80 – 90.000 ha đất hiệu quả thấp sang các cây trồng hàng năm như: ngô, đậu tương, vừng, lạc và rau màu khác. Bộ đã lựa chọn cây ngô làm cây ưu tiêu để tập trung phát triển sản xuất nhằm tạo ra chuyển biến.Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện đã có giống ngô năng suất cao, các giải pháp kỹ thuật phù hợp và Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho nông dân.Vấn đề chính là làm rõ về quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, kết nối về thị trường để nông dân yên tâm sản xuất.Đối với miền Bắc, nhiều nơi đã trồng ngô nhưng năng suất còn thấp, cần tập trung hướng dẫn cho nông dân các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để khi trồng đạt năng suất cao, có lãi trong điều kiện thị trường hiện tại.

Ý kiến bạn đọc