Rào cản thương mại
Xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam. Cơ hội và thách thức
30/09/2014
 Theo tài liệu của Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao), qua gần 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể, đóng góp cho sự phát triển chung của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do sự yếu kém nội tại và do những trở ngại từ chính sách bảo hộ của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là chính sách thương mại không công bằng mà nhiều nước phát triển áp dụng đối với mặt hàng nông thủy sản của các nước đang phát triển.
            Thực tế đó đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi trong chính sách xuất khẩu nông thủy sản theo hướng chủ động, linh hoạt, đảm bảo chuẩn bị tốt cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững trong điều kiện tự do hóa thương mại.
Thực trạng xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam
            Thành tựu: Theo Bộ Công Thương, ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng nông thủy sản Việt Nam năm 2104 sẽ đạt khoảng 21 tỷ USD (tăng 5,8% so với năm 2013). Năm 2001 chỉ có mặt hàng thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tổng kim ngạch xuất khẩu là 18,7 tỷ USD chiếm 94,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nhóm các mặt hàng nông thủy sản.
          Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay đang chiếm giữ vị thế cao trên thị trường quốc tế như hạt điều, hạt tiêu (thứ nhất thế giới); gạo, cà phê (thứ hai thế giới); chè (thứ sáu thế giới)… và các mặt hàng khác đang có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong tương lai như các loại rau, củ, quả, hoa tươi… Bên cạnh đó, số lượng thị trường xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam cũng tăng đều đặn. Năm 2008, nông thủy sản Việt Nam mới có mặt tại 107 thị trường trên toàn cầu, đến năm 2010 là 117 thị trường và năm 2013 là 129 thị trường. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm thêm bạn hàng mới trên các thị trường truyền thống, thâm nhập và mở rộng thị trường mới ở khắp các châu lục, kể cả các thị trường còn chưa tiềm năng và có khoảng cách địa lý khá xa so với Việt Nam.
          Hiện nay, thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc là 31,2% và chiếm 20,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tuy nhiên, thị trường này đứng trước nguy cơ không ổn định do nguồn cung trên thế giới tăng, kéo theo giá xuất khẩu giảm hoặc do nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc giảm mạnh đối với một số ngành hàng như cao su, sắn…  nên kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm.
          Sau Trung Quốc là các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… có xu hướng nhập khẩu ngày càng nhiều các sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam với tỷ trọng ngày càng tăng. Các thị trường này đều là những thị trường khó tính, có các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam đã vượt qua được hàng rào chất lượng khắt khe như hạt tiêu, hạt điều, thanh long…, đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm định và được chấp thuận cho phép nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường.
            Thách thức: Sau 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể. Tăng trưởng GDP nông nghiệp có xu hướng giảm dần: GDP nông lâm thủy sản tăng bình quân giai đoạn 1996 – 2000 là 4,01%; giai đoạn 2001 – 2005 là 3,83%; giai đoạn 2006 – 2010 là 3,03% và giai đoạn 2009 – 2013 là 2,9%.
          Đối với nông sản, tuy sản lượng chính vụ cao nhưng tiêu thụ chậm và giá thành thấp. Các mặt hàng thủy sản trong xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn do các rào cản về kỹ thuật… Nhiều HTX, tổ hợp tác trong sản xuất các sản phẩm chủ lực của ngành vẫn chưa làm tốt vai trò liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, chưa tập hợp được nhiều nông dân tham gia, ngành nghề hoạt động còn đơn điệu. Tình trạng xuất khẩu nông thủy sản hiện nay ở Việt Nam là “được mùa, mất giá” do công tác quy hoạch vùng nguyên liệu chưa được triển khai đồng bộ dẫn đến giảm sút về chất lượng sản phẩm và hiệu quả xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu là nông sản thô, giá trị thấp do các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá thề sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao chưa được thực hiện đồng bộ.
          Có thể nói, tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam chủ yếu nhờ vào tăng khối lượng chớ không phải tăng giá. Năm 2012, giá trị gạo xuất khẩu chỉ tăng 0,4% nhưng khối lượng tăng đến 12,7% so với năm trước đó. Khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp, nhiều ngành nông nghiệp mất dần lợi thế cạnh tranh.
          Giai đoạn gần đây, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại, trong đó có các mặt hàng nông thủy sản mà Việt Nam có lợi thế, khiến việc tìm kiếm thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu thế giới không cao do kinh tế phục hồi chậm, gia tăng áp lực cạnh tranh. Hiện nay Việt Nam chỉ mới chú trọng cạnh tranh bằng giá, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ là cạnh tranh phi giá, các quy định kỹ thuật thuộc nội khối như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa… là các rào cản cho hàng hóa nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm.
          Bên cạnh đó, khu vực nông thủy sản gặp vấn đề về thiếu vốn đầu tư do đây không phải là lĩnh vực hấp dẫn. Các ngân hàng chưa hào hứng cho vay, ngay cả với khối ngân hàng quốc doanh, ngoại trừ Agribank (có tỷ trọng cho vay khu vực nông nghiệp lên đến 70% tính đến cuối tháng 10/2013 với dư nợ hơn 365.000 tỷ đồng), thế nhưng Agribank cũng là ngân hàng có nợ xấu thuộc loại cao nhất Việt Nam, lên đến hơn 12%.
          Chậm cải cách hành chính cũng là rào cản khiến cho hoạt động xuất khẩu nông thủy sản gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề về chính sách hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản chưa đồng bộ, tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn, thiếu kinh phí xúc tiến quảng bá sản phẩm, cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp chưa hiệu quả… là những nguyên nhân chính khiến cho hoạt động xuất khẩu nông thủy sản gặp nhiếu trở ngại.
Các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
            Để thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam trong thời gian tới, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao, trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế đất nước, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
          1. Cần xác định lợi thế so sánh của Việt Nam, chọn ra một số mặt hàng mang tính chất chiến lược để đầu tư đồng bộ, để có chuỗi ngành hàng từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ có giá trị gia tăng cao. Hơn hết, cần sớm đề ra các biện pháp đồng bộ quy hoạch vùng nguyên liệu để đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm và ổn định sản lượng sản phẩm xuất khẩu. Trong quy hoạch trung và dài hạn, Việt Nam cần có chiến lược và giải pháp đồng bộ từ thị trường tiêu thụ cho đến lưu thông, chế biến, khâu kỹ thuật, tổ chức sản xuất và cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất và chia sẻ lợi tức bán hàng với nông dân. Chúng ta cần thay đổi cách tư duy, theo đó xây dựng nền công nghiệp nông thủy sản dựa trên nhu cầu của khách hàng hơn là các giải pháp lâu nay bắt đầu tư sản xuất.  

            Nói cách khác, cần xác định được người mua hàng, nhu cầu, sản phẩm có giá trị gia tăng…. Từ đó mới điều chỉnh cách chế biến để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, quy hoạch diện tích sản xuất và chọn lựa gói kỹ thuật cũng như nơi trồng nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
          2. Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa giá trị gia tăng kịp thời, theo hướng: (i) Tiếp tục duy trì các biện pháp ưu đãi đầu tư với các hình thức miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất và các hình thức ưu đãi khác, nhưng cần loại bỏ các tiêu chí về khuyến khích xuất khẩu và ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước; (ii) Tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ công nghiệp chế biến; (iii) Tiếp tục áp dụng biện pháp ưu đãi thuế thu nhập đối với các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại giống mới, dự án phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
          3. Cần có chiến lược, định hướng rõ ràng, phù hợp để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp. Các cơ chế ưu đãi, chính sách về quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nông thủy sản cho các dự án thu hút đầu tư cần được rà soát và thúc đẩy thực hiện trên thực tế. Hiện nay, nguồn vốn tín dụng cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ các nguồn: Agribank, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng người nghèo, các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia và nguồn của một số ngân hàng cổ phần hoạt động ở nông thôn… nhưng vẫn chưa đáp ứng được đủ nhu cầu của nông dân và doanh nghiệp.
          Do vậy, cần phát triển mở rộng phần cung của thị trường vốn tín dụng tại các vùng nông nghiệp theo hướng: (i) Xem xét xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng có nguồn vốn Nhà nước; (ii) Hướng dẫn kênh hỗ trợ vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án đầu tư tạo giống, sản xuất sản phẩm xuất khẩu; (iii) Xem xét phân bổ một phần vốn ODA vào đầu tư hạ tầng triển khai các dự án FDI về mía đường, cây công nghiệp dài hạn, trồng rừng…
          4. Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học vào thực tiễn, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệpchất lượng cao, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông thủy sản. Cần chú trọng tập trung vào các công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến theo hướng: (i) Đối với dây chuyền công nghệ phức tạp, vượt quá khả năng tự tạo trong nước, cần làm tốt khâu lựa chọn, tiếp nhận và làm chủ công nghệ từ nước ngoài; (ii) Đối với dây chuyền công nghệ không quá phức tạp, có nhu cầu lớn trong nước, cần liên kết lực lượng trong nước, tập trung giải quyết đồng bộ từ nghiên cứu đến phát triển để có công nghệ ổn định, giá cả hợp lý để sớm nhân rộng, phổ biến trong nước.
          5. Tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm nông nghiệp quốc gia.
          6. Phát triển nguồn nhân lực. Để khắc phục những yếu kém và nâng cao tính hấp dẫn của nguồn nhân lực trong các hoạt động xuất khẩu nông thủy sản, Nhà nước cần có chính sách xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng lao động làm việc. Chính quyền tỉnh hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông thủy sản tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn đội ngũ lao động trực tiếp và lao động gián tiếp cả về kiến thức ngoại ngữ, chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Phát triển hệ thống đào tạo nghề ở nông thôn, hệ thống khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức kinh tế, kiến thức về thị trường cho người lao động tại chỗ.
          Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta đang đứng trước cơ hội để bứt phá trong việc xuất khẩu nông thủy sản để đưa Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp chất lượng cao, chiếm lĩnh thị trường thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định TPP, các sản phẩm của Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, cà phê, lúa gạo… sẽ có cơ hội xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng mà các nước cạnh tranh chính như Thái Lan, Ấn Độ không có, vì chưa tham gia đàm phán TPP.
          Để tận dụng cơ hội này, trước hết, Việt Nam cần có quyết tâm chính trị trong việc ban hành những chính sách cụ thể và đầu tư đủ mạnh, có trọng điểm cho nông nghiệp để nhanh chóng phát triển thành một nền nông nghiệp tiên tiến, có giá trị gia tăng cao. Để thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản, trước mắt, Việt Nam cần phải có những điều chỉnh cả về thể chế và chính sách để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp phát huy nội lực, lấy doanh nghiệp làm trung tâm với vùng nguyên liệu được quy hoạch đồng bộ, nông thủy sản xuất khẩu có chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu./.

Theo: Sở Công Thương tỉnh Long An
Ý kiến bạn đọc