Rào cản thương mại
Doanh nghiệp thủy sản lao đao vì rào cản thương mại
22/09/2013

Những rủi ro từ rào cản thương mại đã và đang đẩy Thủy sản Minh Phú và Công ty Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico vào cảnh "đã nghèo còn gặp eo".

Khó chồng khó

Cuối tháng 5, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Theo đó, DOC cho rằng, Thủy sản Minh Phú và Nha Trang Seafoods đều nhận được những khoản trợ cấp của Chính phủ nên đưa ra biên độ thuế trợ cấp áp cho Minh Phú là 5,08%, Nha Trang Seafoods 7,05%. Các công ty khác áp thuế ở mức 6,07%.

Dù đây chỉ là mức thuế tạm tính và sẽ còn chờ phán quyết cuối cùng vào tháng 8 này, nhưng phía Minh Phú nói riêng và các doanh nghiệp thủy sản nói chung vẫn rất bất bình. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Minh Phú cho biết, đây là mức thuế không hợp lý vì doanh nghiệp không nhận trợ cấp từ Chính Phủ. Ngay cả vay vốn, doanh nghiệp cũng tự xoay sở để có mức lãi hợp lý với điều kiện kinh doanh của công ty. Phía Minh Phú tính toán, nếu thuế chống trợ cấp tôm vẫn áp dụng, tác động từ rào cản thương mại này lên Minh Phú sẽ rất lớn. Bởi trước nay, Minh Phú không bị thuế này. Nay áp dụng, cùng với thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ như Minh Phú thêm nặng gánh.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, thiệt hại dễ thấy nhất là khách hàng Mỹ sẽ tìm cách hạ giá mua tôm để bù vào chi phí thuế phát sinh. Nếu ở thời điểm làm ăn thuận lợi, đầu vào và đầu ra ổn định, doanh nghiệp có thể "ráng gồng" để hạ giá, giữ thị trường. Nhưng trong điều kiện giá tôm xuất khẩu đã giảm 40-60% suốt năm qua và nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm do hội chứng tôm chết sớm EMS, hạ giá đầu ra đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xuất khẩu tôm giảm lời, thậm chí thua lỗ.

Theo giới phân tích, nếu Minh Phú không chấp nhận giảm giá thì công ty có thể bị mất khách hàng, suy giảm doanh thu và thị phần. Theo Báo cáo thường niên của mình, Minh Phú là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm hơn 15% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Minh Phú, chiếm 32,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Trên thực tế, Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2013 của Minh Phú cho thấy, doanh thu của công ty đã giảm hơn 10,5% trong quý I/2013. Giá vốn tăng so với cùng kỳ, chiếm gần 90% doanh thu thuần. Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong quý I/2013 của Minh Phú đã giảm 72,1% so với cùng kỳ, còn 17,8 tỷ đồng.

Như vậy, kể từ quý II/2012 đến nay, dù doanh thu đạt hàng ngàn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của Minh Phú qua từng quý lại luôn dưới mốc 20 tỷ đồng. Một kế hoạch kinh doanh khiêm tốn cho năm 2013 đã được vạch ra. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2013, lãnh đạo Minh Phú lý giải, công ty cần tìm cách thu hút khách hàng qua chiến lược giá hợp lý, có tính cạnh tranh. Từ đây, Minh Phú sẽ mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú ý nhiều hơn đến thị trường Trung Quốc và Nga.

Thay đổi ngành hàng

Nếu như Minh Phú cương quyết "chiến đấu" và có nhiều hy vọng về khả năng "xóa án" thì Tổng Công ty cổ phần Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico (KSD) lại rơi vào tình cảnh thê thảm hơn. Ngày 16/1/2013, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã có phán quyết cuối cùng về mức thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá áp dụng cho mặt hàng mắc áo thép nhập từ Việt Nam. Theo đó, KSD chịu mức thuế chống trợ cấp là 31,58% còn thuế chống phá giá là 220,68%. Tính ra, tổng mức thuế mà KSD phải chịu khi xuất khẩu vào Mỹ là 252,26%. Với KSD, đây là mức áp thuế cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2011, KSD từng chịu thuế chống trợ cấp là 11,04%. Đến 29/5/2012, DOC nâng mức thuế này lên 21,25%. Còn mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho KSD kể từ 30/7/2012 là 187,51%. Giới phân tích khẳng định, đây đều là những mức thuế cao chót vót, tác động xấu đến kết quả kinh doanh và thường khó có doanh nghiệp nào trụ nổi với mức thuế này. Theo chia sẻ của đại diện KSD, sản xuất và xuất khẩu mắc áo thép vào Mỹ là "nồi cơm" chính của KSD, với 90% doanh thu từ xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng kể từ khi phía Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên KSD, doanh thu liên tục sụt giảm, còn 8 triệu USD trong năm 2011 và 4,5 triệu USD vào năm ngoái. KSD chỉ còn nắm 3% thị phần tại Mỹ. KSD đã thua lỗ liên tiếp 2 năm 2011, 2012. Trong năm 2012, giá vốn chiếm đến hơn 98,5% doanh thu. Khoản lãi gộp đã không đủ bù các chi phí tài chính cũng như chi phí khác.

Lãnh đạo KSD dường như đã tìm hướng đi khác bằng cách tăng cường đầu tư tài chính dài hạn. Theo Báo cáo tài chính của công ty, trong năm 2011 KSD đã rót thêm tiền vào 2 công ty con là Linh Sa Hamico và Xuất khẩu Nam Á Hamico, từ mức 19,8 tỷ đồng (năm 2010) lên 36,8 tỷ đồng (năm 2011). Tuy nhiên, KSD đã phải trích dự phòng giảm giá đầu tư này và đến cuối năm 2012, theo thuyết minh tại Báo cáo tài chính 2012, KSD đã phải ghi nhận khoản lỗ hơn 29 tỷ đồng từ thanh lý các khoản đầu tư.

Năm 2013, trong tài liệu gửi ĐHCĐ thường niên (dự kiến tổ chức 24/6), lãnh đạo KSD sẽ trình bày một kế hoạch khác. Theo đó, công ty chủ trương tìm ngành hàng mới thay thế sản phẩm mắc áo như mặt hàng mây tre đan, dây thép mạ kẽm để xuất khẩu. Riêng với mặt hàng mắc áo quần, KSD sẽ không xuất vào Mỹ mà chuyển qua xuất khẩu vào các thị trường khác như Mexico, Nhật Bản. Bên cạnh đó, KSD còn dự trù tìm đối tác cho thuê lại nhà xưởng, máy móc không sử dụng và cho thuê phương tiện vận tải của KSD, chuyển hướng đầu tư sang Lào.

Tuy nhiên, để thực hiện những thay đổi này, KSD cần huy động thêm vốn. Theo kế hoạch, KSD trình cổ đông phương án phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu với giá 1.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ 7,5 tỷ đồng huy động được sẽ dùng bổ sung vốn lưu động, giúp công ty vượt qua khó khăn và có vốn chuyển hướng hoạt động, đầu tư. Theo thông tin công bố thì phía KSD đã tìm được 2 đối tác chịu bỏ tiền mua số cổ phần này là Công ty cổ phần Thái Bình (đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu) và Công ty cổ phần Tư vấn quản lý Á Châu (2 triệu cổ phiếu).

Vấn đề nhà đầu tư lo ngại là tính hiệu quả của các kế hoạch kể trên. KSD đã vạch kế hoạch, nhưng những giải pháp cụ thể, các cơ sở thực thi lại chưa thấy đề cập. Có lẽ đây sẽ là một trong những vấn đề nóng được cổ đông chất vấn trong kỳ đại hội cổ đông sắp tới của KSD. Được biết, KSD không có cổ đông lớn và giá cổ phiếu của KSD đang giao dịch trong mức 1.600-1.700 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, vì thua lỗ 2 năm liên tiếp, cổ phiếu KSD đã rơi vào diện bị kiểm soát. 

Ý kiến bạn đọc