Rào cản thương mại
Doanh nghiệp Việt: Thua thiệt vì hàng rào bảo vệ kém
30/09/2015
 Muốn xuất hàng phải qua nhiều cửa
Mặc dù là một nước nông nghiệp với tỷ trọng chăn nuôi ngày càng tăng, nhưng đến nay mới chỉ có 5 loại sản phẩm có nguồn gốc động vật của Việt Nam xuất khẩu tương đối ổn định, đó là mật ong (trung bình mỗi năm xuất 30.000 - 35.000 tấn), các sản phẩm sữa chế biến của Vinamilk, TH milk; trứng muối, trứng tươi và thịt (chủ yếu xuất tiểu ngạch thịt heo sang Trung Quốc).
Ông Đàm Văn Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm), cho  biết: “Công ty có tiếp xúc một số khách hàng tại Hồng Kông, nhưng tiêu chuẩn rất gắt gao. Chẳng hạn, trứng xuất khẩu phải lấy từ các trang trại được kiểm soát dịch bệnh, phải có hàm lượng kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép và hàng loạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn dịch bệnh và thực phẩm khác”. Còn ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại Nguyễn Hồ tại Tiền Giang, cho biết: “ Năm qua, trang trại đã xuất khẩu thành công nhiều lô hàng trứng cút đi Nhật. Yêu cầu của Nhật hết sức khó khăn. Cụ thể, việc nuôi chim cút phải đảm bảo các yêu cầu an toàn sinh hoạt, không có dư lượng kháng sinh trong trứng. Trứng cút sau khi luộc xong lòng đỏ phải nằm giữa trứng (không được nằm lệch một bên), trứng đóng lon sau khi mở ra sử dụng lòng đỏ không được có màng màu đen… Trước khi container đưa sang Nhật còn phải có người kiểm tra, gửi mẫu, đạt các tiêu chuẩn mới cho nhập khẩu vào”.
 
Sản phẩm thịt của Việt Nam hoàn toàn không xuất khẩu được chính ngạch mà chủ yếu chỉ xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc với số lượng hạn chế, không ổn định. Cuối năm 2014, thị trường Nga gặp biến động và nước ngày ngỏ ý muốn nhập 500 nghìn tấn thịt heo của Việt Nam. Tuy nhiên, do giá thành thịt heo Việt Nam cao, doanh nghiệp trong nước cũng không đáp ứng được những yêu cầu rất cao từ Nga nên Nga quay sang mua của Thái Lan.
 
Xuất khẩu không được, ngành chăn nuôi Việt Nam còn rất chật vật ngay trên sân nhà vì phải cạnh tranh với nguồn thịt ngoại nhập tràn về. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2014, Việt Nam nhập chính ngạch 250.000 con trâu, bò sống, nếu tính luôn lượng nhập qua biên giới 50.000 con thì tổng cộng trâu, bò sống nhập khẩu lên đến 300.000 con. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhập hơn 3.200 tấn thịt heo đông lạnh, 90.000 tấn thịt gia cầm, dê, cừu.
 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, Âu Thanh Long, nhận định, thị trường nội địa tràn lan thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc động vật, trong khi sản phẩm tương tự của Việt Nam lại hết sức nhọc nhằn tìm đường xuất ngoại. Thậm chí, thị trường nội địa lại hết sức dễ dãi, hoàn toàn không có một rào cản nào để bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước, đặc biệt là sản phẩm thị gà. Nước ngoài họ không sử dụng đùi, cánh gà nên chúng được coi là phụ phẩm, nhưng nó lại được nhập về Việt Nam thoải mái. Ngay cả thịt gà đẻ quá lứa cũng được nhập về. Chính vì chúng ta quản lý không chặt nên thịt ngoại mặc nhiên tung hoành khiến chăn nuôi trong nước thua lỗ.
Cần áp dụng bảo hộ linh hoạt
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, đến năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu nông sản từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% (hiện nay là 5%). Ngành chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan, một nước rất mạnh trong lĩnh vực này. Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng giám đốc Công ty chăn nuôi cổ phần Việt Nam cho biết: “Thái Lan đã định hướng ngành chăn nuôi đẩy mạnh xuất khẩu từ cách đây rất lâu. Một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU là vùng nuôi phải an toàn dịch bệnh, không tiêm vắc xin trên sản phẩm chăn nuôi. Chính vì lấy tiêu chuẩn xuất vào châu Âu để áp dụng cho ngành chăn nuôi trong nước nên đến nay, Thái Lan đã xuất khá nhiều thịt vào các thị trường khó tính. Đồng thời, hàng rào kỹ thuật này đã ngăn thịt đông lạnh từ các nước không thể thâm nhập thị trường Thái Lan. Khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan thì nguồn thịt từ Thái Lan có thể sẽ gây áp lực đến thị trường Việt Nam.
 
Các chuyên gia đều đưa ra quan điểm cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Theo ông Nguyễn Bình Giang, Trưởng phòng Nông lâm, thủy sản Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các rào cản kỹ thuật đang tồn tại đối với xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu ở nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Việc thiết lập công cụ bảo vệ doanh nghiệp nội địa bằng hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành.
 
Chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành cho rằng, các hàng rào kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ an toàn an ninh quốc gia nên được quan tâm chú trọng. Tham khảo các vụ kiện chống bán phá giá của các quốc gia phát triển áp dụng đối với hàng xuấtk hẩu của Việt Nam có thể thấy, các nước đều vận dụng khá khéo léo công cụ này.
 
Theo chuyên gia Robert Trần, công bằng nhất và dễ nhất là Việt Nam nên tham khảo hàng rào tự vệ tại các quốc gia đang có tỷ lệ “ngăn sông cấm chợ” đối với hàng Việt Nam nhiều nhất để tạo lập hàng rào cho riêng mình. Cần tham khảo ý kiến nhiều doanh nghiệp trong nước để hoàn chỉnh và hàng rào cần được điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp thực tế.
 
Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham khảo Luật Nông nghiệp mới của Mỹ được ban hành từ tháng 2/2014, để xem cách thức kiểm soát và quy định đối với toàn bộ chuỗi sản xuất từ nuôi, vận chuyển, chế biến, đến xuất nhập khẩu của Mỹ. Về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cần tham khảo quy định của Úc, Nhật Bản. Việt Nam nên tham khảo các nước nhưng phải đi từ thực tế trong nước để làm sao vừa có lợi vừa nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.
 
Việc xây dựng hàng rào tự vệ có thể bắt đầu từ 2 nhóm: Nhóm hàng Việt Nam đang chiếm thị phần lớn trong nước, sản phẩm hoàn toàn có thể sản xuất tại Việt Nam; các nhóm hàng mà doanh nghiệp nội chiếm thị phần không lớn nhưng Việt Nam có khả năng sản xuất được để thay thế hàng nhập khẩu.
 
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, sự phối hợp các bộ, ngành trong dựng hàng rào phải nhịp nhàng. Đừng theo kiểu mạnh ai nấy làm như cách xây dựng một số dự thảo luật vừa qua, khiến các quy định chồng chéo, thậm chí trái ngược nhau về cách hiểu, gây khó cho doanh nghiệp. Còn theo ông Giang, các cơ quan chức năng cần thường xuyên cập nhập thông tin về TBT, đẩy mạnh tuyên truyền về các cơ hội và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, nhất là đối với các hàng rào kỹ thuật của các thị trường chủ yếu (Nhật, Mỹ, Nga, ASEAN, EU) và đối với các sản phẩm xuất khẩu quan trọng như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản thực phẩm. Cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và quản lý nhập khẩu một cách đồng bộ, hiệu quả, ngăn chặn kịp thời việc nhập khẩu máy móc thiết bị và công nghệ lạc hậu, có khả năng làm tổn hại môi trường tiêu hao năng lượng, nguyên liệu. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/

Ý kiến bạn đọc