Hôm qua (24/2) trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ông Christoph Wiesner, đại biện lâm thời phái đoàn Ủy ban châu Âu (EC) ở Việt Nam cho biết: EC đã quyết định áp thuế chống bán phá giá sơ bộ 16,8% đối với mặt hàng giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Peter Mandelson cho biết: Điều tra của EC đối với những khiếu nại về việc bán phá giá giày da của Trung Quốc và Việt Nam đã tìm ra "bằng chứng hiển nhiên về sự can thiệp của Nhà nước, việc bán phá giá và tổn hại do việc bán phá giá gây ra".
Theo đó, thuế chống bán phá giá đối với giày dép của VN dự kiến thực hiện từ ngày 7/4 năm nay với mức 4 mức: “khởi điểm” là 4%; tiếp theo tăng lên 8,4% từ ngày 2/6, rồi 12,6% từ 17/7 và 16,8% từ 25/9.
Ông Christoph Wiesner cho biết đến giai đoạn cuối cùng (ngày 25/9), các bộ trưởng của 25 nước thành viên EU sẽ lại bỏ phiếu quyết định xem có nên tiếp tục duy trì cơ chế thuế chống phá giá đối với mặt hàng giày da của VN cũng như Trung Quốc trong 5 năm tới hay không.
Cũng theo người đại diện của EC, một điều may mắn cho Việt Nam là EC đã quyết định loại giày trẻ em và giày thể thao công nghệ cao khỏi kế hoạch đánh thuế chống bán phá giá sau khi lắng nghe ý kiến vận động hành lang của các nhà nhập khẩu và bán lẻ giày ở châu Âu. Như vậy có khoảng 30% tổng số giày của các DN VN vào EU sẽ bị đánh thuế.
“Các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá” - Đó là khẳng định của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Thương mại ngay sau khi có phán quyết trên. Việc áp thuế chống bán phá giá sơ bộ của EC theo bà Loan là không phản ánh đúng thực tế.
Lý giải nguyên nhân vì sao giá thành của giày da Việt Nam rẻ, bà Loan cho biết là do giá nhân công rẻ và công nghệ hiện đại. Các DN sản xuất giày da Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc kinh tế thị trường và họ được tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng. Chính phủ Việt Nam không can thiệp và không trợ giá cho hoạt động kinh doanh của các DN.
Kể từ hôm nay (24/2), phía Việt Nam sẵn sàng thảo luận với EC để tìm một giải pháp "chấp nhận được" cho cả hai bên trong vụ kiện này. Bà Loan kết luận.