Tập đoàn thép Mỹ (U.S. Steel) cùng các công ty sản xuất thép khác nói Hàn Quốc ngày càng thích mua phôi thép rẻ tiền TQ, sản xuất rồi xuất qua Mỹ với giá bán rất rẻ. Nên các công ty Mỹ muốn chính quyền áp thuế lên thép Hàn, như Mỹ đã đánh thuế lên 99 mức giá thép ống TQ hồi năm 2010. Bà Debbie Shon, một chuyên gia mua bán của U.S. Steel, nói: “Đang có nguồn thép dư thừa trên toàn cầu, mà 1/3 sản lượng thừa này là do TQ sản xuất. Nó phải được xuất đi đâu đó”.
Chính phủ Hàn Quốc hồi âm, rằng họ sử dụng nguồn nội địa để làm thép ống cho công nghiệp dầu khí và thực tế là họ có tranh thủ cơ hội thị trường lập ra, khi Mỹ áp mức thuế cao lên thép TQ. Hàn Quốc còn nói: nguồn cung phong phú của TQ cho phép giảm giá thép bán qua Mỹ. Vì thế, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Trong 5 tháng đầu năm nay, thép Hàn nhập vào Mỹ tăng 74% so với một năm trước, đạt 1,1 triệu tấn. Trong cùng kỳ, tổng lượng thép Mỹ nhập khẩu chỉ tăng 36%.
Theo tờ Wall Street Journal, TQ sản xuất thép vượt quá nguồn cầu. Năm ngoái, họ xuất khẩu 51,7 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2012. Hiện Hàn Quốc là khách hàng mua thép TQ nhiều nhất: nhập thép TQ vào Hàn Quốc tăng 29 % đạt 5,3 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2014. Luật sư thương mại Roger Schagrin nói: “Có rất nhiều thép TQ được xử lý ở Hàn Quốc, rồi nước này xuất khẩu qua các thị trường trên thế giới”.
Bắc Kinh nói họ không hề trợ giá thép xuất khẩu, và ngành thép Mỹ đang “vòi vĩnh” chính phủ bảo hộ. “Mỹ nên mở cửa thị trường và không bảo vệ một vài nhà sản xuất không có năng lực cạnh tranh”, là lời Li Xinchuang, chủ tịch một tổ chức nghiên cứu nghành thép TQ được chính phủ tài trợ. Hàn Quốc thừa nhận nguồn cung phong phú của TQ đang tác động đến thị trường thép. Nhưng Hyundai Hysco Co và Nexteel Co (hai công ty Hàn Quốc bị các nhà sản xuất Mỹ soi) xuất qua Mỹ toàn thép cuộn “không phải từ TQ”, theo Kim Youngjae, một quan chức ở Sứ quán Hàn Quốc tại Washington.
Hàn Quốc nói giá bán thép ống của các công ty của họ thấp và “hút” người Mỹ, vì ngành thép có tính cạnh tranh cao và thép cuộn thì quá nhiều. Luật sư của Hysco và Nexteel đều đồng ý với quan điểm của chính phủ Hàn Quốc. Các quan chức Hàn Quốc nói họ sẽ xem xét tất cả các lựa chọn, nếu Mỹ áp mức thuế cao lên thép Hàn, gồm cả “cứu cánh cuối cùng” là kháng nghị quyết định áp thuế của Mỹ ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hàn Quốc cũng khẳng định họ không hề trợ giá thép.
Nhưng Tổng giám đốc U.S. Steel, ông Mario Longhi bức xúc nói: “Chính phủ Hàn Quốc trợ giá đủ thứ. Trước tiên họ lập xí nghiệp, mua thiết bị xịn nhất, huấn luyện nhân công, rồi họ bắt đầu học thêm công nghệ rồi bắt đầu xem thường các đối thủ cạnh tranh”. Ông Leo Gerard, chủ tịch công đoàn thép Mỹ, nói: “Các công ty và các nhân công đấu tranh đã nhiều. Nhưng chúng tôi không đấu tranh cho sự sống còn của chúng ta. Bộ Thương mại Mỹ nên đánh một mức thuế vào thép Hàn, như đã đánh lên thép TQ, vì “đã làm cái điều tồi tệ mà người TQ đã làm”.
Tập đoàn U.S. Steel hồi tháng 5 cũng tuyên bố mạnh: sẽ đóng cửa vô thời hạn các nhà máy thép hai bang Pennsylvania và Texas kể từ tháng 8 tới, nếu Bộ Thương mại Mỹ không áp thuế cao lên thép Hàn nhập vào Mỹ. Tuy nhiên, khách hàng Mỹ mua thép Hàn nói họ không quan tâm nguồn thép từ đâu nhập vào Mỹ. Công ty nhập khẩu - phân phối Sim-Tex nói: “Đánh thuế có nghĩa người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi nhiều tiên hơn để mua sản phẩm thép. Và nếu chúng không từ Hàn Quốc nhập vào, thì chúng tôi cũng sẽ mua ở nước khác”.