Ở Việt Nam, hoạt động M&A các DNNN nhằm thoái vốn đã bắt đầu được triển khai hơn 20 năm với những bước đi thử nghiệm và sau đó được phát triển rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, việc thoái vốn trong các DNNN chưa mang lại được nhiều kết quả như mong muốn và bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết sau khi thực hiện chuyển đổi.
Tài chính trong thoái vốn
Các DNNN khi thực hiện thoái vốn thường vẫn còn rất nhiều khoản nợ khi chuyển đổi. Thật ra, vấn đề xử lý các khoản nợ khi chuyển đổi của các DNNN đã được hướng dẫn trong Nghị định 109/2008/NĐ-CP về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Nghị định 189/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Nhưng trên thực tế, vấn đề kế thừa hoặc không kế thừa trách nhiệm nợ của DNNN và doanh nghiệp mới vẫn chưa được giải quyết triệt để, tạo nỗi lo lớn cho các cơ quan quản lý, các chủ nợ - chủ yếu là các ngân hàng và chính các doanh nghiệp.
Sự khác biệt quan trọng nhất đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trước và sau chuyển đổi chính là vấn đề vốn. Trước đây, Nhà nước đầu tư vốn và giao vốn cho DNNN khi thành lập và tùy khả năng ngân sách, Chính phủ (Bộ Tài chính) quyết định đầu tư bổ sung vốn hàng năm cho một số DNNN (tùy thuộc lĩnh vực kinh doanh) dưới hình thức bổ sung vốn lưu động.
Sau khi chuyển đổi, do lợi thế này không còn, nên doanh nghiệp bị hạn chế, nguồn vốn ở bên ngoài trở nên đặc biệt quan trọng. Ngân hàng đóng vai trò là trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn tín dụng. Sau đó, ngân hàng có thể giúp doanh nghiệp quản lý vốn tại các tài khoản mở tại ngân hàng.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động sau này, đối với các công ty cổ phần, khi có nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh, công ty có thể huy động vốn bằng nhiều cách, như vay vốn tín dụng ngân hàng hay tiến hành phát hành cổ phiếu, trái phiếu... Hơn nữa, trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng là bảo lãnh thanh toán, thực hiện hợp đồng cho doanh nghiệp.
Như vậy, với sự tham gia của các ngân hàng thương mại và đặc biệt là nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng, các DNNN có thể có nhiều thuận lợi trong quá trình thoái vốn nhà nước
Lao động và tổ chức chính trị hậu M&A
Vấn đề đầu tiên cần giải quyết sau khi mua bán DNNN là phải đảm bảo cơ chế bảo hộ cho người lao động. Người lao động tại các DNNN khi thực hiện thoái vốn được giải quyết chế độ theo đúng các nguyên tắc cụ thể: người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động; người tiếp tục chuyển sang doanh nghiệp mới được tiếp tục ký hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng chế độ, chính sách theo pháp luật về lao động hoặc chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.
Trên thực tế, việc thoái vốn ngoài ngành như hiện nay thường dẫn đến thay đổi loại hình doanh nghiệp, thay đổi ngành nghề kinh doanh, khiến DNNN phải đối mặt với một vấn đề lớn là phải kế thừa một lực lượng lao động dôi dư đáng kể từ doanh nghiệp cũ chuyển sang có trình độ thấp.
Đây là lực cản không nhỏ với sự phát triển của doanh nghiệp sau thoái vốn, làm tăng thêm những khoản chi như đào tạo lại cho người có trình độ thấp, mà nếu không có nó, doanh nghiệp có thể đầu tư mở rộng sản xuất hoặc tăng lương cho những người có chuyên môn cao, để từ đó khuyến khích họ tích cực lao động và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, việc thoái vốn nhà nước, ngoài mục tiêu nâng cao hiệu quả DNNN, còn là cơ hội cho người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp trở thành chủ sở hữu thực sự. Với chủ trương này, Nhà nước tạo rất nhiều ưu đãi trong việc bán cổ phần, vốn góp cho người lao động. Tuy nhiên, do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn thấp kém, việc thực hiện chủ trương gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, người lao động được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi. Thực tế cho thấy, người lao động trong các DNNN thường có rất ít vốn tích lũy, mong muốn có cơ hội hưởng chế độ ưu đãi trên, nhiều người lao động chấp nhận đi vay ngân hàng để mua cổ phiếu.
Nhà nước không quy định thời gian người lao động phải giữ cổ phiếu, có nghĩa là họ có thể bán ngay cổ phiếu của mình, nên khi có nhu cầu chi tiêu đột xuất hoặc cổ phiểu được giá, người lao động chẳng có cách nào khác là bán cổ phiếu rồi vĩnh viễn không có điều kiện mua lại. Như vậy, chủ trương bán cổ phiếu ưu đãi cho người lao động không đạt được mục đích tốt đẹp như đã đề ra.
Vấn đề thứ hai đặt ra là hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội sau mua bán DNNN sẽ như thế nào?
Tổ chức Đảng cơ sở, Công đoàn, Đoàn Thanh niên của doanh nghiệp sau khi thoái vốn nhà nước về nguyên tắc không thay đổi, nhưng về nội dung và hình thức hoạt động trong thực tế đã có sự thay đổi nhất định so với khi còn là DNNN. Ở các doanh nghiệp mà lãnh đạo có ý thức Đảng tốt thì hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng còn phát huy tác dụng, ngược lại thì hoạt động của các tổ chức này rất hạn chế.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo các doanh nghiệp chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của các đoàn thể chính trị, xã hội, nên có dấu hiệu buông lỏng trong chỉ đạo và phối hợp hoạt động; đội ngũ cán bộ của các tổ chức đoàn thể nhìn chung còn yếu kém về lý luận, trình độ chưa tương xứng và phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp. Sau khi thoái vốn, người công nhân, người lao động cũng dần thiếu ý thức tổ chức, chạy theo lợi ích kinh tế, ít quan tâm đến sinh hoạt tập thể, thờ ơ với việc học tập các chủ trương, chính sách, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt.
Việc thoái vốn trong các DNNN chưa mang lại nhiều kết quả như mong muốn
Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội trong các loại hình doanh nghiệp còn thiếu, chưa đầy đủ. Vấn đề đặt ra hiện nay là, làm sao cho các doanh nghiệp sau khi thoái vốn đều phải duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Những giải pháp hậu M&A
Để nâng cao hiệu quả của hoạt động M&A DNNN, cũng như giải quyết các vấn đề hậu chuyển đổi, Nhà nước nói chung và các DNNN nói riêng cần có những động thái để thay đổi phương pháp và nhận thức liên quan đến vấn đề này.
Hoàn thiện khung pháp lý
Trải qua hơn 20 năm triển khai thực hiện thoái vốn nhà nước trong DNNN khi hội nhập kinh tế quốc tế, sau nhiều nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về vấn đề này, Nhà nước đã bước đầu có những chỉ đạo cụ thể cho DNNN. Tuy nhiên, cũng như các hoạt động khác như đầu tư, xây dựng..., Nhà nước cũng cần sớm ban hành một văn bản thống nhất quy định về hoạt động thoái vốn trong các DNNN, giúp doanh nghiệp có cái nhìn thấu đáo hơn về việc chuyển đổi DNNN và tạo tâm lý an tâm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trong khi hoàn thiện các cơ chế, chính sách đẩy nhanh quá trình đổi mới, sắp xếp DNNN, Nhà nước cần chú trọng hơn nữa tới yếu tố công khai, minh bạch mọi thông tin và trình tự, thủ tục liên quan đến hoạt động đấu giá công khai phần vốn nhà nước.
Giải quyết chính sách chế độ đối với người lao động
Đối với người lao động dôi dư phát sinh trong quá trình chuyển đổi sở hữu DNNN, Nhà nước cần sớm có các chính sách kích cầu lao động, như hỗ trợ vốn ban đầu cho những người kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; phát triển các chương trình tạo công ăn việc làm cho người lao động, qua đó giảm sức ép về lao động dư thừa ở doanh nghiệp mới chuyển đổi.
Để tạo điều kiện cho người lao động có khả năng mua được cổ phần theo giá ưu đãi, Chính phủ nên tiếp tục duy trì phương thức cho người lao động mua cổ phần ưu đãi với giá bán bằng 60% giá đấu giá thành công thấp nhất và áp dụng ưu đãi trả chậm có thời hạn, không tính lãi với điều kiện ràng buộc trong 3 năm không được bán cổ phần được mua theo giá ưu đãi này, nhằm đảm bảo đúng mục đích của chủ trương là người lao động được thực sự làm chủ doanh nghiệp.
Giải quyết nợ của DNNN trước khi tiến hành chuyển đổi
Các DNNN phải áp dụng đồng bộ các giải pháp tài chính - tín dụng như việc cơ cấu lại nợ trong nội bộ doanh nghiệp. Nếu khoản nợ là do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, thì phải cương quyết xử lý bồi thường vật chất, khi không quy được trách nhiệm cá nhân, thì doanh nghiệp tự quyết định xử lý các khoản nợ phải thu này vào kết quả hoạt động kinh doanh.
Đối với những khoản nợ do nguyên nhân khách quan, kể cả nguyên nhân do cơ chế, chính sách, nếu là khoản nợ ngân sách nhà nước, thì coi như vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thể hiện chuyển đổi sở hữu theo chế độ hiện hành. Nếu là nợ vay ngân hàng thì dùng tiền thu được do chuyển đổi sở hữu để trả nợ ngân hàng. Nếu là khoản nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, thì dùng tiền thu được do chuyển đổi sở hữu sau khi trả nợ vay để chi trả.
Còn nếu là khoản nợ nước ngoài mà doanh nghiệp vay vốn có bảo lãnh, thì tổ chức bảo lãnh chủ động đàm phán với chủ nợ nước ngoài để xin giảm nợ và có kế hoạch cùng với doanh nghiệp tìm nguồn vốn trả nợ nước ngoài. Nếu là khoản nợ với đối tác là các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thì có phương án chuyển đổi thành cổ phần, các đối tác trở thành cổ đông của chính doanh nghiệp.
Chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược
Chọn lựa nhà đầu tư chiến lược thích hợp không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn mới, mà quan trọng hơn là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao công tác quản trị, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường... Theo đó, việc chuyển đổi sở hữu của DNNN nên được tiến hành theo phương thức mới: doanh nghiệp tiến hành đàm phán thu hút nhà đầu tư chiến lược trước, sau đó sẽ bán cho người lao động rồi chuyển đổi.
DNNN có vị trí rất quan trọng, là lực lượng chủ yếu trong kinh tế nhà nước. Trong những năm qua, kết quả hoạt động của DNNN đã đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng chưa tương xứng với yêu cầu và năng lực sẵn có của DNNN. Khi nền kinh tế chuyển sang thời kỳ hội nhập, DNNN càng bộc lộ nhiều yếu kém, hiệu quả sản xuất - kinh doanh không cao và ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm.
Hiện nay, hội nhập kinh tế là một quá trình đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, có ảnh hưởng tới hầu hết các quốc gia. Chúng ta mở cửa hội nhập nhằm thu hút các tiềm lực bên ngoài về vốn đầu tư, về kỹ thuật công nghệ, về kinh nghiệm tổ chức sản xuất để phát triển nền kinh tế đất nước. Song muốn thực hiện điều đó thì bản thân nền kinh tế trong nước phải có sự chuẩn bị, hay nói khác hơn là phải có sự chuyển mình bằng cách cải tổ nền kinh tế, thực hiện cải cách doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN.
Để đổi mới DNNN, điều đầu tiên là phải đổi mới về chế độ sở hữu (từ đơn sở hữu đến đa sở hữu), tiếp đó là đổi mới về cơ chế quản lý và hàng loạt vấn đề khác. Quá trình chuyển đổi DNNN ở Việt Nam không những làm thay đổi về sở hữu, mà còn thay đổi căn bản trong công tác quản lý doanh nghiệp và quản lý vĩ mô của Nhà nước.
Quyền chủ động quyết định những vấn đề liên quan đến đầu tư vào sản xuất - kinh doanh hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp. Việc sắp xếp lại DNNN theo hướng Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần/vốn góp chi phối một số lĩnh vực then chốt… không chỉ là giải pháp củng cố, đổi mới và phát triển DNNN, mà còn là giải pháp nhằm cơ cấu lại nền kinh tế quốc dân.
Việc thực hiện thành công chuyển đổi các DNNN đạt được các mục tiêu: huy động vốn của toàn xã hội cả trong và ngoài nước để thúc đẩy DNNN kinh doanh có hiệu quả, gia tăng tài sản nhà nước, đổi mới công nghệ, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, chính sách làm chủ doanh nghiệp của người lao động, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trong điều kiện Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, thì chuyển đổi các DNNN như là chiến lược vận hành cần được thực hiện để phù hợp với vai trò và vị trí của nó cũng như bối cảnh cạnh tranh quốc tế.