Những rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu Danaplast
02/10/2015
Công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND TP Đà Nẵng, thành lập ngày 22/1/1976 và được cổ phần hóa vào ngày 4/8/2000.
Vốn điều lệ của công ty là 15,8 tỷ đồng, với cơ cấu như sau: Nhà nước chiếm 31,5%, cổ đông trong công ty chiếm 27,33% và cổ đông bên ngoài công ty chiếm 41,17%. Tổng số cổ đông hiện tại của công ty là 426, trong đó có 274 thuộc công ty, 130 cổ đông bên ngoài công ty và 2 cổ đông đại diện cho Nhà nước.
Hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty là sản xuất sản phẩm tiêu dùng từ chất dẻo, bao bì các loại, ống nước PVC compound cứng, bán buôn bán lẻ các sản phẩm, vật tư nguyên liệu và chất phụ gia ngành nhựa; xuất nhập khẩu trực tiếp, kinh doanh các ngành nghề khác phù hợp với pháp luật quy định.
Trong quá trình hoạt động, vừa sản xuất vừa tích lũy vốn cho tái đầu tư, đến nay công ty đã hoàn thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng nhà xưởng, đường nội bộ trong diện tích 1,57 ha. Công ty cũng đã sản xuất được 5 nhóm sản phẩm khác nhau để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường: Nhóm bao bì túi xốp, nhóm các loại ống, nhóm sản phẩm két bia, nước ngọt, nhóm sản phẩm tiêu dùng như dép, ủng, cánh quạt... và nhóm các sản phẩm chuyên dụng theo yêu cầu của khách hàng. Một phần sản phẩm cũng đã được xuất khẩu sang các nước châu Âu và châu Á.
Tình hình hoạt động của Danaplast:
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nhựa, nhu cầu dùng nhựa tính trên đầu người của Việt Nam năm 1999 vào khoảng 9,4 kg/người, khá thấp so với mức trung bình của thế giới là 17 kg/người/năm. Theo kế hoạch, đến năm 2010, mức tiêu thụ nâng lên khoảng 19-20 kg/người/năm. So với các ngành công nghiệp khác, sản xuất nhựa là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất. Nắm bắt được sự thay đổi nhu cầu về sản phẩm nhựa, Danaplast đã định hướng phát triển sản xuất theo nhu cầu của thị trường hiện đại, với sản phẩm chủ yếu là hàng nhựa công nghiệp, chiếm 93% và nhựa gia dụng, chiếm 7% tổng sản lượng.
Hiện nay, công ty có nhiều thuận lợi do được hưởng một số chính sách ưu đãi đầu tư như: được miễn tiền thuê đất trong thời hạn 13 năm kể từ năm 2001; được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 20%...
Tuy nhiên, công ty cũng gặp không ít khó khăn: Hiện đã có hơn 1.000 doanh nghiệp, cơ sở tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm có liên quan đến nhựa nhưng sản phẩm cung cấp cho thị trường vẫn vừa thừa vừa thiếu. Sản phẩm chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản, chưa có nhiều mặt hàng nhựa kỹ thuật cao, do còn hạn chế trong ngành cơ khí khuôn mẫu Việt Nam. Nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm nhựa hiện nay chủ yếu vẫn là nhập khẩu.
Các nhà đầu tư nên xem xét cẩn thận những rủi ro được trình bày dưới đây, cùng với những thông tin nêu trong Bản cáo bạch, trước khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu của Công ty Danaplast
Rủi ro của việc mua cổ phiếu Danaplast:
1. Rủi ro nguyên liệu đầu vào
Đối với hoạt động của ngành nhựa của Việt Nam hiện nay, nguồn nguyên liệu đầu vào của hầu hết các đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước đều phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi giá nguyên liệu cho ngành nhựa luôn bị biến động với dao động có thể lên đến 50%. Do đó, đây là một trong những nhân tố rủi ro ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất và khả năng sinh lời.
2. Rủi ro về tỷ giá
Do phần lớn nguyên liệu nhập khẩu phải thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi nguồn thu của Công ty từ sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là nội tệ, nên rủi ro tiềm ẩn về tỷ giá hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả hoạt động.
3. Rủi ro cạnh tranh thị trường
Hiện tại, Việt Nam có hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt đồng trong ngành nhựa, tạo nên một môi trường cạnh tranh khá gay gắt. Bên cạnh đó, sức ép về sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật làm cho các sản phẩm ngành nhựa phải liên tục thay đổi chất lượng và mẫu mã. Do đó, việc giữ được vị thế cạnh tranh trên thương trường của Công ty sẽ rất khó khăn và đây cũng chính là rủi ro cho bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong ngành.
Mặt khác, tiến trình hội nhập AFTA thông qua việc thực hiện hiệp định thương mại, xóa bỏ bảo hộ của Nhà nước, bãi bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan cũng sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường xuất khẩu.
4. Rủi ro về kỹ thuật
Tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật trong ngành nhựa đã tạo cho Công ty cơ hội để phát triển và đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, chính điều đó lại đòi hỏi sự phát triển đồng bộ về dây chuyền công nghệ kỹ thuật sản xuất và sự sáng tạo cho các sản phẩm mới để đáp ứng được yêu cầu của thị trường hiện tại. Đây là một thách thức lớn đối với Công ty vì muốn bắt kịp tốc độ phát triển, cần phải có chi phí rất lớn cho cả trang thiết bị, kỹ thuật, nhân sự lẫn chi phí đào tạo.
5. Rủi ro về pháp luật
Việt Nam vẫn đang từng bước xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp lý, vì vậy những rủi ro pháp lý có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của Công ty:
- Luật Doanh nghiệp mới được áp dụng vào đầu năm 2000 nên đang gây không ít khó khăn cho việc vận hành doanh nghiệp theo đúng tinh thần của luật.
- Các chuẩn mực về kế toán hiện vẫn trong giai đoạn dự thảo, và hệ thống kế toán Việt Nam còn đang phải hoàn thiện dần, nên Công ty phải thường xuyên theo dõi, cập nhật và áp dụng các quy định, hướng dẫn về kế toán mới ban hành, để đảm bảo công tác hạch toán hàng ngày phù hợp với các quy định kế toán hiện hành của Bộ Tài chính.
- Hệ thống pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán của Việt Nam chỉ dưới dạng Nghị định cho nên vẫn cần những điều chỉnh thích hợp. Đây cũng là một trong những nhân tố có thể ảnh hưởng rất nhiều đến giá chứng khoán phát hành.
6. Rủi ro khác
Bên cạnh những rủi ro chính nêu trên, quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty còn có thể bị tác động bởi những yếu tố sau:
- Rủi ro về thiên tai hỏa hoạn: đây là rủi ro bất khả kháng, rất dễ xảy ra, do sản phẩm của Công ty, từ nguyên liệu cho đến thành phẩm, đều dễ cháy.
- Rủi ro về hạ tầng cơ sở: Cơ sở hạ tầng khu vực miền Trung vẫn còn yếu kém, có thể gây khó khăn cho việc luân chuyển, giao nhận hàng hóa của Công ty.
http://kinhdoanh.vnexpress.net/ Ý kiến bạn đọc
TIN TỨC MỚI
• Việt Nam và Philippines gia hạn thỏa thuận về thương mại gạo (29/12/2016)
• Nông nghiệp 2016: Vượt thách thức, duy trì tăng trưởng (26/12/2016)
• Quảng Ninh: Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu (26/12/2016)
• VASEP cảnh báo hiện tượng lừa đảo trong giao dịch xuất khẩu thủy sản (23/12/2016)
• Xuất khẩu cá tra: Vẫn lo tăng trưởng thiếu bền vững (22/12/2016)
• Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương xuất khẩu bụi lò thép (22/12/2016)
• EVFTA cơ hội cho các ngành công nghiệp bứt phá (20/12/2016)
• Tiến trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam: “Thỏi nam châm' thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc (16/12/2016)
• Nông lâm thủy sản sang Trung Quốc: Xuất nhiều, rủi ro cao (12/12/2016)
• Tăng lực cho hàng Việt vào ASEAN (10/12/2016)
TIN TỨC CŨ