Rào cản thương mại
Quyết định khó khăn của Nhật Bản: Tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8%
31/10/2014
 Bất chấp nhiều ý kiến chỉ trích trong dư luận thời gian qua khi cho rằng đà phục hồi của nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc vừa mới nhen nhóm có thể bị "dập tắt", Thủ tướng Shinzo Abe vẫn quyết định tăng thuế tiêu thụ (hay còn gọi thuế tiêu dùng) từ mức 5% hiện nay lên 8% kể từ ngày 1-4-2014.

Quyết định khó khăn vừa được Thủ tướng S.Abe đưa ra như một biện pháp cần thiết để giảm bớt gánh nặng nợ công đã lên mức hơn 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, Nhật Bản quyết định tăng thuế tiêu thụ. Những người phản đối cho rằng, Thủ tướng S.Abe đã có một bước đi mạo hiểm sau quyết định này. Lịch sử chính trường của Nhật Bản đã cho thấy, chính sách gây nhiều tranh cãi này từng là một trong những nguyên nhân khiến một số nhà lãnh đạo tiền nhiệm phải từ chức trước sức ép dư luận. Trong bối cảnh người dân xứ sở Hoa anh đào phải vật lộn với cuộc sống đầy khó khăn do tác động của giá cả leo thang trong khi thu nhập giảm mạnh, quyết định tăng thuế tiêu thụ như "gáo nước lạnh" đi ngược lại nỗ lực chống giảm phát do Thủ tướng S.Abe đề ra từ khi trở lại nắm quyền tháng 12 năm ngoái. Thực tế cho thấy, thúc đẩy người tiêu dùng, chi tiêu và giới chủ nâng lương mới là "xương sống" góp phần giúp Thủ tướng S.Abe hiện thực hóa mục tiêu đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng trì trệ suốt 20 năm qua.

Với chính sách cải tổ kinh tế táo bạo mang tên "Abenomics" của Thủ tướng S.Abe, nền kinh tế Nhật Bản đã có những dấu hiệu khởi sắc. Thế nhưng, các số liệu thống kê mới đây cho thấy, cuộc chiến đẩy lùi tình trạng trì trệ của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn còn nhiều chông gai. Thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 8 vừa qua đã lên đến 960,3 tỷ yên, tăng mạnh so với mức 768,4 tỷ yên của cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh đồng yên suy yếu khiến các chi phí năng lượng tăng cao. Đây được coi là tháng thâm hụt tồi tệ nhất của Nhật Bản và kéo dài chuỗi thâm hụt lên 14 tháng - bằng với kỷ lục được xác lập cách đây hơn ba thập niên - bất chấp hoạt động xuất khẩu của nước này tăng trưởng tốt nhất trong vòng ba năm nay.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế quan ngại việc tăng thuế tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng và khiến nền kinh tế lại rơi vào quý suy thoái. Với quyết định tăng thuế tiêu thụ lên mức 8%, tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản quý II năm 2014 được dự đoán sẽ giảm mạnh và sau đó mới tăng trưởng trở lại. Khảo sát của Bloomberg cho thấy, tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong năm 2014 sẽ chỉ dừng lại ở mức 1,6%, chậm hơn so với tốc độ 1,9% năm nay 

Không lung lay trước sức ép của dư luận, nhà lãnh đạo nền kinh tế hơn 127 triệu dân khẳng định, tăng thuế là nhằm "duy trì sự tín nhiệm của quốc gia và chuyển giao cho thế hệ sau một hệ thống an sinh xã hội bền vững". Thủ tướng S.Abe lập luận rằng, không thể chấp nhận việc Nhật Bản - một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới - lại phải ôm gánh nặng nợ nần lớn nhất trong số các nước phát triển. Khoản nợ khổng lồ này được tích lại trong nhiều năm qua do những nỗ lực kích thích kinh tế thông qua chi tiêu, trong khi chi phí phúc lợi gia tăng do dân số bị lão hóa nhanh. Những người ủng hộ tăng thuế tiêu thụ cho rằng, nếu tiếp tục trì hoãn quyết định này sẽ gây tổn hại lớn cho chính sách "Abenomics". Không những thế, Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mua lại trái phiếu chính phủ khi thị trường ngờ vực về việc củng cố tài khóa.

Quyết định tăng thuế tiêu thụ là phép thử quan trọng với cam kết giảm nợ công của Nhật Bản. Việc nâng thuế lên mức 8% sẽ giúp nước này huy động được thêm 8 nghìn tỷ yên (tương đương 81,42 tỷ USD/năm). Cùng với quyết định trên, Thủ tướng S.Abe vừa cho biết sẽ tung ra gói kích thích mới trị giá ít nhất 5 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 51 tỷ USD) để làm giảm cú sốc đối với nền kinh tế. Sự mạnh tay bơm một lượng tiền lớn vào thị trường cũng được nhiều nhà kinh tế kỳ vọng sẽ đưa kinh tế Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt 

Bất chấp việc đưa ra quyết định vào thời điểm khá nhạy cảm, kết quả điều tra của Hãng tin Kyodo vừa công bố cho thấy, có tới 53,3% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc tăng thuế trên, chỉ có 42,9% số người phản đối. Dù còn quá sớm để khẳng định giải pháp giảm nợ công bằng tăng thuế sẽ tác động thế nào đối với nền kinh tế, nhưng tỷ lệ tín nhiệm cao cho thấy phần lớn người dân Nhật Bản vẫn dành sự tin tưởng vào sự điều hành nền kinh tế của nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc.
Ý kiến bạn đọc