Rào cản thương mại
Trung Quốc gia nhập WTO và ảnh hưởng tới VN
02/10/2015
Gia nhập WTO vốn là một việc bình thường đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Tổ chức này hiện đã có tới 130 thành viên, số nước chưa phải là thành viên chỉ còn lại rất ít. Tuy nhiên, việc Trung Quốc gia nhập lại thu hút sự chú ý của nhiều nước, kể cả quốc gia thành viên lẫn quốc gia chưa phải là thành viên. Bởi lẽ, Trung Quốc là một nước lớn, về mặt chính trị, đây là một trong 5 Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; còn về mặt kinh tế, trải qua hơn 20 năm cải cách mở cửa theo hướng thị trường đã làm cho quy mô kinh tế của nước này vươn lên đứng hàng thứ bảy trên thế giới.
 
Về phần mình, Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc, với đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.350 km với nhiều cửa khẩu và đường mòn qua lại. Ngoài ra, hai nước còn có đường biên giới trên biển. Vì thế, mỗi một thay đổi hay biến động trên đất Trung Quốc đều sẽ được truyền đến Việt Nam một cách nhanh nhất, trực tiếp nhất. Hai nước cũng có những nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội... nên những thay đổi hay biến động của Trung Quốc đều được người dân Việt Nam cảm thụ và tiếp nhận một cách dễ dàng nhất.
 
Hơn nữa, gia nhập WTO, Trung Quốc sẽ được hưởng những thuận lợi và thực hiện những nghĩa vụ mà tổ chức này quy định, trong đó có mở cửa thị trường, xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, làm cho hàng hóa của các nước thành viên dễ dàng thâm nhập thị trường khổng lồ này. Tuy nhiên, Việt Nam do chưa phải là thành viên của WTO, nên chưa được hưởng những ưu đãi này khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Hơn thế, hàng hóa Việt Nam lại chịu một sức ép cạnh tranh lớn đối với các sản phẩm cùng chủng loại của Trung Quốc trên thị trường thứ ba.
 
Tính đến cuối năm 2000, kim ngạch buôn bán hai chiều Việt - Trung đạt 2,46 tỷ USD, tăng gấp 78 lần so với năm 1991, đồng thời chiếm 9,83% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là cán cân buôn bán giữa hai nước luôn bất lợi cho phía Việt Nam, mức nhập siêu cả Việt Nam vẫn cao, năm 2000 là 608 triệu USD.
 
Hiện Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên 100 mặt hàng, trong đó có nguyên liệu (than đá, dầu thô, quặng sắt, cromit, dược liệu, các loại tinh dầu, cao su thiên nhiên...); lương thực, nông sản, thủy hải sản tươi sống, động vật nuôi, một ít hàng tiêu dùng, đồ gia dụng. 3 mặt hàng chính là dầu thô, hải sản, hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc ngày một tăng cả về khối lượng lẫn giá trị. Còn hàng hóa mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc vào khoảng 200 loại, gồm thiết bị toàn bộ, máy móc cơ khí, phương tiện vận tải, thiết bị y tế - hóa chất, máy nông nghiệp, dệt may, nguyên vật liệu, lương thực thực phẩm hoa quả, giống cây trồng, hàng tiêu dùng...
 
Nhìn về cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu Việt - Trung thời gian qua cho thấy: Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên vật liệu, nông lâm thổ, hải sản chưa qua chế biến; còn nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, hàng tiêu dùng và hàng hóa đã gia công chế biến. Các chuyên gia dự kiến, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, cơ cấu đó vẫn được duy trì một thời gian. Nhưng khó khăn nằm ở chỗ, Việt Nam chưa gia nhập WTO nên chưa được hưởng những ưu đãi của nước thành viên, vì vậy sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn của các thành viên trên thị trường Trung Quốc.
 
Đáng chú ý là ngoài buôn bán chính ngạch, giữa hai nước còn buôn bán tiểu ngạch biên giới, và tỷ lệ giữa hai hình thức này cũng dao động trong khoảng 50-60%. Các chuyên gia thương mại lo ngại, với đường biên giới đất liền và trên biển dài, đi lại dễ dàng, nếu không có sự quản lý tốt thì hàng hóa của các nước phương Tây với ưu thế về chất lượng và giá cả một khi đã thâm nhập thị trường Trung Quốc sẽ rất dễ dàng tràn qua biên giới thâm nhập thị trường Việt Nam, gây nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước.
 
Trung Quốc gia nhập WTO cũng sẽ tạo sức ép cạnh tranh đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường thứ ba. Hiện tại cả Việt Nam và Trung Quốc cùng có một số mặt hàng xuất khẩu chủ chốt được tiêu thụ tại các thị trường Mỹ, Nhật, EU, ASEAN... như: hàng dệt may, giày dép, gốm sứ và hàng điện tử. Đây là những mặt hàng Trung Quốc đều đang chiếm ưu thế cả về khối lượng lẫn thị phần, còn hàng Việt Nam có điểm yếu là giá thành cao do giá đầu vào cao. Từ sau năm 2005, Trung Quốc sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế quan, hạn ngạch xuất khẩu.... nhất là tại các thị trường Mỹ, Nhật, EU. Những mặt hàng cùng chủng loại của Việt Nam, do vậy sẽ càng khó cạnh tranh. Đó là chưa tính đến việc khi đồng nhân dân tệ (NDT) nếu được tự do chuyển đổi, tỷ giá hối đoái của nó sẽ thường xuyên dao động, làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc càng được nâng cao hơn trên thị trường thế giới.
 
Trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng sẽ chịu sức ép cạnh tranh không nhỏ. Hơn 20 năm qua, nhờ thực hiện chính sách cải cách mở cửa, Trung Quốc đã trở thành quốc gia lớn nhất trong số các nước đang phát triển và nước thứ hai trên thế giới trong việc thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Khi gia nhập WTO, môi trường đầu tư của Trung Quốc cả về "môi trường cứng" (cơ sở hạ tầng) lẫn "môi trường mềm" (cơ chế chính sách) sẽ được cải thiện hơn nữa, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những "điểm nóng" thu hút đầu tư nước ngoài của thế giới.
 
Ở một khía cạnh nào đó, đây cũng là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư của một số nước Đông Nam Á khi đến đầu tư tại Trung Quốc. Khi các nhà đầu tư nước ngoài đến Trung Quốc nhiều hơn, thị trường Trung Quốc cũng sẽ cần nhiều hơn các nguyên vật liệu cho sản xuất. Như vậy, các nước Đông Nam Á có điều kiện xuất khẩu nhiều hơn các nguyên nhiên liệu như xăng dầu, than đá, cao su... cho thị trường khổng lồ này. Nhưng mặt khác, sức "hấp dẫn" của Trung Quốc cũng sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh lớn đối với một số nước Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
http://kinhdoanh.vnexpress.net/ 
Ý kiến bạn đọc