Từ 1-1: Hàng ngàn mặt hàng không còn chịu thuế nhập khẩu
30/09/2015
Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 165/2014/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 1-1-2015 thì có thêm 1.715 dòng thuế giảm về 0% (trước đó là 5%).
Các nhóm hàng cắt giảm thuế thuộc các ngành nông nghiệp, nông sản (thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm), nhiên liệu (xăng dầu, than)…
Như vậy, cùng với 6.859 dòng thuế (chiếm 72% trong tổng biểu thuế xuất nhập khẩu theo ATIGA) đã được cắt giảm về 0% từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014 thì tính đến thời điểm này, 90% các dòng thuế trong biểu ATIGA đã có thuế suất bằng 0.
Bên cạnh đó, theo lộ trình mà Việt Nam đã ký cam kết thì 7% số dòng thuế, tương đương 669 dòng gồm các mặt hàng nhạy cảm như sắt thép, giấy, vải may mặc, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất... sẽ có lộ trình cắt giảm thuế dài hơn và đến 2018 mới về 0%. Riêng trong năm 2015 dự kiến được giữ nguyên mức thuế suất như năm 2014.
Trong nhóm 7% linh hoạt này, có 2 nhóm mặt hàng đặc biệt nhạy cảm trong ASEAN mà Việt Nam đã đàm phán và đang thực hiện theo lộ trình cắt giảm thuế riêng là ôtô - xe máy và thuốc lá.
Trong đó, lộ trình đối với mặt hàng ô tô – Xe máy sẽ là giữ nguyên mức thuế nhập khẩu 50% trong năm 2015 (bằng với 2014) và giảm xuống 40% vào năm 2016, 30% vào năm 2017 và 0% vào năm 2018 (xem thêm bảng).
Trong khi đó, ở mặt hàng thuốc lá, tạm thời vẫn đang được duy trì trong danh mục loại trừ, thuế suất áp dụng là thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) hiện hành.
Ngoài ra, khoảng 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan tức được phép duy trì thuế suất ở mức 5% gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thị chế biến, đường.
Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc cũng giảm thuế
Cũng từ 1-1-2015, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand cũng sẽ được cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện các Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) và ASEAN –Úc - New Zealand (AANZFTA).
Trong đó, theo biểu thuế ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam cam kết cắt giảm 9.491 dòng thuế. Thuế suất trung bình giai đoạn 2015-2017 là 2,26%/năm và năm 2018 là 1,67%/năm; trong đó các mặt hàng theo danh mục thông thường cắt giảm thuế về 0%, các nhóm hàng nhạy cảm về mức 20% vào năm 2015. Và đến năm 2018, các mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm cao về 50%.
Cụ thể, từ 1-1, theo Thông tư 166/2014/TT-BTC, có 3.691 dòng thuế giảm thuế suất xuống 0% so với năm 2014, nâng số dòng thuế bằng 0 lên mức 84,11% trong tổng biểu thuế, tập trung vào các nhóm mặt hàng: dầu mỡ động thực vật, chất dẻo, chất dẻo nguyên liệu, đồ nội thất, các sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, máy vi tính và các sản phẩm linh kiện điện tử, vải may mặc, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm dệt may và 1 số sản phẩm sắt thép.
Tương tự, thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc, từ đầu năm 2015, Việt Nam tiếp tục cắt giảm thuế suất của nhiều mặt hàng và đến năm 2018 sẽ về 0%. Trước mắt, từ đầu năm 2015, các mặt hàng thuộc nhóm thông thường sẽ được xóa bỏ thuế quan (quy định tại Thông tư 167/2014/TT-BTC). Sang năm 2016 sẽ có thêm 340 dòng thuế thuộc nhóm linh hoạt giảm thuế về 0% và đến năm 2018 có thêm 478 dòng thuế.
Nhóm mặt hàng linh hoạt này gồm: nhóm nông nghiệp (thủy sản, thịt gà, bánh kẹo, sữa và chế phẩm sữa, dầu mỡ động thực vật, rau quả...), nhóm công nghiệp (dệt may, hóa chất, máy móc thiết bị, nhựa, giấy, sản phẩm kim loại cơ bản, vật liệu xây dựng...).
Trong khi đó, các mặt hàng nhạy cảm như sản phẩm hóa dầu, vật liệu xây dựng, giấy, vải, sắt thép, linh kiện, phụ tùng ô tô... bắt đầu có nghĩa vụ giảm thuế trong giai đoạn 2015-2018, về mức 20% vào năm 2017 và 2018.
Ngoài ra, một số mặt hàng nhạy cảm cao như ô tô nguyên chiếc, một số mặt hàng sắt thép, thuốc lá... thì chưa cắt giảm thuế trong giai đoạn 2015-2018.
Trong khi đó, thực hiện ASEAN –Úc - New Zealand, từ 2015, nhiều mặt hàng như nhóm mặt hàng thịt trâu bò tươi hoặc ướp lạnh, một số loại cá, rau quả, chè, mỡ, kem, vecni, sợi, ống dẫn sẽ giảm thuế, trong đó có các loại như cá ngừ vây xanh, cá nước ngọt khác, một số rễ cây, a xít, một số loại thuốc, máy sản xuất bia, thuốc chống nảy mầm... không phải chịu thuế (tham khảo tại Thông tư 168/2014/TT-BTC)
Trong những năm tiếp theo, các mặt hàng gia súc như cừu lợn (nguyên con); gà, vịt, ngỗng, thỏ, đà điểu, ngỗng, gà tây khác; thịt bò, cừu, dê (tươi và đông lạnh); một số thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ; một số loại cá (như cá chình, cá bơn, cá trích...); sữa và kem, chưa cô đặc và chưa pha thêm đường hoặc chất làm ngọt khác; sữa và kem, đã cô đặc hoặc đã pha thêm đường hoặc chất làm ngọt khác (dạng bột); sữa chua, bơ, pho mát đã xát nhỏ, trứng, các loại hoa, quả, rau củ, dầu từ các hạt, margarin, một số sản phẩm xây dựng, hoá chất, polyme, đồ gốm sứ gia dụng, cao su và sản phẩm từ cao su, hàng may mặc... sẽ tiếp tục được cắt giảm để đến năm 2018 sẽ xóa bỏ thuế quan.
Còn theo Hiệp định ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam phải cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với 6.772 dòng trên tổng số 9.558 dòng của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành. Trong đó, thuế suất trung bình giai đoạn 2015-2018 là 7,38%/năm, giảm 2,15% so với năm 2014. Biểu thuế cụ thể quy định tại Thông tư 169/2014/TT-BTC.
Các mặt hàng giảm thuế chủ yếu nằm ở các nhóm: bánh kẹo, bông, chè, cà phê, cao su, phân bón, thủy sản, thức ăn gia súc, hàng rau quả, giấy, gỗ, linh kiện phụ tùng, phương tiện vận tải, chất dẻo, hóa chất, dầu mỏ, sắt thép, máy móc thiết bị…
Ý kiến bạn đọc
TIN TỨC MỚI
• Việt Nam và Philippines gia hạn thỏa thuận về thương mại gạo (29/12/2016)
• Nông nghiệp 2016: Vượt thách thức, duy trì tăng trưởng (26/12/2016)
• Quảng Ninh: Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu (26/12/2016)
• VASEP cảnh báo hiện tượng lừa đảo trong giao dịch xuất khẩu thủy sản (23/12/2016)
• Xuất khẩu cá tra: Vẫn lo tăng trưởng thiếu bền vững (22/12/2016)
• Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương xuất khẩu bụi lò thép (22/12/2016)
• EVFTA cơ hội cho các ngành công nghiệp bứt phá (20/12/2016)
• Tiến trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam: “Thỏi nam châm' thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc (16/12/2016)
• Nông lâm thủy sản sang Trung Quốc: Xuất nhiều, rủi ro cao (12/12/2016)
• Tăng lực cho hàng Việt vào ASEAN (10/12/2016)
TIN TỨC CŨ