Thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam được EC áp dụng chính thức từ ngày 05 tháng 10 năm 2006. Trong thời gian được áp dụng, thuế chống bán phá giá đã gây ra nhiều khó khăn cho việc tiếp cận thị trường, mởi rộng xuất khẩu giày mũ da của Việt Nam.
Bộ Công Thương hoan nghênh quyết định này của Ủy ban Châu Âu và cho rằng đây là một quyết định hợp lý, giúp tăng lợi ích và sự lựa chọn của người tiêu dùng Châu Âu đối với mặt hàng giày mũ da, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu. Quyết định này của EU có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh Việt Nam và EU đang xem xét tiến tới đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương.
Tuy nhiên, theo thông báo này, EC có thể sẽ tiến hành thực hiện một chương trình theo dõi thích hợp (appropriate program) trong vòng một năm kể từ 1/4/2011 đối với việc nhập khẩu giầy mũ da từ Việt Nam, Trung Quốc và Macau để có những hành động nhanh chóng và thích hợp trong trường hợp cần thiết, bảo vệ ngành công nghiệp giầy Châu Âu. Hiện nay Bộ Công Thương đang theo dỗi chặt chẽ các diễn biến tiếp theo của vụ việc để hướng dẫn Doanh nghiệp có những biện pháp đối phó hiệu quả, kịp thời bảo vệ ngành Da Giầy Việt Nam.
Một vấn đề khác đặt ra là nếu các doanh nghiệp không lưu ý đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo giá xuất khẩu được nâng lên một cách hợp lý (ít nhất đạt mức giá thời kỳ trước khi bị áp thuế chống bán phá giá) thì rất có thể các doanh nghiệp EU sẽ lại kiện và EC sẽ lại mở các cuộc điều tra mới về chống bán phá giá.