Nhật Bản là thị trường trọng điểm và đầy tiềm năng của thủy sản Việt Nam nói chung và cá ngừ nói riêng, đồng thời là bạn hàng lớn và khá ổn định đối với các sản phẩm cá ngừ Việt Nam trong nhiều năm qua, với giá trị NK khá cao, đứng thứ 3 sau Mỹ và EU.
Những năm trước đây, giá trị XK cá ngừ Việt Nam sang Nhật Bản chỉ chiếm chưa đến 10% tổng giá trị XK cá ngừ của cả nước nhưng từ đầu năm nay, Nhật Bản đã vượt qua EU và vươn lên vị trí thứ 2 sau Mỹ về giá trị NK cá ngừ từ Việt Nam, chiếm tới 20% tỷ trọng XK của ngành cá ngừ nước ta.
Nhật Bản là quốc gia có sức tiêu thụ hàng hóa mạnh và là một thị trường lớn đối với hàng thủy sản. Đây là một trong những thị trường NK cá ngừ tươi và đông lạnh lớn nhất thế giới. Do nguồn nguyên liệu cá ngừ khai thác nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước ngày càng cao nên Nhật Bản phải NK cá ngừ từ nhiều nguồn khác, trong đó có Việt Nam.
Theo Hải quan Việt Nam, đến giữa tháng 5/2012, giá trị XK cá ngừ Việt Nam sang các thị trường thế giới đạt gần 200 triệu USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2011, riêng giá trị XK sang Nhật Bản đạt gần 34 triệu USD, chiếm 17% tỷ trọng và tăng 52,3%. Đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng giá trị XK cao trong giai đoạn này, chỉ đứng sau mực và bạch tuộc.
Tuy nhiên, nếu xem xét riêng tháng 4/2012 và nửa đầu tháng 5/2012, Nhật Bản đã giảm giá trị NK cá ngừ Việt Nam lần lượt là 18,3% và 14,5% so với cùng kỳ năm 2011. Phải chăng sự sụt giảm giá trị NK này một phần do ảnh hưởng của việc Nhật Bản tăng cường kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm về các chỉ tiêu trên sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam?
Thông tin gần đây cho biết. Nhật Bản kiểm tra Ethoxyquin trong tôm Việt Nam với mức giới hạn tối đa 10 ppb (0,01ppm), trong khi không thực hiện quy định này đối với tôm NK từ nước khác, đặc biệt là Thái Lan - một trong những đối thủ cạnh tranh khá mạnh của cá ngừ Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản, EU...
Đây là một sự đối xử không công bằng và không hợp lý bởi biện pháp siết chặt kiểm tra của cơ quan quản lý Nhật Bản sẽ ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động XK mặt hàng tôm Việt Nam mà còn ảnh hưởng và gây khó khăn cho cả các mặt hàng thủy sản XK khác của Việt Nam như cá ngừ khi vào thị trường này. Điều này cũng còn tác động trực tiếp uy tín và sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, kéo theo sự giảm sút nghiêm trọng giá trị XK. Cần lưu ý rằng, người tiêu dùng Nhật Bản vốn rất kỹ tính khi lựa chọn thực phẩm và nếu phát hiện hàng hóa có vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, họ rất e ngại khi mua hàng.
Sản phẩm cá ngừ Việt Nam được thị trường Nhật Bản đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, do hoàn toàn dựa vào khai thác tự nhiên nên sản lượng, chất lượng và giá thành không ổn định, vì vậy khả năng tăng trưởng của sản phẩm này phần nào bị hạn chế.
Theo Hiệp định Hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ cuối năm 2009, hàng hóa Việt Nam XK sang Nhật Bản và ngược lại, hàng hóa Nhật Bản XK sang Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, so với các nước cạnh tranh khác về cá ngừ như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia..., cá ngừ Việt Nam vẫn “yếu thế” hơn vì Việt Nam ký Hiệp định Hợp tác song phương với Nhật Bản muộn hơn nên lộ trình giảm thuế sẽ chậm hơn. XK cá ngừ sang Nhật Bản của các nước láng giềng đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi khiến sản phẩm cá ngừ Việt Nam bị cạnh tranh mạnh hơn. Hiện nay các DN XK cá ngừ Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế cao hơn 40% so với các nước này, tương đương 7,2% khi XK sang thị trường Nhật Bản, thậm chí cũng không được cắt giảm hàng năm đến 0% như những nước này. Và đây cũng là một trong những bất lợi của sản phẩm cá ngừ Việt Nam XK sang Nhật Bản, dẫn đến khó có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực tại thị trường này.
Để tăng cường XK cá ngừ vào Nhật, DN Việt Nam cần kiên trì tìm hiểu kỹ đối tác và tạo điều kiện để họ hiểu được mình. Chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố quan trọng giúp duy trì mối quan hệ kinh doanh lâu dài với các đối tác Nhật Bản, vì thế DN phải giữ vững chất lượng hàng hóa xuất sang Nhật, nhất là với mặt hàng thủy sản và cụ thể là cá ngừ.
Ngoài ra, các nhà XK cũng cần cập nhật thông tin về các yêu cầu pháp lý cũng như các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe người tiêu dùng, đến các vấn đề môi trường và xã hội, đồng thời hiểu rõ ý nghĩa của các yêu cầu tiếp cận thị trường Nhật Bản dành cho hoạt động sản xuất và quy trình XK (đối với các vấn đề như hải quan, quy định ghi nhãn...)
Và để duy trì thế đứng vững vàng trên thị trường Nhật Bản, các nhà XK cá ngừ Việt Nam cần có một chiến lược kinh doanh với tầm nhìn sâu rộng, thông qua nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, đầy đủ và tạo được hình ảnh đáng tin cậy cho các sản phẩm cá ngừ XK sang đất nước Hoa Anh Đào.