Rào cản thương mại
Xuất khẩu: Rào cản của thị trường châu Phi, Trung Đông
01/10/2014

Trung Đông, châu Phi được biết đến như một thị trường mới, nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng khoảng cách địa lý, cách thức thanh toán, giao dịch… với các thị trường này vẫn gặp nhiều trở ngại lớn.

Tại hội thảo “Việt Nam-Trung Đông-châu Phi, thị trường mới cho sự phát triển” diễn ra tại Hà Nội ngày 7-9, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, trao đổi thương mại Việt Nam với các nước thuộc khu vực châu Phi, Trung Đông đã được cải thiện rõ rệt. Với lượng dân số đông, châu Phi và Trung Đông được coi là thị trường phát triển tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhưng rào cản lớn nhất trong quá trình thâm nhập thị trường khu vực này, theo các đại biểu tham dự hội thảo, chính là khoảng cách địa lý quá xa, khiến chi phí vận chuyển đội lên nhiều lần, chưa kể đến hành trình vận chuyển hàng hóa khó khăn khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa dám mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm và thâm nhập vào thị trường thuộc các nước khu vực châu Phi, Trung Đông.

Ngoài vấn đề khoảng cách địa lý, cách thức thanh toán còn nhiều vướng mắc cũng là khó khăn đối với các doanh nhiệp hai bên.“Việt Nam đã tham gia xuất nhập khẩu vào thị trường Châu Phi từ lâu. Tuy nhiên vẫn phải đi đường vòng bằng cách làm ăn với các doanh nghiệp châu Âu. Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt khi giao thương với doanh nghiệp châu Phi chính là vấn đề thanh toán”, ông Nguyễn Văn Chiểu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An chia sẻ.

Ông Chiểu cho rằng, các doanh nghiệp châu Phi thích thanh toán bằng tiền mặt, tuy nhiên để chắc chắn trong hoạt động làm ăn, doanh nghiệp Việt lại chọn hình thức thanh toán qua L/C (Letter of credit-thư tín dụng). Chính vì thế, hai bên khó có được sự thống nhất trong giao dịch mua bán.

Hầu hết các đại biểu cũng cho rằng, để tháo bỏ khó khăn trong vấn đề thanh toán, hai bên phải thống nhất lựa chọn được ngân hàng quốc tế có uy tín để thực hiện việc thanh toán.

Một vấn đề khác gặp phải trong quá trình xuất nhập khẩu vào thị trường châu Phi và Trung Đông chính là các doanh nghiệp tại thị trường này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa; một doanh nghiệp không thể mua toàn bộ hàng hóa mà phía doanh nghiệp Việt chuyển sang bán tại đó. Các doanh nghiệp tham dự hội thảo đề xuất nhà nước hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp đầu mối tại châu Phi và Trung Đông để giải quyết khó khăn này.

“Ngoài ra, doanh nghiệp Việt có thể xây dựng kho bãi tại thị trường này, tiêu thụ dần cho từng doanh nghiệp nhỏ.Điều này sẽ giúp làm giảm áp lực phải bán cho bằng hết số hàng chuyển sang trong một thời gian nhất định” ông Hà Đăng Tài, Tổng giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu Tài Anh, doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm giao thương tại thị trường này chia sẻ.

Theo Bộ Công Thương, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Phi đã tăng từ 2,07 tỉ đô la Mỹ năm 2009 lên 4,77 tỉ đô la Mỹ năm 2011 và ước đạt 1,81 tỉ đô la Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2012.

Con số này tại thị trường Trung Đông là 3,31 tỉ đô la Mỹ năm 2010, năm 2011 đạt 5,17 tỉ đô la Mỹ, và 8 tháng đầu năm 2012 ước đạt 3,95 tỉ đô la Mỹ.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu gồm gạo, dệt may, giày dép, sản phẩm điện-điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện phụ tùng, hóa chất… Các thị trường chủ yếu là Nam Phi, Ai Cập, Senegal, Ghana, Bờ Biển Ngà…

Tại khu vực Trung Đông, các thị trường xuất khẩu lớn nhất là UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê út, Iraq với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm có điện thoại di động và linh kiện, sợi các loại, hàng hải sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vải, sữa, hạt tiêu, sản phẩm dệt may…

Tính đến tháng 8/2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 17 dự án đầu tư sang châu Phi với tổng giá trị gần 1,2 tỉ đô la Mỹ; tại thị trường Trung Đông là 4 dự án với tổng giá trị lên tới 84 triệu đô la Mỹ.

Ngoài lĩnh vực thương mại, hợp tác công nghiệp và đầu tư giữa hai bên cũng bắt đầu được mở rộng.

Ý kiến bạn đọc