Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu nên các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam luôn chú trọng đảm bảo các yêu cầu chất lượng khắt khe của cơ quan thẩm quyền Nhật Bản để giữ uy tín tại thị trường này.
Thế nhưng trong 3 năm gần đây, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản luôn gặp khó khăn vì “vấp” phải nhiều rào cản mới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), những tháng đầu năm 2010, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản tăng trưởng ấn tượng với tốc độ gia tăng 2 con số cả về khối lượng và giá trị sau một năm dài ảm đạm. So với cùng kỳ năm 2009, XK tôm sang Nhật Bản tháng 3/2010 tăng 22,9% về khối lượng và 23,4% về giá trị, tương tự tăng 32,9 % về khối lượng và 41,8% về giá trị trong tháng 4.
Cứ tiếp tục như vậy, tôm Việt Nam “vững bước” cho đến khi phía Nhật Bản quyết định tăng cường kiểm soát 100% tôm nhập khẩu đối với chỉ tiêu Trifluralin từ ngày 21/10/2010. Trong tháng này, khối lượng tôm XK sang Nhật Bản tuột dốc mạnh từ mức tăng trưởng 2 con số xuống -1,6%. Trước đó 1 tháng, khối lượng tôm XK sang thị trường này cũng chỉ tăng trưởng 2,9% khi Nhật Bản tăng tần suất kiểm tra Trifluralin từ 0% lên 30%.
Để vượt qua khó khăn này, doanh nghiệp XK đã phải tốn nhiều chi phí để kiểm soát Trifluralin, một loại hóa chất có nguồn gốc từ thuốc diệt cỏ được dùng để trị bệnh cho tôm nuôi. Chính nhờ những nổ lực đó của các doanh nghiệp đã đưa XK tôm sang Nhật Bản có xu hướng tăng trưởng trở lại nhưng chưa ổn định. Trong tháng 1/2011, XK tôm sang Nhật Bản tăng 15,6% về khối lượng và 23,5% về giá trị; tháng 2 tăng 6,1% về khối lượng và 6,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.Lần này, tôm Việt Nam lại vướng phải dư lượng Enrofloxacin trong tôm XK sang Nhật Bản vượt mức cho phép. Vì vậy, trong tháng 3 và tháng 4/2011, XK tôm sang Nhật Bản lại giảm và giảm mạnh trong 3 tháng liên tiếp sau đó. Ngày 9/6/2011, Nhật Bản chính thức kiểm tra dư lượng chất này đối với 100% các lô tôm NK từ Việt Nam.
Cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người nuôi, bước sang năm 2012, tình trạng tôm Việt Nam bị cảnh báo dư lượng Enrofloxacin tại thị trường Nhật Bản đã tạm lắng. Tuy nhiên, đến ngày 18/5/2012, Nhật Bản đột ngột quyết định kiểm tra Ethoxyquin đối với 30% số lô tôm NK từ Việt Nam, trong bối cảnh XK tôm Việt Nam vào thị trường này tăng mạnh từ 26% đến 50% trong 3 tháng liên tục trước đó. Theo Tổng cục Hải quan, giá trị XK tôm sang Nhật Bản trong tháng 5 tăng 27,8%, đưa giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt trên 216 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nhật Bản đang xây dựng thêm một rào cản mới đối với tôm Việt Nam, bởi Ethoxyquin là chất được sử dụng để chống oxy hóa phổ biến trong thức ăn chăn nuôi. Tại Nhật Bản, chất này được phép sử dụng trong thức ăn nuôi tôm với hàm lượng cho phép tối đa 150 ppm, trong khi mức giới hạn cho phép đối với tôm NK từ Việt Nam chỉ là 0,01 ppm.
Để giải quyết vấn đề kiểm soát Ethoxyquin, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác sang đàm phán với phía Nhật Bản. Dù chưa có thông tin chính thức từ Bộ Y tế Nhật Bản, tuy nhiên Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho biết đã nhận được thông báo từ Uỷ ban ATTP Nhật Bản và Hiệp hội các DN nhập khẩu tôm của Nhật Bản về việc Bộ Y tế Nhật Bản đã quyết định dừng việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin với tần suất 30% của tôm Việt Nam XK sang nước này kể từ ngày 26/6/2012. Đồng thời, phía Nhật Bản có thể nâng mức dư lượng cho phép trong tôm nhập khẩu vào nước này từ 0,01 ppm lên mức 1 ppm trong thời gian tới.
Hết Trifluralin tới Enrofloxacin, rồi Ethoxyquin, và tiếp theo sẽ là chất gì? Người nuôi tôm và các doanh nghiệp XK tôm sang Nhật Bản đang lo ngại vấn đề này nên họ rất cần có sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của các cơ quan chức năng để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu chung của ngành.