Rào cản thương mại
Người lao động - nạn nhân trực tiếp của việc áp thuế phá giá da giày
01/10/2014

Công nhân nghẹn ngào trong nước mắt vì thu nhập bị cắt giảm từ đầu năm, khó có thể nuôi nổi bản thân và không giúp gì được cho cha mẹ đang đau ốm.

Đó một trong những hình ảnh điển hình của hơn 500.000 lao động trực tiếp trong ngành da giày Việt Nam đang lâm vào cảnh thất nghiệp do tác động của việc EU áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam.

Tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ vụ kiện đều có một bộ phận lao động bị mất hoặc không đủ việc làm, khoảng 30% doanh nghiệp thu hẹp sản xuất phải cắt giảm lao động. Đã có một số doanh nghiệp thống kê được con số thiệt hại trực tiếp do giảm thu nhập lên tới hàng chục tỷ đồng, chưa kể những thiệt hại nặng nề bởi chỉ sử dụng được 70% công suất thiết kế, một lượng vốn chết khá lớn trong đầu tư cơ sở hạ tầng.

Không chỉ số lao động trực tiếp này mà còn có một số lượng tương đương công nhân làm việc trong các lĩnh vực phụ trợ bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm. Nạn nhân chính là những lao động nữ và con cái họ, vì ngành da giày có tới 80% lao động là nữ và phần lớn là người nghèo đến từ các vùng nông thôn. Nhiều công nhân phải thay nhau nghỉ giãn ca chờ việc nên chỉ nhận mức lương cơ bản, tức là khoảng 50% tổng mức thu nhập vốn đã ít ỏi, hoặc hưởng mức lương chờ việc chỉ bằng 70% lương cơ bản, các khoản thu nhập khác bị cắt bỏ hoàn toàn.

Theo kết quả nghiên cứu điều tra của Hiệp hội giày da Việt Nam và Tổ chức Action Aids Vietnam phối hợp thực hiện, có 16 doanh nghiệp da giày Việt Nam chịu tác động trực tiếp của vụ kiện, từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Trong số này, chịu tác động nặng nề nhất là các doanh nghiệp sản xuất giày da nữ vì họ sản xuất giày trung và cao cấp, có tỷ lệ da thật khá cao mà EU hiện là thị trường tiêu thụ sản phẩm chính. Bên cạnh đó, còn có 5 công ty giày trẻ em tuy không là đối tượng nhưng cũng chịu tác động của vụ kiện.

 Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, ngay từ khi có thông tin về vụ kiện, từ đầu năm 2005, các đơn đặt hàng giày mũ da đã bắt đầu giảm và cho đến quý 1 năm nay số đơn hàng đã giảm từ 20-50% so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm tháng 5 vừa qua, cả 21 doanh nghiệp đều chưa có đơn hàng cho các tháng tiếp theo và dự báo đơn hàng sẽ còn tiếp tục giảm.

Ý kiến bạn đọc