Rào cản thương mại
Xuất khẩu thủy sản còn nhiều thách thức
01/10/2014

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1-2013, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,2 tỷ USD, giảm gần 8% so với cùng kỳ 2012. Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực là cá tra giảm 7,6% và tôm đông lạnh giảm gần 8%. Trở ngại hiện nay là nguồn nguyên liệu trong nước ngày càng thiếu hụt, thị trường xuất khẩu bên ngoài khó khăn, rào cản kỹ thuật ở các nước dựng lên càng nhiều… Chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản 6,5 tỷ USD năm 2013 đang bị thách thức nghiêm trọng.

 

Nhiều nỗi lo...

Lâu nay, Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm và kim ngạch xuất khẩu tôm đứng đầu cả nước. Con tôm là kinh tế thế mạnh của tỉnh này. Song tình hình nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, xuất khẩu tôm quý 1-2013 giảm đến 30% so cùng kỳ năm ngoái, bởi thị trường khó khăn, nguồn nguyên liệu thiếu hụt. Đặc biệt là gần 18 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tạm ngưng hoạt động hoặc chạy cầm chừng do thiếu vốn và những nguyên nhân khác.

Ngoài ra, thời tiết diễn biến khó lường, nắng hạn gay gắt, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng gây khó cho nhiều cánh đồng tôm nuôi. Cùng với 265.000ha tôm nuôi các loại thì Cà Mau lên kế hoạch nuôi 6.000ha tôm công nghiệp, tới nay diện tích thả nuôi chưa được 50%, nhưng đã xuất hiện dịch bệnh làm chết rải rác. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, mối lo hiện nay là thời tiết quá nóng nên kế hoạch thả nuôi vụ tôm mới 2013 phải lùi lại liên tục; hội chứng làm tôm chết sớm vẫn chưa trị được khiến hàng loạt hộ bất an.

Ông Trần Hoàng Dũng, Phó phòng NN-PTNT huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết, những ngày qua nông dân trong huyện thả nuôi được 600ha/4.100ha tôm, dịch bệnh xuất hiện làm chết hơn 10% diện tích. Ngành chuyên môn khẩn trương khuyến cáo nông dân tạm ngưng xuống giống, chờ khi nhiệt độ giảm mới thả tiếp, nhằm hạn chế thiệt hại. Hiện tại, nguồn tôm nguyên liệu ở ĐBSCL thiếu trầm trọng, trong khi việc thả nuôi năm nay bị đọng sẽ khiến sản lượng tôm cung ứng cho các nhà máy đã thiếu càng thiếu hơn. Không đủ tôm, xem như việc đẩy mạnh chế biến xuất khẩu gặp trở ngại.

Đối với cá tra, tình hình xuất khẩu không như mong muốn. Giá xuất cá tra phi-lê sang thị trường châu Âu khoảng 2,5 - 2,6 USD/kg; giá giảm so với cùng kỳ là 2,7 - 2,8 USD/kg. Thêm cái khó là Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định cuối cùng tăng mạnh mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi-lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ, đẩy các doanh nghiệp vào cảnh khốn đốn. Hiện VASEP và các doanh nghiệp đang đấu tranh nhưng mọi việc còn rất khó.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX thủy sản Châu Phú (An Giang), lo ngại: “Giá cá tra dao động rất thấp chỉ 22.000 đồng/kg, tính ra người dân lỗ gần 3.000 đồng/kg; cộng thêm việc Mỹ tăng thuế chống bán phá giá nếu không sớm giải quyết ổn thỏa thì nhiều hộ không dám đầu tư nuôi cá”. Trong khi đó, con nghêu là mặt hàng xuất khẩu ổn định những năm qua thì nay giá xuất cũng giảm; nguồn nguyên liệu đang bị đe dọa khi dịch bệnh hoành hành làm nhiều bãi nghêu ở Tiền Giang, Bến Tre… thiệt hại nặng.

Chủ động vượt khó

Khó khăn là vậy, song với bản lĩnh và kinh nghiệm thương trường, các doanh nghiệp thủy sản vẫn nỗ lực về đích. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, bộc bạch: “Không phải bây giờ mà từ các năm trước công ty đã dự báo xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sẽ đối mặt khó khăn. Công ty chủ động xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu cơ bản đáp ứng nhu cầu chế biến nhằm tránh phụ thuộc. Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới để hạ giá thành, tiết giảm các chi phí, tăng cường chế biến sản phẩm chất lượng để khẳng định thương hiệu và uy tín với khách hàng quốc tế… nhờ đó mà 3 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng hơn 10% so cùng kỳ 2012. Với đà này, dự báo cả năm 2013, công ty xuất đạt 45 triệu USD, tăng 12%”.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt cho biết, chủ trương của công ty là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó đẩy mạnh thị trường Nam Mỹ và công ty đã thành công khi từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 10%; tạo niềm tin để nỗ lực trong thời gian tới. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, cái khó của xuất khẩu cá tra trong 3 tháng qua chủ yếu rơi vào những doanh nghiệp nội lực yếu, kinh doanh thiếu bài bản… Riêng những doanh nghiệp mạnh, đã tạo được uy tín thì vẫn được đối tác quốc tế ký hợp đồng. Vấn đề là giá xuất khẩu chưa thể nâng lên, từ đó khó đẩy giá cá tra trong nước tăng lên theo hướng có lợi cho người nuôi.

Một số doanh nghiệp lo ngại, sau khi Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá cá tra sẽ tạo ra làn sóng dịch chuyển thị trường từ Hoa Kỳ sang châu Âu, châu Á, châu Phi… Không loại trừ những doanh nghiệp mới này sẽ áp dụng “chiêu” giảm giá bán, cho nợ lâu… nhằm lấy mối, giành khách hàng, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Giải quyết việc này, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch VASEP, đề nghị, có biện pháp xử lý những doanh nghiệp làm ăn gian dối để trả lại hình ảnh và sự công bằng cho cá tra Việt Nam.

Cụ thể, 2013 không nên đặt nặng chỉ tiêu về sản lượng nuôi, kim ngạch xuất khẩu… mà tập trung vào củng cố chất lượng và tăng giá trị cá tra lên. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt, cá tra Việt Nam vẫn “một mình một chợ trên thế giới”. Vấn đề là siết chặt quản lý đầu vào - đầu ra, đồng thời tìm mối liên kết được giữa các doanh nghiệp với nhau cùng thống nhất về giá bán, chất lượng, chủng loại… thì giá xuất khẩu cá tra sẽ được nâng lên và tránh được tình trạng bị nước ngoài ép giá.

Xuất khẩu tôm, cùng khó khăn từ thị trường Mỹ về vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam, rào cản ethoxyquin từ Nhật Bản; mới đây các ngành chức năng Hàn Quốc thông báo kiểm tra chỉ tiêu ethoxyquin trong tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam thời hạn 1 năm (từ 1-1 đến 31-12-2013). Đây sẽ là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp, bởi từ đầu năm đến nay các thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Việt Nam đều giảm.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết, đang hỗ trợ các doanh nghiệp bằng nhiều cách để vượt qua khó khăn về rào cản kỹ thuật, chống trợ cấp… nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường chế biến, xuất khẩu. Dự báo thị trường chung còn khó nhưng vẫn có lối ra bởi sản lượng tôm toàn cầu năm nay giảm; trong đó Thái Lan giảm về sản lượng và xuất khẩu. Thuận lợi cơ bản là thị trường châu Á có nhu cầu tiêu thụ tôm tăng, vì vậy các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc, Singapore, Philippines… Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, tăng xuất khẩu vào các thị trường mới.

Theo Bộ Công thương, nếu mọi việc thuận lợi như kinh tế châu Âu và Mỹ phục hồi tốt; đồng thời chúng ta giải quyết ổn thỏa các vụ kiện và rào cản kỹ thuật thì xuất khẩu thủy sản 2013 có thể đạt 6,5 tỷ USD, tăng 4,3% so năm 2012. Còn nếu thị trường diễn biến như năm 2012, dự báo xuất khẩu thủy sản 2013 chỉ đạt 6,15 tỷ USD. Trường hợp không thuận lợi từ trong nước lẫn ngoài nước, dự kiến xuất khẩu thủy sản 2013 chỉ đạt 5,6 tỷ USD, giảm 8,7% so năm 2012.

Ý kiến bạn đọc