Xuất khẩu xi măng và những rào cản
30/09/2015
Sau khi hai tập đoàn hàng đầu thế giới là Lafarge (của Pháp, sản lượng 224 triệu tấn/năm từ 161 nhà máy lớn, không tính các trạm nghiền) và Holcim (Thụy Sỹ, 218 triệu tấn/năm từ 147 nhà máy) đã hợp nhất với nhau mới đây thì họ vượt lên hẳn các tập đoàn của Trung Quốc như CNBM (221 triệu tấn/năm), Anhui Conch (217 triệu tấn/năm) và khoảng 22 tập đoàn xi măng khác của Trung Quốc mà mỗi tập đoàn đều đạt sản lượng cao hơn tổng sản lượng của 106 nhà máy hiện đang hoạt động ở Việt Nam.
Ai vẽ lại bản đồ dòng chảy xi măng thế giới?
Về cấu trúc thị trường xuất khẩu và phân phối xi măng nói chung, 13 tập đoàn xi măng đang chiếm thị phần khoảng hai phần ba của toàn thế giới. Đứng đầu là LafargeHolcim. Hai văn phòng của họ tại Singapore và Dubai hoạt động rất mạnh. Và để triển khai chiến lược toàn cầu như HeidelbergCement, Italcementi, Cemex... hay chiến lược khu vực như Dangote, Wacem.., hiện nay, 40% tổng sản lượng vận chuyển xi măng đường biển của cả thế giới nằm trong tay 4 tập đoàn lớn nhất. Họ cũng sở hữu 31% tải trọng số tàu chuyên dụng.
Trung Quốc cũng chỉ mới gần đây đầu tư nhà máy vào Indonesia và tham gia mua bán - sáp nhập (M&A) chủ yếu về vốn tại một số nước châu Phi. Tuy chưa xây dựng cảng và trạm nghiền sát biển để xuất xi măng, nhưng các nhà phân tích đều nhận định là Trung Quốc, với mức tăng về vật liệu xây dựng chỉ còn ở mức 2,1% (dưới mức bình quân toàn thế giới là 4,6%), sẽ gây ra một cơn lũ xi măng xuất khẩu giá rẻ, và nhấn chìm một số vùng, vẽ lại bản đồ dòng chảy xi măng thế giới.
Như thế, có thể nói “rừng nào cọp nấy”, “rừng nào cũng đã có nhiều cọp” và các tập đoàn lớn đã bao vây chúng ta, mà khả năng tham gia vốn hoặc M&A cũng như đầu tư ra nước ngoài (thí dụ ở Myanmar hay Bangladesh) thì đều gặp phải mấy điểm yếu chính sau đây: vốn, công nghệ (chủ yếu là ta mua và dựa vào FLSmidth và ThyssenKrupp Polysius), đội ngũ kỹ sư, ngành cơ khí phụ trợ và khung pháp lý.
Việc xuất khẩu xi măng của Việt Nam, về thực chất, chỉ là điều tiết trong giai đoạn có thể bị khủng hoảng thừa, chứ rất khó trở thành một chiến lược phát triển bền vững, vì thiếu sức mạnh nội tại về vốn và công nghệ. Lĩnh vực xi măng lệ thuộc rất lớn vào mạng lưới phân phối và lợi nhuận, nếu có, thường thu được ở thị trường nội địa, thị trường có cự ly gần, dễ vận chuyển và nhu cầu vừa cao vừa lâu dài.
Xin lưu ý là số lượng buôn bán sản phẩm xi măng bằng đường biển quốc tế chưa bao giờ vượt quá 3% tổng sản lượng toàn cầu. Và Việt Nam với tỷ lệ sản lượng xi măng và clinker xuất khẩu so với tổng sản lượng tự làm ra tương đương Iran (tức 18-19%) sẽ đứng trước nhiều thách thức, rủi ro và sự bấp bênh hơn là cơ hội mang tính bền vững (1).
Giá xi măng trên toàn thế giới gần như đứng yên từ mấy năm nay. Trong khu vực phía Đông của châu Á, giá xi măng của Trung Quốc gần như luôn ở mức thấp nhất. Trong suốt gần mười năm qua, lấy giá FOB của loại xi măng 42.5N và 42.5R là hai loại được mua bán nhiều nhất trên thế giới (tương đương PC500 và PCB500), giá của Việt Nam chỉ trong khoảng 50-53 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn giá xi măng trong khu vực khoảng 10%, nhưng ngặt một chuyện là xấp xỉ giá của Trung Quốc và thêm nữa là cước vận chuyển cao (không có cảng chuyên xuất xi măng và clinker, không có tàu chuyên dùng để vận chuyển an toàn sản phẩm trong mùa mưa) nên vẫn khó đi xa. Giá FOB cho clinker chỉ khoảng 38 đô la Mỹ/tấn.
Vấn nạn hiện nay là giá điện và giá than tăng liên tục. Tổng chi phí năng lượng đang chiếm 50% giá thành xi măng. Và kinh nghiệm của tập đoàn hàng đầu thế giới là Anhui Conch sản xuất 103 triệu tấn/năm nhưng lợi nhuận chỉ là 502 triệu đô la Mỹ, nghĩa là lợi nhuận chỉ khoảng 5 đô la Mỹ/tấn, chưa tới 10%.
Giá thành là một vấn đề lớn. Mặc dù giá nội địa hiện nay cao hơn giá xuất khẩu. Bán nội địa có thể có lãi nếu vận chuyển và phân phối tốt và thị trường bất động sản ấm trở lại. Nhà nước thu được thuế VAT. Vậy thì xuất khẩu không thể là cứu cánh mà chỉ là phương tiện điều tiết mà thôi.
Câu chuyện Việt Nam
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng trị giá xuất khẩu xi măng và clinker 2014 của Việt Nam là 912,4 triệu đô la Mỹ (2), với 10 nước nhập nhiều nhất như sau:
Nước nhập khẩu (đơn vị tính: trị giá/triệu đô la Mỹ)
Bangladesh: 322 (35,3%)
Indonesia: 123 (13,5%)
Malaysia: 62
Philippines: 44,2
Chile: 31,1
Campuchia: 27,5
Lào: 23,1
Úc: 20,6
Peru: 20,4
Sri Lanka: 10,7
Thị trường xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam tương đối bó hẹp, mang tính cách tình thế và chưa thể nói đến thị trường ngách với lợi nhuận cao (niche market) kiểu như xi măng P600 cho Brunei với giá gần gấp đôi loại thông dụng.
Cơ hội ở Bangladesh là do cơn sốt vật liệu xây dựng ở đây còn kéo dài. Xi măng Cẩm Phả đã tranh thủ được thời cơ và một phần nhờ đó vượt qua khó khăn riêng, sau khi được Viettel mua lại. Cơ hội ở Indonesia cũng nhờ vào đối tác chiến lược Semen Indonesia (sản xuất 30 triệu tấn/năm) nắm 70% cổ phần Xi măng Thăng Long. Thị trường Myanmar rất khó đầu tư có lợi, xét về lâu về dài, vì bị khống chế mức dưới 2.000 tấn/ngày và không có đội ngũ công nhân khá giỏi như 50.000 công nhân Việt Nam hiện nay.
Thái Lan đang chiếm đến 70% tổng lượng hàng xi măng nhập khẩu vào Myanmar, với thương hiệu Elephant và Diamond (3).
Vicem và Vissai là hai nhà xuất khẩu tiềm năng nhất, nghĩa là có khả năng tiếp cận, nghiên cứu thị trường và điều tiết cung cầu hiệu quả.
Thị trường xuất khẩu xi măng tuy nhỏ nhưng tương đối ổn định, bền vững hơn đối với Việt Nam là Lào, Campuchia, Philippines, Singapore, Indonesia va Bangladesh. Số lượng xi măng xuất đi để điều tiết, giảm tác động dư thừa sản phẩm không nên lưu kho lâu, nên nằm dưới con số 5 triệu tấn/năm để không vượt ngưỡng an toàn.
Trong năm 2014, tổng sản lượng xi măng của toàn thế giới là 4,18 tỉ tấn, trong đó, người khổng lồ Trung Quốc làm ra 2,5 tỉ tấn (chiếm 60%), gấp 36 lần sản lượng của cả nước ta (đứng hàng thứ 8) .
Ấn Độ và Mỹ rất đông dân nhưng cũng chỉ sản xuất 280 và 83,3 triệu tấn, đứng thứ nhì và thứ ba, với khoảng cách khá xa so với Trung Quốc.
So với 10 năm trước, sản lượng xi măng toàn cầu đã tăng gấp đôi.
Các yếu tố để vượt rào cản
Như đã trình bày ở trên, việc xuất khẩu xi măng và clinker chỉ là phương tiện điều tiết chứ không phải là mục tiêu chính của ngành xi măng Việt Nam. Sự phát triển bền vững của toàn ngành, kể cả việc xuất khẩu, chính là nhờ khả năng nội tại của thị trường trong nước.
Việc kích cầu rất quan trọng để ngành xi măng phục vụ hiệu quả nhất cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Quỹ đạo đã được vạch ra, nhưng tốc độ cần được điều chỉnh cho phù hợp để hoạt động có lãi, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, thúc đẩy sự ấm lại một cách lành mạnh của ngành xây dựng nhà ở, công trình và bất động sản nói chung.
Việc thường xuyên điều chỉnh các chỉ tiêu theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết.
Thí dụ, năm 2015 sẽ không có dự án nào được đưa vào hoạt động. Nguồn cung xi măng cả nước còn khoảng 82,6 triệu tấn/năm là tối đa, giảm gần 12 triệu tấn so với con số 94,2 triệu tấn/năm trong quy hoạch theo Quyết định 1488 nói trên.
Việc liên kết quốc tế để nhận cung ứng cho các công trình tầm cỡ quốc gia, các đơn hàng đặc biệt, các kênh phân phối thuận lợi về vận chuyển, giá cạnh tranh hơn và mang tính kế hoạch cao, cũng là một việc rất đáng được quan tâm.
Điều cấp bách nhất hiện nay là giải quyết bài toán giá thành. Bài toán này phục vụ cho xuất khẩu và cho cả thị trường nội địa. Mà muốn giảm giá thành thì phải xem xét lại việc ngành xi măng tự đáp ứng một phần nguồn điện từ tái sử dụng năng lượng, xem lại việc sử dụng chất đốt (phần lớn là than đá là loại than cao cấp, và số lượng dầu FO đang rẻ thì lại ít dùng. Cả nước chỉ nhập 5% lượng FO Mazut trong tổng số xăng dầu) nên cần xem xét và cân nhắc để quyết định sớm việc cho phép nhập những nguồn than vừa phù hợp vừa rẻ hơn than nội địa khá nhiều (chủ yếu là các loại tương đương than 3C và 4A hiện đang dùng, mà chi phí than đang chiếm đến 32% giá thành).
Giải quyết được những vấn đề trên, ngành xi măng sẽ vững tiến đi đến tương lai hiện đại hóa.
Ý kiến bạn đọc
TIN TỨC MỚI
• Việt Nam và Philippines gia hạn thỏa thuận về thương mại gạo (29/12/2016)
• Nông nghiệp 2016: Vượt thách thức, duy trì tăng trưởng (26/12/2016)
• Quảng Ninh: Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu (26/12/2016)
• VASEP cảnh báo hiện tượng lừa đảo trong giao dịch xuất khẩu thủy sản (23/12/2016)
• Xuất khẩu cá tra: Vẫn lo tăng trưởng thiếu bền vững (22/12/2016)
• Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương xuất khẩu bụi lò thép (22/12/2016)
• EVFTA cơ hội cho các ngành công nghiệp bứt phá (20/12/2016)
• Tiến trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam: “Thỏi nam châm' thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc (16/12/2016)
• Nông lâm thủy sản sang Trung Quốc: Xuất nhiều, rủi ro cao (12/12/2016)
• Tăng lực cho hàng Việt vào ASEAN (10/12/2016)
TIN TỨC CŨ