Thị trường xuất nhập khẩu
Triển vọng tăng cường quan hệ hợp tác Vietnam-Rumani
27/04/2016

 Triển vọng tăng cường

 
 
Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Rumani

 

 

1/Thực trạng:

Theo số liệu của Hải Quan Việt Nam, 3 năm gần đây (2012-2014) tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai nước đạt mức tăng trưởng khá nhanh, năm 2014 bắt đầu đạt mốc 150 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Rumani chiếm tỷ lệ khoảng 70%.

Riêng năm 2015 tổng giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Rumani đạt mức 177,0 triệu USD, tăng 20,5% so với năm 2014, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Rumani đạt 103,2 triệu USD, tăng 5% và nhập khẩu đạt 73,8 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Rumani năm 2015, đáng chú ý là các mặt hàng có kim ngạch cao như cà phê (13,1 triệu USD), Nguyên liệu sắt thép (11,2 triệu); Thủy hải sản (6,5 triệu), hàng may mặc (6,5 triệu), Giầy dép các loại (6,2 triệu), Sản phẩm điện tử, máy tính (1,5 triệu)… Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng chính từ Rumani 2015 gồm bột mỳ (28,2 triệu USD), máy móc phụ tùng (15,0 triệu), hóa chất các loại (6,1 triệu), nguyên liệu sắt thép (5,2 triệu), dệt may (3,8 triệu), sản phẩm gỗ (2,6 triệu USD).

 

 

2/Giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương:

-Về trao đổi thương mại: để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu hàng Việt Nam sang Rumani, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận thị trường, thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp với các nhà phân phối địa phương, xây dựng lòng tin đối với đối tác, tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm, đồng thời nghiên cứu khả năng hợp tác liên doanh sản xuất hàng xuất khẩu với các đối tác Rumani.                                 

Khi thực hiện hợp đồng xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý bảo đảm số lượng cung ứng hàng ổn định, thường xuyên cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lương sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới… Bên cạnh việc doanh nghiệp phải tự nỗ lực là chính thì sự hỗ trợ của các tổ chức xúc tiến thương mại hai nước là hết sức cần thiết, nhất là việc cung cấp thông tin thị trường, đối tác, giúp tổ chức hội nghị, hội thảo, khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm…

-Về đầu tư: hai bên cần tích cực xem xét khả năng hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp dầu khí (đào tạo chuyên gia, kỹ thuật hóa dầu, cung cấp thiết bị khai thác dầu khí...), xây dựng (thiết kế và xây dựng nhà ở, cầu đường, sản xuất vật liệu xây dựng…), năng lượng (sản xuất thiết bị điện, cơ khí chế tạo…). Đây là các lĩnh vực tiềm năng của Rumani và cũng là các lĩnh vực có nhiều cán bộ, chuyên gia, kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại Rumani trong những năm trước đây cần được phát huy. Ngoài ra để tranh thủ các nguồn tài trợ của EU, hai bên có thể nghiên cứu khả năng đầu tư, liên doanh về nuôi trồng và chế biến thủy sản, sản xuất rượi vang, chế biến nông sản thực phẩm…

Dự kiến trong tháng 6/2016 hai bên sẽ tổ chức cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ lần thứ 15 tại Hà Nội. Đây là tiền đề thuận lợi thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Nguồn Thương vụ Việt Nam tại Rumani 

Ý kiến bạn đọc