Thị trường ngoài nước
Ảnh hưởng từ khủng hoảng châu Âu
26/05/2013

Tình hình cuộc khủng hoảng châu Âu thời điểm này như một vệt đen kéo dài u ám cho nền kinh tế thế giới nói chung. Sức ảnh hưởng của nó lan rộng đến nhiều nước trên thế giới và tác động vào mọi ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới (NHTG) trong tháng 6/2013, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2013, thấp hơn mức dự báo đầu năm là 2,4% và mức 2,3% của năm 2012. Khu vực Euro vẫn đang là khu vực có nhiều dấu hiệu kém lạc quan khi quý I/2013 là quý thứ 6 có mức tăng trưởng âm, với mức tăng GDP so với quý trước là âm 0,2% và so với cùng kì năm trước là âm 1,1%. Tỷ lệ thấp nghiệp của khu vực Euro tiếp tục tăng từ khoảng 10% trong năm 2011 lên 12,2% trong tháng 4/2013.

Trung Quốc được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 7,7% trong năm 2013, giảm so với mức dự báo 8,4% vào đầu năm. Thực tế, tăng trưởng GDP trong quý 1/2013 của Trung Quốc chỉ đạt mức 7,7%, thấp hơn mức 7,9% của quý trước và 8,1% của cùng kì năm trước, trong khi đó, nợ của các tỉnh, thành phố, quận huyện và xã Trung Quốc hiện vào khoảng 1,6 đến 3,2 nghìn tỷ USD, tương đương 20-40% quy mô kinh tế đất nước. Đây là lý do khiến ngân hàng trung ương có khả năng sẽ thắt chặt tín dụng để kiểm soát rủi ro tín dụng và đang phải đối mặt với khả năng nợ địa phương ở ngoài tầm kiểm soát.

Nối tiếp theo Trung Quốc, Ấn Độ cũng chỉ đạt mức tăng trưởng GDP 4,8% trong quý 1/2013, thấp hơn mức 5,3% của cùng kì năm trước và tiếp tục xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng từ đầu năm 2010. Ấn Độ cũng đang phải nối mặt với tình hình nợ xấu khi theo Morgan Stanley, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Ấn Độ đã lên tới 9%, tập trung vào các đối tượng người nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mười trong số các tập đoàn gia đình lớn cũng chiếm tới 13% toàn bộ tổng số nợ của hệ thống, đa phần được xếp vào loại nợ đang thực hiện mặc dù trong tình trạng rất yếu kém.

Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới có sự hỗ trợ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản khi Mỹ đang duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 2% từ đầu năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 9% trong năm 2011 xuống 7,6% trong tháng 5/2013. Cùng với đó, chỉ số giá nhà S&P/ Case Shiller trong tháng 4/2013 đã tăng 12,1% so cùng kì năm trước, niềm tin tiêu dùng ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, chỉ số tín nhiệm tăng từ mức tiêu cực lên ổn định. Nhật Bản cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng dương từ quý 1/2012 với tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức trên 4,5% đầu năm 2012 xuống còn 4,1% trong tháng 4/2013.

Trong nửa đầu năm 2013, để đảm bảo sự phục hồi tăng trưởng và ngăn chặn sự lên giá tương đối của nội tệ, nhiều ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất, thậm chí xuống mức thấp kỉ lục như ECB (0,5%), Ngân hàng trung ương Australia (2,75%), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (0%). Nhiều khả năng, chính sách nới lỏng tiền tệ của các nước sẽ được duy trì đến hết năm 2013, nhất là Châu Âu và Nhật Bản. Nhật Bản thực hiện chính sách đồng Yên yếu và dự kiến tăng gấp đôi cung tiền lên đến 140.000 tỷ Yên nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% vào cuối năm. ECB cũng dự kiến giảm lãi suất xuống 0% (hiện nay là 0,5%) và sẵn sàng chi không giới hạn mua trái phiếu để cứu khu vực Euro (trước đó đã chi 524 tỷ euro).

Ngay cả FED cũng tuyên bố sẽ xem xét điều chỉnh chương trình mua trái phiếu (hay nới lỏng định lượng) vào cuối năm 2013 và có thể sẽ ngừng hẳn vào giữa năm 2014 nếu kinh tế tiếp tục phục hồi. Thực tế, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm đã có xu hướng tăng kể từ tháng 7/2012 (từ 1,4% lên 2,55% vào tháng 6/2013).

Tuyên bố trên của FED cũng cho thấy nguy cơ đảo chiều dòng vốn đầu tư vào trái phiếu tại các nền kinh tế mới nổi, qua đó sẽ làm USD tăng giá, lãi suất dự báo cũng sẽ tăng. Theo Quỹ đầu tư mạo hiểm (Hedge Fund) SLJ Macro Partners, từ 2009 có khoảng 4.000 tỷ USD đã được đổ vào các nền kinh tế mới nổi; Theo thống kê của EPFR Global, trong vòng 4 tuần vừa qua có tới 6,9 tỷ USD đã được rút khỏi các quốc gia đang phát triển. Còn theo thống kê của Bloomberg, trong tháng vừa qua, đồng tiền của 19 trong tổng số 24 nền kinh tế mới nổi đã bị mất giá so với USD.

Cũng theo NFSC, giá hàng hóa thế giới trong những tháng đầu năm 2013 tiếp tục xu hướng giảm kể từ đầu năm 2011 và theo số liệu của NHTG, trong 5 tháng đầu năm 2013, giá năng lượng, giá kim loại, và giá nông sản đã giảm tương ứng 4,8%, 17,5% và 3,7%; trong đó, giá lương thực giảm 3,8%, giá nguyên liệu thô giảm 4,5%, giá gạo giảm 4,2% (trong đó, giá gạo Thái Lan giảm 4,4% và gạo Việt Nam giảm 3,6%), giá dầu thô giảm 5,5%. 

Nguyên nhân được NFSC lý giải là do tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi (nhất là Trung Quốc và Ấn Độ) chậm lại đã khiến nhu cầu tiêu thụ lương thực và năng lượng giảm cũng như việc đồng tiền của các nước xuất khẩu giảm giá đã khiến giá nông sản tính bằng USD giảm. NHTG dự báo trong năm 2013 giá năng lượng sẽ giảm 2% (trong đó giá dầu giảm 2,4%) và giá nông sản giảm 6% so với năm 2012.

Ý kiến bạn đọc