Thị trường ngoài nước
Đặc điểm thị trường thiết bị Châu Âu
30/06/2013

Nổi tiếng với ngành công nghiệp sản xuất thiết bị, đặc biệt là thiết bị y tế phục vụ nhu cầu sức khỏe cho con người. Thị trường thiết bị y tế Châu Âu với 3 nước lớn là Đức, Pháp và Italia góp phần quan trọng trong nguồn cung này.

Sau Đức và Pháp, Italia là thị trường lớn trên thế giới về thiết bị y tế. Italia có một hệ thống chăm sóc sức khỏe được chính phủ tài trợ. Vì vậy, chính phủ nước này trực tiếp đứng ra mua các thiết bị y tế. Các bệnh viện công chiếm tới 76% doanh số mua hàng các thiết bị y tế, 24% còn lại thuộc về các bệnh viện tư nhân. Italia là một thị trường phát triển đối với sản phẩm thiết bị y tế. Ngoài ra, thu nhập theo đầu người của người dân cao và hệ thống chăm sóc y tế phát triển cũng làm cho nhu cầu đối với các thiết bị y tế tăng cao. Người dân Italia là những người tiêu dùng có trình độ giáo dục cao và yêu cầu có những phương pháp chữa trị tiên tiến. Vì vậy, nhu cầu đối với các sản phẩm và thiết bị y tế sáng tạo ngày càng nhiều. Giá cả là một yếu tố tối quan trọng trong việc đưa ra quyết định mua hàng, đối với cả lĩnh vực nhà nước và tư nhân.

Nhu cầu thị trường

Thị trường thiết bị y tế Italia có giá trị xấp xỉ khoảng 8,3 tỷ USD năm 2009 và được dự đoán sẽ tăng trung bình 3%/năm cho đến năm 2013.

 Thị trường thiết bị y tế Italia phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu. Các nước cung cấp chính bao gồm: Hoa Kỳ, Đức, Pháp và Nhật Bản. Sản xuất trong nước mạnh trong các lĩnh vực: X quang, thiết bị ngành tim, máy điều hòa nhịp tim, thiết bị gây tê/ gây mê, dụng cụ hô hấp, thiết bị thẩm tách máu và các sản phẩm nha khoa kể các công cụ nha khoa và ghế nha khoa. Tuy nhiên, các sản phẩm và thiết bị y tế phức tạp còn hạn chế. Đây là những thiết bị cần có sự đầu tư thỏa đáng R&D.

 Hệ thống chăm sóc y tế quốc gia (SSN) được thiết lập năm 1978 nhằm cung cấp chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí cho toàn bộ cộng đồng. Vì thế, SSN là nhà cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn nhất tại nước này. Bộ Y tế, thông qua các kế hoạch chăm sóc sức khỏe cấp quốc gia ba năm một lần, thiết lập các mục tiêu cơ bản về chăm sóc y tế, bao gồm phòng tránh bệnh, điều trị và phục hồi sức khỏe. Cơ quan này xác định các mức chăm sóc y tế cho tất cả mọi công dân và đưa ra các hướng dẫn cho việc tổ chức, thực hiện và tài trợ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do SSN tài trợ. 20 vùng của Italia, có trách nhiệm chính trong việc thiết lập và thực hiện các chính sách về chăm sóc y tế, có trách nhiệm phát triển các chương trình chăm sóc sức khỏe cấp khu vực và tổ chức cũng như thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua các đơn vị chăm sóc sức khỏe của địa phương. SSN có nguồn tài chính thông qua Quỹ Y tế Quốc gia do pháp lệnh ngân sách của chính phủ thông qua hàng năm.

 Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe công cộng chiếm tới 80% tổng chi phí dành cho các sản phẩm và thiết bị y tế. Phần còn lại thuộc về các bệnh viện/ dịch vụ chăm sóc y tế tư nhân. Thêm vào đó, SSN mua một lượng lớn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ các nhà cung cấp tư nhân. SSN quản lý hơn 654 bệnh viện công tại các địa phương khác nhau.

 Thêm vào đó, các dịch vụ chăm sóc y tế công cộng quản lý 7.079 điểm điều trị ngoại trú, 1.506 điểm điều trị dành cho người già và 4.794 đơn vị y tế khác. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tư nhân có 629 bệnh viện tư nhân hoạt động độc lập, trong đó có 563 được SSN công nhận và thuộc phạm vi quản lý của SSN. Bản đồ địa lý các bệnh viện công và tư của Italia cho thấy trong khi các bệnh viện công rất phổ biến ở khu vực miền bắc và miền trung của Italia, thì các bệnh viện tư chiếm lĩnh thị trường miền nam.

 Các bệnh viện tư hoạt động linh hoạt hơn và có nguồn tài chính độc lập. Vì vậy, họ cũng ít bị hạn chế bởi các thủ tục mua bán và giới hạn về tài chính giống như các bệnh viện công.

 Các bệnh viện công, chiếm 60% tổng số các đơn vị chăm sóc y tế của nước này, nhưng chiếm tới 80% tổng chi phí mua sắm thiết bị y tế.

 Tiếp cận thị trường

Chính phủ Italia đã thực hiện theo rất nhiều chỉ thị của EU liên quan đến các thiết bị y tế. Những chỉ thị sau của EU hiện đang có hiệu lực tại Italia:

Chỉ thị về thiết bị y tế có thể cấy ghép động (90/385/EEC): Các thiết bị y tế có thể cấy ghép động (AIMD), như máy trợ tim hoặc máy khử rung, được định nghĩa là “bất kỳ thiết bị y tế động nào được đưa vào cơ thể một phần hoặc toàn bộ nhờ phẫu thuật hoặc các biện pháp y học;  hoặc các biện pháp can thiệp y học thông qua các lỗ tự nhiên trên cơ thể, và nó có xu hướng duy trì hoạt động sau thủ tục ghép”.

 Chỉ thị về thiết bị y tế (93/42/EEC): Thiết bị y tế dược định nghĩa rộng rãi là “các thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, vật liệu hay các mục khác được dùng riêng rẽ hay kết hợp, bao gồm cả phần mềm kèm theo được nhà sản xuất hướng đến các ứng dụng chung”. Thiết bị y tế bao gồm ống tiêm, băng gạc, xe lăn, đèn nội soi, kính và áp tròng.

 Chỉ thị về thiết bị y tế chẩn đoán ống nghiệm (IVDD) 98/79/EEC: Thiết bị y tế chẩn đoán ống nghiệm gồm các thuốc thử, chất phản ứng, nguyên liệu điều khiển, hiệu chỉnh, kit, thiết bị, bộ thí nghiệm, hệ thống được dùng riêng rẽ hoặc kết hợp, được nhà sản xuất hướng đến sử dụng cho các mục đích kiểm tra mẫu trong ống nghiệm bao gồm máu và mô từ cơ thể người nhằm cung cấp thông tin về cơ thể, bệnh lý. Thiết bị này bao gồm cả bộ thử thai và máy phân tích xét nghiệm máu.

Ý kiến bạn đọc