Thị trường ngoài nước
Trung Quốc xây cảng ở Campuchia: Tham vọng lớn
24/09/2016

“Trung Quốc không bao giờ đầu tư vào một dự án để thực hiện mục đích đơn lẻ. Họ hướng tới các mục tiêu lâu dài về kinh tế”.

Kế hoạch lâu dài

Mới đây tờ “Thời báo Tài chính” của Anh có bài viết cho biết cảng nước sâu (khoảng trên 11m) do Tập đoàn ở Thiên Tân là Tianjin Union Development Group (UDG) Trung Quốc xây dựng sắp hoàn thành tại tỉnh Koh Kong của Campuchia.

Dự án này bao gồm kế hoạch xây một sân bay quốc tế, các bệnh viện, trường quốc tế, khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao, được lãnh đạo hai nước thông qua vào năm 2008, với thời hạn sử dụng là 99 năm.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao cho biết, cùng với cảng Sihanoukville, cảng nước sâu tại Koh Kong đã được Trung Quốc đầu tư lâu tại Campuchia theo thỏa thuận hợp tác giữa 2 nước.

“Việc đưa vào khai thác sử dụng cảng này nằm trong quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia để thúc đẩy kinh tế thương mại. Sau khi Campuchia cho Trung Quốc thuê dài hạn một số khu vực như Sihanoukville, Koh Kong thì Bắc Kinh đã triển khai dự án được mấy năm nay rồi. Trước mắt thì họ sẽ làm cảng dịch vụ hậu cần. Phía Campuchia mong muốn kết nối cảng đó với Sihanoukville để thúc đẩy xuất khẩu của Campuchia”, TS Thái nhấn mạnh.

Cùng đưa ra ý kiến, TS Ngô Hữu Phước – Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật TP.HCM khẳng định, nhìn nhận dưới góc độ kinh tế thì việc đầu tư của Trung Quốc vào cảng Koh Kong của Campuchia hoàn toàn bình thường.

Theo TS Phước, thời gian qua Trung Quốc đã tiến hành xây dựng cũng như cải tạo hàng loạt cảng nước sâu tại nhiều quốc gia trên thế giới từ khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Myanmar, Indonesia),  ở Pakistan, ở khu vực Châu Phi hay thậm chí ở vùng Vladivostok của Nga.

“Khi các nước, trong đó có Campuchia kêu gọi đầu tư thì Trung Quốc với lợi thế về kinh tế, tiềm năng, kỹ thuật họ sẵn sàng tham gia. Việc mở rộng các cảng biển cũng như cải tạo các cảng biển để phục vụ cho hoạt động vận tải biển. Đặc biệt ở các dự án này thì Campuchia cũng dành nhiều ưu tiên cho Trung Quốc. Vì vậy việc Trung Quốc đầu tư vào đây là hoàn toàn bình thường nếu tuân thủ các quy định pháp luật của nước đó”, TS Phước khẳng định.

Tham vọng kinh tế

Tiếp tục phân tích, TS Phước cho rằng thời gian qua cùng với việc xây dựng cảng nước sâu tại Campuchia, Trung Quốc cũng gia tăng nỗ lực thúc đẩy triển khai sáng kiến Một vành đai - Một con đường. Đáng lưu ý trong số đó là dự án kênh đào Kra cắt ngang qua Thái Lan để kết nối Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương.

“Trung Quốc hay bất cứ quốc gia phát triển nào đều không bao giờ đầu tư để thực hiện một mục đích đơn lẻ. Họ hướng tới mục tiêu lâu dài, thực hiện mục đích tổng thể.

Cho nên tôi cho rằng dự án cảng nước sâu ở Campuchia sẽ là dự án tiền đề cho kế hoạch xây dựng kênh đào Kra trong tương lai. Và dĩ nhiên hoạt động này có tính chất kết nối về mặt kinh tế, địa chính trị của Trung Quốc trên khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Điều này tôi nghĩ không nằm ngoài trù liệu của người Trung Quốc.

Trung Quốc khi đầu tư vào quốc gia nào thì đều mong muốn có ảnh hưởng lâu dài ở quốc gia đó nói riêng và khu vực đó nói chung.

Cùng với đó, hiện nay Trung Quốc đang hướng tới việc liên kết các cảng biển từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, từ Á sang Phi, từ Âu sang Á. Bởi lẽ thế kỷ 21 là thế kỷ của biển và các quốc gia may mắn được thiên nhiên ưu ái giáp biển đang tìm cách để xây dựng , mở rộng các cảng biển, cảng quốc nội. Trung Quốc có nhiều ưu thế nên rất thuận lợi”, TS Phước phân tích.

Trong khi đó, TS Trần Việt Thái đề cập đến một vấn đề khác, đó là thời gian qua Trung Quốc đưa ra nhiều lời đề nghị với các nước về việc vay vốn để xây dựng các tuyến đường kết nối. TS Thái cho rằng đây là một chiến lược lớn của Trung Quốc nhằm cụ thể hóa tham vọng thay thế cảng bốc dỡ, chung chuyển hàng hóa hiện tại ở Singapore cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên hiện nay, bản thân Trung Quốc cũng đang gặp một số khó khăn nhất định.

“Trung Quốc mời gọi nhiều nhưng khi vào đàm phán cụ thể thì không hề đơn giản, bởi còn nhiều yếu tố về lãi suất, về sử dụng công nghệ, thời gian vay vốn, rồi trả hạn bao lâu. Cái này tùy vào từng gói và vào sự đàm phán của các nước. Ở Campuchia thì Trung Quốc tiến hành tương đối thuận lợi do nước chủ nhà ưu ái.

Ở các nước khác thì tùy từng nơi nhưng cũng không phải dễ dàng. Nhiều gói làm được nhưng nhiều gói cũng tắc như gói đầu tư của Trung Quốc tại Peru, tại Brazil.

Dự án kênh Kra cũng chưa nhận được sự đồng thuận từ Thái Lan. Thái Lan mới đồng ý làm báo cáo tiền khả thi. Đến nay theo tôi được biết thì có 28 báo cáo tiền khả thi và chưa có cái nào được triển khai cả”, TS Thái khẳng định.

Việt Nam có thêm lợi thế

Về phía Việt Nam, TS Ngô Hữu Phước đánh giá chúng ta sẽ có thêm nhiều lợi thế khi Trung Quốc đưa vào sử dụng cảng nước sâu tại tỉnh Koh Kong, nhất là trong hoạt động thông thương, giao lưu hàng hải khi tàu thuyền sẽ đến nhiều hơn.

“Bây giờ ở Campuchia chỉ có cảng Sihanoukville gần với Việt Nam. Khi cảng nước sâu ở Koh Kong  đi vào hoạt động, trong tương lai hệ thống tàu bè, hàng hóa tại khu vực này sẽ tấp nập hơn. Khi đó mối bang giao, quan hệ kinh tế hàng hải giữa Việt Nam với Campuchia sẽ tăng lên, tàu thuyền của các nước đi lại giữa 2 nước cũng thuận lợi, dễ dàng hơn. Và dĩ nhiên kim ngạch hàng hóa, vận tải biển cũng sẽ tốt hơn. Đó là những lợi ích về kinh tế”, TS Phước nhận định.

Theo TS Phước, nếu mục đích thương mại tiếp tục được duy trì thì các nước sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên trong trường hợp cảng nước sâu này được sử dụng vào mục đích quân sự, phục vụ cho hoạt động của hải quân Trung Quốc nhằm làm bá chủ biển Đông thì sẽ cực kỳ khó khăn và phức tạp cho Việt Nam nói riêng và cộng đồng các quốc gia ASEAN nói chung.

Cùng đưa ra ý kiến, TS Trần Việt Thái dự đoán, cảng nước sâu tại Campuchia đi vào hoạt động sẽ tạo ra sự cạnh tranh, thúc đẩy dịch vụ vận tải hàng hóa giữa các nước với nhau, trong đó có Việt Nam.

“Tôi nghĩ rằng chỗ đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh. Về vị trí dù nằm sâu trong vịnh Thái Lan nhưng nếu dịch vụ tốt, giá vận tải rẻ, quản lý tốt thì tính cạnh tranh sẽ tăng lên. Về vấn đề an ninh thì tôi cho rằng cần phải theo dõi thêm. Trước mắt tôi chưa thấy có những thách thức về an ninh khi cảng tại Koh Kong đi vào hoạt động”, TS Thái nhấn mạnh.

Ở các nước khác thì tùy từng nơi nhưng cũng không phải dễ dàng. Nhiều gói làm được nhưng nhiều gói cũng tắc như gói đầu tư của Trung Quốc tại Peru, tại Brazil.

Dự án kênh Kra cũng chưa nhận được sự đồng thuận từ Thái Lan. Thái Lan mới đồng ý làm báo cáo tiền khả thi. Đến nay theo tôi được biết thì có 28 báo cáo tiền khả thi và chưa có cái nào được triển khai cả”, TS Thái khẳng định.

Việt Nam có thêm lợi thế

Về phía Việt Nam, TS Ngô Hữu Phước đánh giá chúng ta sẽ có thêm nhiều lợi thế khi Trung Quốc đưa vào sử dụng cảng nước sâu tại tỉnh Koh Kong, nhất là trong hoạt động thông thương, giao lưu hàng hải khi tàu thuyền sẽ đến nhiều hơn.

“Bây giờ ở Campuchia chỉ có cảng Sihanoukville gần với Việt Nam. Khi cảng nước sâu ở Koh Kong  đi vào hoạt động, trong tương lai hệ thống tàu bè, hàng hóa tại khu vực này sẽ tấp nập hơn. Khi đó mối bang giao, quan hệ kinh tế hàng hải giữa Việt Nam với Campuchia sẽ tăng lên, tàu thuyền của các nước đi lại giữa 2 nước cũng thuận lợi, dễ dàng hơn. Và dĩ nhiên kim ngạch hàng hóa, vận tải biển cũng sẽ tốt hơn. Đó là những lợi ích về kinh tế”, TS Phước nhận định.

Theo TS Phước, nếu mục đích thương mại tiếp tục được duy trì thì các nước sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên trong trường hợp cảng nước sâu này được sử dụng vào mục đích quân sự, phục vụ cho hoạt động của hải quân Trung Quốc nhằm làm bá chủ biển Đông thì sẽ cực kỳ khó khăn và phức tạp cho Việt Nam nói riêng và cộng đồng các quốc gia ASEAN nói chung.

Cùng đưa ra ý kiến, TS Trần Việt Thái dự đoán, cảng nước sâu tại Campuchia đi vào hoạt động sẽ tạo ra sự cạnh tranh, thúc đẩy dịch vụ vận tải hàng hóa giữa các nước với nhau, trong đó có Việt Nam.

“Tôi nghĩ rằng chỗ đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh. Về vị trí dù nằm sâu trong vịnh Thái Lan nhưng nếu dịch vụ tốt, giá vận tải rẻ, quản lý tốt thì tính cạnh tranh sẽ tăng lên. Về vấn đề an ninh thì tôi cho rằng cần phải theo dõi thêm. Trước mắt tôi chưa thấy có những thách thức về an ninh khi cảng tại Koh Kong đi vào hoạt động”, TS Thái nhấn mạnh.

Nguồn Báo đất việt

Ý kiến bạn đọc