Thị trường ngoài nước
Xuất khẩu của Đức sẽ sớm cảm nhận tác động từ Brexit
01/09/2016

Theo Hiệp hội Thương mại Đức (BGA), hoạt động xuất khẩu của nước này trong thời gian tới sẽ sớm cảm nhận được “cơn gió lạnh” từ việc nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Vốn là thị trường quan trọng thứ ba của Đức, nước Anh một khi chính thức “chia tay” EU được dự báo sẽ để lại một “lỗ hổng” rất lớn trong xuất khẩu của Đức.

Chủ tịch BGA Anton Boerner trong một phát biểu mới đây đã hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế đầu tàu châu Âu này trong năm nay.

Theo đó, ông Boerner cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Đức sẽ chỉ đạt từ 1,8% đến 2%, so với mức dự đoán đưa ra hồi tháng Tư là 4,5%.

Ngoài yếu tố Brexit, theo ông Boerner, xuất khẩu của Đức trong năm nay cũng ảm đạm do những nguy cơ bên ngoài, như sự bấp bênh trước cuộc bầu cử ở Mỹ, chủ nghĩa dân tộc gia tăng tại châu Âu, vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Bảy, nội chiến Syria,...

Xuất khẩu của Đức sang Mỹ và Pháp - hai thị trường lớn nhất của Đức, đã giảm tương ứng 4% (xuống 53,4 tỷ euro) và 2% (xuống 52,1 tỷ euro) trong sáu tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Anh cùng kỳ sáu tháng đầu năm 2016 cũng giảm xuống còn 44,8 tỷ euro; sang Trung Quốc chỉ tăng 1% lên 36,3 tỷ euro; sang Brazil giảm 18%, còn 4,4 tỷ euro và sang Nam Phi giảm 11% xuống 4,4 tỷ euro.

Đơn đặt hàng xuất khẩu của Anh tăng cao nhất trong 2 năm qua

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp Vương quốc Anh (CBI), số đơn đặt hàng xuất khẩu của đất nước này trong tháng Tám đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm qua, sau sự kiện cử tri nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, khiến đồng bảng Anh suy yếu.

Anna Leach, nhà phân tích kinh tế hàng đầu của CBI, cho biết hoạt động sản xuất tăng cao hơn dự kiến là một điều đáng mừng và đồng bảng Anh sụt giảm đang hỗ trợ thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu. 

Tuy nhiên, đây cũng là một con dao hai lưỡi vì nó có lợi cho xuất khẩu nhưng cũng đẩy chi phí nhập khẩu tăng lên.

Trong tháng Bảy, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) Markit/CIPS trong lĩnh vực chế tạo tại nước Anh đã tụt xuống chỉ còn 48,2 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2013. 

Đây được coi là một trong những tín hiệu mới nhất cho thấy "cú sốc" Brexit đã bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế Anh. 

Trong khi đó, niềm tin kinh doanh tại Xứ sở Sương mù cũng giảm sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6. 

Liên đoàn Công nghiệp Vương quốc Anh còn cho hay giới doanh nghiệp dự đoán tăng trưởng kinh tế của đất nước sẽ gần như “dậm chân tại chỗ” trong vòng ba tháng tới./.

Nguồn: TTXVN

Ý kiến bạn đọc