Tin tức
Cánh cửa đang rộng mở cho doanh nghiệp mới trong lĩnh vực Thương mại điện tử Việt Nam
13/12/2014
Chưa có doanh nghiệp nào đạt vị trí thống lĩnh trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam nên cơ hội để các đơn vị khẳng định mình trên thị trường này vẫn còn nhiều.
Theo kết quả khảo sát của PwC, mô hình kinh doanh phổ biến nhất trong thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam là chợ trực tuyến (e-marketplaces) rồi đến các trang web bán lẻ trực tuyến (etailers). Tuy nhiên, chưa có một công ty nào có thể đạt vị trí thống lĩnh thị trường như Amazon tại Mỹ hay Taobao ở Trung Quốc. Điều này tạo cơ hội cho những doanh nghiệp "chân ướt chân ráo" có thể thiết lập vị thế trên thị trường vốn còn nhiều tiềm năng này.
PwC đưa ra con số giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam theo tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 300 triệu USD trong năm 2011, dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 75% một năm trong giai đoạn 2011-2015 và có thể đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2015.
Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ với mức thu nhập ngày càng tăng (có thể lên 820 USD vào năm 2015) nên nhiều người sẵn sàng chi tiêu cho các mục đích ngoài thiết yếu. Đây là điều kiện tốt cho phát triển thương mại điện tử. Ngoài ra, số người dùng Internet sẽ tăng từ 30 triệu năm 2011 lên 37 triệu vào năm 2016 (theo BMI) cùng sự phát triển nhanh đường truyền Internet tốc độ cao giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hình thức mua sắm trực tuyến.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng đưa ra con số thống kê khá khả quan trong Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2013. Năm 2013 chứng kiến sự tiến bộ của các loại hình giao dịch trực tuyến B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Mức độ và hiệu quả sử dụng e-mail của các doanh nghiệp đều có bước tiến so với năm 2012 với 83% doanh nghiệp đã sử dụng e-mail để nhận đơn đặt hàng. Tỷ lệ này của năm 2012 là 70%.
43% doanh nghiệp đã có website và 35% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua website, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 29% của năm 2012. Điều này cho thấy các doanh nghiệp sử dụng website một cách hiệu quả hơn.Các doanh nghiệp chú ý tới hoạt động quảng bá cho website và sử dụng nhiều phương tiện khác nhau cho hoạt động này.
Công cụ tìm kiếm tiếp tục là phương tiện được nhiều doanh nghiệp sử dụng nhất (43%), báo điện tử đứng thứ hai (40%).Các mạng xã hội được sử dụng ở mức cao để quảng bá website và tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng phương tiện này (37%) đã tiệm cận với tỷ lệ quảng bá trên các báo điện tử.Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp chưa sử dụng bất cứ hình thức nào để quảng bá cho website của mình vẫn chiếm tới 15%, bằng với tỷ lệ của năm 2012. Có 12% doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử của năm 2013 và 33% cho rằng nó mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sàn TMĐT Sendo.vn, thương mại điện tử trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. "Hai tháng đầu năm nay, chúng tôi đều có mức tăng trưởng hơn 50% mỗi tháng và thời gian lưu lại trên site của người dùng hơn 9 phút, thậm chí vượt Taobao những 20%. Hiện nay chúng tôi vận chuyển hàng hóa tới khách hàng trong 63 tỉnh thành, cho thấy người tiêu dùng đã và đang dần hình thành thói quen mua sắm online, phù hợp với xu thế chung của thế giới".
Để thu hút khách hàng đến với mô hình mua sắm online cần giải quyết vấn đề lòng tin người tiêu dùng. Người mua hàng có thể bị mất tiền vì các lý do như khi mua hàng phải trả tiền trước (qua thẻ) bị shop lừa không gửi hàng, gửi hàng chất lượng xấu không như mô tả trên website, không đổi được hàng. Còn người bán cũng đối mặt với rủi ro gửi hàng đi mà không nhận lại được tiền, nếu chấp nhận cho khách thanh toán sau khi nhận hàng.
Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển hàng hóa hoặc thương lượng các vấn đề trong giao dịch giữa người mua và người bán, khi không có bên thứ ba đứng ra đảm bảo và cân bằng trách nhiệm sẽ khiến độ an toàn trong giao dịch không cao. Các shop kinh doanh vừa và nhỏ khó có thể tạo ra được hệ thống kỹ thuật phục vụ cho việc mua bán online, việc ký hợp đồng với các đối tác vận chuyển, thanh toán cũng khó thực hiện khi lượng giao dịch của họ chưa đủ lớn.
Nếu các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT xây dựng được một hệ thống bảo chứng trung gian uy tín để có thể giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong quá trình giao dịch, chỉ khi cả người mua và người bán đều không có các khiếu nại thì tiền mới chuyển đi. Điều này tạo cho khách hàng sự tin tưởng vào mô hình kinh doanh này.
Bên cạnh việc tạo sự tin tưởng từ khách hàng thì việc mang đến những trải nghiệm mới mẻ cũng là cách thu hút người dùng hiệu quả. Ông Vũ Hải Nam, Giám đốc Kinh doanh một trang web bán hàng trực tuyến cũng cho rằng chính sự sinh sau đẻ muộn của những trang mua sắm mới lại là điểm hấp dẫn trải nghiệm của những người vốn đã quen thuộc "săn" hàng trên mạng. Áp lực cạnh tranh với các trang bán hàng online ra đời sớm hơn đã khiến những trang web này cố gắng khắc phục nhược điểm mà "đàn anh" mắc phải.
Quy trình chăm sóc khách hàng khép kín ở cả ba giai đoạn hỗ trợ trước mua, chăm sóc khi sử dụng và tặng quà, thu nhận phản hồi sau khi đã kết thúc tiêu dùng sẽ tạo ra sự tin cậy đối với khách hàng trực tuyến. Săn hàng giảm giá trên các trang thương mại điện tử là sở thích từ những người nội trợ cho đến dân văn phòng. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả hình thức mua sắm tiện ích này, người tiêu dùng nên trang bị những "chiêu độc" để tránh bị "hớ” khi mua hàng online. Ví dụ như: chỉ mua khi thực sự có nhu cầu, thực hiện cuộc "điều tra" nhỏ, truy cập Google và tìm kiếm thông tin chính xác, cẩn thận về nhà cung cấp, giá cả, địa điểm, hình thức của sản phẩm, dịch vụ bạn đặt mua và những phản hồi từ khách hàng đã sử dụng sản phẩm, "soi" uy tín các trang thương mại điện tử và lưu ý đến phương thức thanh toán.
 
Ý kiến bạn đọc