Để triển khai ứng dụng CNTT- Truyền thông trong doanh nghiệp, cần đào tạo nguồn nhân lực cho Thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu trên 3 góc độ: cơ cấu, số lượng và chất lượng
1. Về mặt cơ cấu nguồn nhân lực cho TMĐT bao gồm hai bộ phận chính: nguồn nhân lực CNTT-TT và nguồn nhân lực Quản trị kinh doanh TMĐT.
+ Nguồn nhân lực CNTT-TT (phần cứng, phần mềm, mạng truyền thông) đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ, các phương tiện kỹ thuật cho TMĐT, đồng thời đảm bảo duy trì, vận hành, phối hợp với nguồn nhân lực Quản trị kinh doanh nhằm hoàn thiện, nâng cấp các hệ thống TMĐT lớn. Nguồn nhân lực này được đào tạo tại các trường, các khoa công nghệ.Yêu cầu chủ yếu đối với bộ phận nguồn nhân lực này là các kiến thức và kỹ năng kỹ thuật.Kỹ năng quản lý một phần có được thông qua các chương trình đào tạo trong nhà trường, phần quan trọng khác được hình thành nhờ tích lũy kinh nghiệm trong quá trình hoạt động thực tiễn.
+ Nguồn nhân lực Quản trị kinh doanh TMĐT sử dụng các phương tiện kỹ thuật do nguồn nhân lực CNTT-TT tạo nên để tiến hành các hoạt động kinh doanh, hoạt động thương mại. Yêu cầu chủ yếu đối với bộ phận nguồn nhân lực này là các kiến thức và kỹ năng tổ chức và quản lý kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, nhân lực Quản trị kinh doanh TMĐT cần phải có các kiến thức và kỹ năng nhất định về CNTT-TT, có khả năng xây dựng, duy trì, vận hành và nâng cấp các hệ thống TMĐT cơ bản (không phức tạp) và sử dụng được các hệ thống TMĐT lớn để tiến hành các hoạt động kinh doanh. Các kiến thức và kỹ năng này được hình thành trong quá trình đào tạo ở nhà trường và qua tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Xét về tổng thể triển khai ứng dụng TMĐT trong nền kinh tế, bộ phận nhân lực Quản trị kinh doanh TMĐT cần phải được chuẩn bị với số lượng lớn hơn bộ phận nhân lực chuyên CNTT-TT.
Mỗi bộ phận nguồn nhân lực bao gồm nhiều cấp độ đào tạo. Một cách tương đối, có thể phân biệt hai cấp độ đào tạo chủ yếu:
+ Bậc cao (đại học, trên đại học)
+ Bậc đào tạo nghề (cao đẳng, trung cấp, các chương trình đào tạo nghề khác).
Càng ở cấp độ đào tạo cao hơn, yêu cầu về kiến thức và kỹ năng tư duy, quản lý càng được ưu tiên.Đối với các cấp độ đào tạo thấp hơn, yêu cầu về kiến thức và kỹ năng thiên về kỹ thuật, tác nghiệp.Tương tự như trên, về mặt số lượng, nhân lực kỹ thuật, tác nghiệp phải lớn hơn nhân lực quản lý.
2. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho Thương mại điện tử.
Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực là một vấn đề khó, đòi hỏi phải tiến hành các chương trình nghiên cứu, khảo sát sâu rộng ở nhiều ngành, nhiều địa phương trong cả nước. Có thể phát họa xu hướng ứng dụng TMĐT của các nhóm doanh nghiệp tại Việt Nam thời gian trước mắt như sau:
- Xu hướng của các doanh nghiệp lớn (nhóm 1 có khoảng 1.500) là triển khai kinh doanh điện tử (e-Business), nghĩa là ngoài việc thực hiện các giao dịch thương mại điện tử với các đối tác, bạn hàng, còn tiến hành quản lý các hoạt động bên trong doanh nghiệp (sản xuất, tồn kho, kế toán, tài chính, ERP, cơ sở dữ liệu, EDI…) bằng các phương tiện CNTT-TT. Theo số liệu của Công ty Oracle Việt Nam, đến hết năm 2007 đã có trên 100 doanh nghiệp ở Việt Nam mua và lắp đặt bộ kinh doanh điện tử Oracle (Oracle e-business suite). Đây là bộ phần mềm rất phức tạp, dành cho các công ty lớn. Để triển khai, duy trì và vận hành hệ thống đòi hỏi mỗi công ty phải có đội ngũ IT riêng, có nhiều cán bộ, nhân viên kinh doanh được đào tạo về thương mại điện tử và kinh doanh điện tử (ở các trình độ đào tạo khác nhau, trong đó ưu tiên trình độ cao). Nếu trong vòng 5 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng kinh doanh điện tử đạt 20-25% số doanh nghiệp lớn (nghĩa là khoảng 300-350 DN), nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực TMĐT sẽ là rất lớn, lên tới hàng chục ngàn người.
- Các doanh nghiệp nhóm 2 (khoảng 45.000 DN) với các hệ thống TMĐT chủ yếu thuộc cỡ trung, không đòi hỏi đội ngũ IT chuyên nghiệp đông đảo, nhưng mỗi hệ thống yêu cầu hàng chục cán bộ, nhân viên kinh doanh được đào tạo về thương mại điện tử và kinh doanh điện tử có khả năng quản lý, khai thác, vận hành hệ thống. Nguồn nhân lực được đào tạo về TMĐT cho nhóm doanh nghiệp này lên đến hàng chục vạn, trong đó bộ phận ít hơn cần có trình độ đào tạo ở bậc cao.
- Các doanh nghiệp nhóm 3, chiếm tuyệt đại đa số doanh nghiệp (trên 300.000 DN còn lại), với các hệ thống TMĐT chủ yếu là các hệ thống cơ bản, đơn giản, không cần cán bộ IT chuyên nghiệp chuyên trách, mỗi hệ thống chỉ cần một vài nhân lực kinh doanh được đào tạo về thương mại điện tử vận hành. Tuy vậy, nhu cầu nhân lực được đào tạo về TMĐT cho nhóm doanh nghiệp này là con số rất lớn. Trình độ đào tạo nguồn nhân lực cho nhóm này thiên về đào tạo nghề.Bộ phận nhân lực có trình độ đào tạo bậc cao cho nhóm này chiếm tỷ lệ không lớn.
Tin tức
Cơ cấu, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho TMĐT
21/12/2013
Ý kiến bạn đọc
TIN TỨC MỚI
TIN TỨC CŨ