Thời gian qua, với tốc độ phát triển nhanh của ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt với sự phát triển của Internet, giao dịch thương mại điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh, khối lượng thông tin trao đổi ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, những vi phạm liên quan đến các thông tin cá nhân ngày một nhiều hơn gây tâm lý e ngại cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch thương mại điện tử, là một trong những rào cản lớn nhất cần được khắc phục đối với sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.
Kết quả khả quan Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cho biết: Nhằm thiết lập một nền tảng thúc đẩy khả năng sinh lợi và tăng trưởng cho doanh nghiệp, thương mại điện tử và công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng giúp tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng hiện đại, khoa học, bắt kịp với tốc độ phát triển của doanh nghiệp trên thế giới.
Hiện nay, thương mại điện tử thực sự đã đi vào đời sống của cá nhân và chiến lược kinh doanh, trở thành một công cụ quan trọng không thể thiếu đối với doanh nghiệp. Không những thế, trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, thương mại điện tử và công nghệ thông tin càng thể hiện vai trò then chốt giúp doanh nghiệp rất nhiều trong lĩnh vực kinh doanh.
Theo ông Linh, thời gian qua, Cục đã phối hợp với các Sở Công Thương, các trường đại học, các nhà cung cấp dịch vụ và cộng đồng doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đã đề ra. Chính vì vậy, thương mại điện tử đã trở thành một công cụ quan trọng, không thể thiếu đối với doanh nghiệp và ngày càng trở nên phổ biến với từng cá nhân, nhất là giới trẻ. Không những thế, để đẩy mạnh vai trò hỗ trợ của công nghệ thông tin, các doanh nghiệp trên thế giới ngày càng quan tâm tới việc xây dựng kiến trúc doanh nghiệp. Đây là một bức tranh kiến trúc đa chiều thể hiện các bộ phận cấu thành nên doanh nghiệp và mối quan hệ giữa các bộ phận. Đáng chú ý, kiến trúc doanh nghiệp đặc tả mối quan hệ giữa kiến trúc của công nghệ thông tin và kiến trúc của hệ thống nghiệp vụ; mô tả cách thức hai kiến trúc này tương hợp với nhau để hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ một cách hiệu quả cho hệ thống nghiệp vụ.
Cùng đó, hệ thống sẽ kết nối các bộ phận khác nhau, cho phép giao tiếp, cộng tác, chia sẻ trong doanh nghiệp và tạo ra giá trị lớn hơn từ việc đầu tư ứng dụng cho công nghệ thông tin. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, Cục đã hỗ trợ các địa phương triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử. Điều này cho thấy sự quan tâm của địa phương đối với thương mại điện tử là rất lớn nhất là đối với các tỉnh ở vùng sâu, vùng xa. thương mại điện tử giúp xóa bỏ khoảng cách về không gian và thời gian, giúp giảm chi phí, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đáng chú ý hơn là Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin cũng đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp. Hơn 60 lớp tập huấn về thương mại điện tử được tổ chức tại gần 40 tỉnh/thành phố trên cả nước cho thấy sức cuốn hút của thương mại điện tử đối với cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.
Hướng tới những giải pháp Ông Đỗ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Mặc dù giao dịch thương mại điện tử và công nghệ thông tin của doanh nghiệp ngày càng tăng mạnh, khối lượng thông tin trao đổi ngày càng nhiều nhưng cũng có không ít những vi phạm liên quan đến các thông tin cá nhân. Kết quả điều tra cho thấy vấn đề bảo mật, an toàn thông tin trong đó bao gồm cả thông tin cá nhân luôn được các doanh nghiệp đánh giá là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam. Chính vì lẽ đó, kiến trúc doanh nghiệp là công cụ hỗ trợ của nhà quản lý bao quát tất cả các bộ phận chức năng, cách thức doanh nghiệp tổ chức hoạt động, các quy trình và mối quan hệ giữa các quy trình. Nhìn vào đây nhà quản lý có thể đánh giá và thực hiện những thay đổi phù hợp, đưa ra quyết định tổ chức về các khoản đầu tư công nghệ thông tin nhằm tối đa hóa lợi ích của hoạt động đầu tư, phát huy tốt nhất vai trò hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin. Vì thế, việc xây dựng kiến trúc doanh nghiệp góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, đồng thời phù hợp với xu hướng thiết kế kiến trúc theo hướng dịch vụ.
Qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến kế hoạch quảng bá rộng rãi hiệu quả của sàn thương mại điện tử trong nước ra thế giới và mức phí của doanh nghiệp khi tham gia giao dịch trên sàn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng lo ngại vì chưa có thói quen kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nên không biết nguồn dữ liệu khách hàng của sàn có đáng tin cậy hay không và làm thế nào để kiểm chứng và thẩm định các khách hàng là đối tác nước ngoài. Vì vậy, mục đích của sàn thương mại điện tử là cung cấp các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ kết nối, giao dịch thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trên toàn quốc, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như hàng dệt may, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, cao su, hàng thủ công mỹ nghệ… và nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như sắt thép, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may, hóa chất.
Do đó, sự ra đời của sàn thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã giúp các doanh nghiệp có được những hỗ trợ tốt nhất trong các quy trình xuất nhập khẩu và thương mại hóa quốc tế nói chung. Theo ông Linh, hiện nay, Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin đang tập trung chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Nghị định thương mại điện tử điện tử mới và tổ chức tốt việc thực thi các văn bản pháp luật về thương mại điện tử đã ban hành. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh quá trình triển khai kế hoạch thương mại điện tử đã được phê duyệt. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử trên các phương tiện truyền thông, tập huấn về thương mại điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, Cục còn xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử cụ thể, từ đó đưa các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhanh hơn. Cục cũng phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc cung cấp trực tuyến các dịch vụ công của bộ và nâng cao chất lượng hoạt động của các Cổng thông tin hỗ trợ xuất khẩu; tổ chức các lớp tập huấn về thương mại điện tử cho đội ngũ nhân viên doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước; Xây dựng quy chế quản lý tên miền Internet quốc tế, tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" của các tổ chức, cá nhân.
Riêng trong năm 2013, Cục sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo về thương mại điện tử cho cán bộ, công chức sở, ngành, lực lượng quản lý thị trường... Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có các biện pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ của người bán và tạo lập niềm tin của người mua tham gia giao dịch thương mại điện tử. Đây là biện pháp quan trọng để đảm bảo sự phát triển của thương mại điện tử ngày càng mạnh mẽ và bền vững.